Miền bắc nước ta đang trong giai đoạn mưa bão. Đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi ở Quảng Ninh mới đây bị ngập do mưa lớn kéo dài.
Những chiếc xe lội nước quá sâu hoặc lội nước ngập nửa bánh xe liên tục có thể bị hỏng hóc, một số bộ phận không còn hoạt động ổn định. Chủ xe cần phải kiểm tra những hạng mục sau để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến an toàn có thể xảy ra.
Động cơ của xe
Đây là bộ phận ưu tiên kiểm tra đầu tiên khi ô tô thường xuyên phải di chuyển qua những cung đường ngập nước.
Để kiểm tra động cơ, người dùng có thể tự để ý bằng cách nghe tiếng nổ máy của xe lúc xe đứng yên. Nếu động cơ lúc không tải có các biểu hiện như vòng tua tăng giảm bất thường, giật cục, tắt máy, có tiếng động lạ thì rất có thể xe đã có vấn đề liên quan đến nước tràn vào khối động cơ của xe.
Anh Lê Đình Hùng, cố vấn dịch vụ đại lý Toyota tại Hà Nội, đưa ra lời khuyên: "Nếu chiếc xe gặp những biểu hiện trên, tốt nhất người dùng không nên cố gắng đề nổ lại để lái xe vì có thể khiến chúng hư hỏng nặng hơn.
Người dùng có thể tự mình kiểm tra dầu động cơ bằng cách dùng que thăm dầu để quan sát màu sắc của dầu. Nếu màu này chuyển sang trắng đục, gần giống cà phê sữa, khả năng cao động cơ đã bị vào nước.
Ngoài ra, chủ xe cũng có thể tự kiểm tra lọc gió của động cơ. Nếu phát hiện thấy phần lọc gió bị ướt, rất có thể động cơ bị vào nước qua họng hút.
Nếu có các dấu hiệu đã vào nước trên, chủ xe nên mang xe đến đại lý hoặc các cơ sở sửa chữa uy tín để xử lý càng sớm càng tốt". Anh Hùng cho biết.
Hệ thống phanh
Những chiếc xe sau khi di chuyển trong vùng ngập nước, má phanh có thể bị mất độ bám khi kẹp vào đĩa phanh. Do đó, khi thoát ra khỏi vùng ngập, tài xế nên tiếp tục di chuyển với tốc độ vừa phải, đồng thời nhấn nhẹ phanh để kiểm tra độ ăn của phanh.
Nếu chủ xe để vài ngày tiếp theo không sử dụng, đĩa và má phanh có thể xuất hiện những vệt ố vàng do ảnh hưởng bởi axit hoặc những tạp chất có trong nước mưa. Việc này khắc phục khá đơn giản, khi sử dụng phanh trở lại, những vệt ố vàng xấu xí sẽ tự sáng bóng trở lại, lúc này tài xế có thể yên tâm tiếp tục điều khiển.
Trường hợp khi di chuyển tiếp mà má phanh có hiện tượng không bám, phát ra tiếng kêu "ken két" khó chịu, chủ xe có thể mang xe qua các cơ sở bảo dưỡng để kiểm tra, cân chỉnh.
Hệ thống điện
Đây cũng là bộ phận quan trọng cần phải được kiểm tra vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng di chuyển của xe.
Người dùng có thể kiểm tra hệ thống điện của xe bằng cách sử dụng tất cả các chức năng như đóng mở cửa kính, đèn, hệ thống điều hòa, ghế chỉnh điện...
Bên cạnh đó nước có thể thâm nhập vào hộp cầu chì của xe và gây hư hỏng đến hệ thống điện, do đó cần kiểm tra bộ phận này tiếp theo nếu các chức năng của xe có vấn đề.
Nội thất xe
Hầu hết những chiếc ô tô đều được trang bị các gioăng cao su ở cửa, ngăn không có nước thâm nhập vào nội thất khi trời mưa. Tuy nhiên, việc lội nước trong thời gian dài khi mực nước lên đến bệ cửa có thể khiến nước tràn vào xe, hoặc cũng có thể nước mưa thâm nhập từ dưới sàn xe.
Theo kinh nghiệm được nhiều người sử dụng xe lâu năm chia sẻ, sau khi lái qua khỏi vùng ngập, các bác tài có thể kiểm tra phần thảm nguyên bản của xe, nếu phần thảm này ẩm, không khô sau một ngày, rất có thể nước đã thâm nhập vào nội thất.
Chỗ để bánh dự phòng cũng là nơi nên kiểm tra vì khu vực này thường dễ bị bỏ qua, khiến nước đọng gây gỉ sét. Nếu có dấu hiệu vào nước, chủ xe nên thực hiện vệ sinh, mở hết cửa để thông thoáng và nên thay thế gioăng cao su cửa.
Đối với những khách hàng sử dụng xe điện, việc kiểm tra động cơ là không cần thiết. Tuy nhiên, những hạng mục như hệ thống điện, pin và nội thất của xe vẫn cần phải kiểm tra kỹ.
Xe điện có ưu điểm là lội nước không cần phải quá lo lắng về việc động cơ bị thủy kích, do đó có thể khiến tài xế chủ quan, lội nước chỗ sâu, khiến nội thật dễ bị nước thâm nhập. Nếu có bất thường trong hệ thống điện, phải liên hệ trung tâm dịch vụ để kiểm tra và sửa chữa, không nên cố gắng tiếp tục sử dụng.