Với ước tính khoảng 4.000 tỷ USD (2,7 ngàn tỷ bảng Anh) dự trữ ngoại tệ được cất trữ an toàn trong các quỹ tài sản có chủ quyền khác nhau, Trung Quốc có rất nhiều tiền mặt để vung tiền ra mua sắm trên thế giới.
Trung Quốc đầu tư hàng năm ở nước ngoài đã tăng gấp 8 lần trong 10 năm qua, đạt hơn 140 tỷ USD vào năm 2013. Trong năm 2014, với vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong nửa đầu năm thấp hơn so với một năm trước đó, chủ yếu là do sự sụt giảm trong chi tiêu cho các dự án năng lượng.
Nhưng sự tụt giảm này có khả năng chỉ là gián đoạn tạm thời, rất ngắn, lý do đơn giản là sự tăng trưởng dân số và quan trọng hơn, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đồng nghĩa với việc sự tham lam của Trung Quốc đối với các nguồn lực sẽ tiếp tục phát triển.
Mỹ là quốc gia đã nhận được khoản đầu tư lớn nhất từ tiền của Trung Quốc trong thập kỷ qua, phần lớn đến từ sự bùng nổ của làn sóng đầu tư từ năm 2012 tới năm 2014 với tổng số tiền là 72 tỷ USD, còn Australia là điểm đến số một của Trung Quốc trong 10 năm trước đó, với số tiền là 61 tỷ USD.
Xếp sau đó là Canada với 39 tỷ USD đã được Trung Quốc rót vào đầu tư; Brazil là 31 tỷ USD; Indonesia là 31 tỷ USD; Anh là 24 tỷ USD, Kazakhstan là 24 tỷ USD; Nga là 21 tỷ USD…
Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2014, đầu tư của Trung Quốc ở Anh đã gần ngang bằng ở Mỹ, điều đó củng cố vị trí của Anh là quốc gia Châu Âu được Trung Quốc yêu thích đầu tư vào.
Trung Quốc đã đầu tư kinh doanh tại 34 quốc gia Châu Phi. Trong đó, Nigeria đứng đầu bảng tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc với số vốn hơn 21 tỷ USD, xếp sau là Ethiopia và Algeria với lượng tiền đầu tư thu hút hơn 15 tỷ USD. Angola và Nam Phi, mỗi nước giành được khoảng gần 10 tỷ USD tiền đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tài nguyên là thứ mà Trung Quốc cực kì cần khi đầu tư, đặc biệt là năng lượng. Dự đoán nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. Đó là lý do tại sao đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng đã đạt mức lớn nhất với gần 400 tỷ USD cam kết nhằm đảm bảo điện cho dân số của Trung Quốc, hiện đang ở mức gần 1,4 tỷ người.
Bên cạnh đó, kim loại là một lĩnh vực quan trọng khác của đầu tư Trung Quốc, vì đây là những nguyên nhiên liệu cần thiết trong xây dựng và công nghiệp để giúp đáp ứng nhu cầu nhiên liệu đang tăng nhanh chóng của Trung Quốc.
Nhà nước Trung Quốc đã thực hiện một số khoản đầu tư vào các công ty tư nhân lớn và các dự án, hầu hết trong số đó thuộc lĩnh vực năng lượng.
Tập đoàn dầu khí Trung Quốc, CNOOC, đã dành 15 tỷ USD đầu tư vào công ty Nexen của Canada năm 2013, trong khi các công ty năng lượng khác thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt giao dịch trị giá nhiều tỷ USD trong những năm gần đây.
Bên cạnh năng lượng và tài nguyên, lĩnh vực tài chính cũng thu hút được một số tiền lớn đáng kể từ Trung Quốc. Cùng với ngân hàng Morgan Stanley, Ngân hàng Standard là những thể chế tài chính nhận nhiều tiền đầu tư nhất của Trung Quốc…
Trước đó, Trung Quốc cũng vung tiền mạnh vào Châu Âu. Nhưng khi những doanh nghiệp này rơi vào tay công ty quốc doanh Trung Quốc, đây lại là vấn đề chính trị. Chính phủ Trung Quốc đang muốn tận dụng các doanh nghiệp châu Âu để bành trướng ảnh hưởng trên toàn cầu.
"Hiện tại, đầu tư Trung Quốc có vẻ như tiền từ trên trời rơi xuống. Nhưng nó có thể biến thành con ngựa thành Troy, mang theo tư tưởng chính trị và giá trị Trung Quốc vào châu Âu" - Sophie Meunier tại Đại học Princeton cho biết trong một nghiên cứu năm ngoái.
Trong khi đó, công ty châu Âu đổ tiền vào Trung Quốc thì bị đòi hỏi lập liên doanh với các đối tác nội địa, và chịu nhiều hạn chế khác tùy từng ngành. EU đang cố gắng đàm phán để được tự do hơn, nhưng vẫn đang ở thế bất lợi. Mở cửa cho đầu tư Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc giúp quốc gia này nâng cao ảnh hưởng chính trị.
Theo Một Thế Giới