Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

30 điểm vẫn trượt đại học, nhìn thẳng nguyên nhân mới tìm ra giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chúng ta thay kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bằng kỳ thi Tốt nghiệp mà chưa lường hết tác động ghê gớm của việc này. Chính sự thay đổi mục tiêu của kỳ thi là thủ phạm gây ra cuộc lạm phát điểm đỗ đại học năm 2021.
Niềm vui khi làm tốt bài thi tốt nghiệp đã không song hành với nỗi lo của việc trượt đại học - Ảnh baonghean.vn
Niềm vui khi làm tốt bài thi tốt nghiệp đã không song hành với nỗi lo của việc trượt đại học - Ảnh baonghean.vn

Câu chuyện điểm chuẩn đại học cao chót vót, có trường 30, thậm chí 30,5 điểm mới đỗ trong kỳ tuyển sinh năm nay khiến chúng ta phải đặt ra những câu hỏi liên quan đến nguyên nhân, giải pháp, đổi mới thi cử v.v. Tuy nhiên, trước mắt, phải chỉ ra được lý do của sự bất thường này để từ đó mà tránh những sai lầm tương tự trong tương lai.

Như chúng ta đã biết, kết quả của một kỳ thi có ảnh hưởng không chỉ tới tâm lý, tương lai nghề nghiệp và cuộc đời phía trước của một học sinh mà hơn thế nữa, sẽ tác động sâu sắc tới các vấn đề lớn trên phương diện xã hội như chất lượng nguồn nhân lực, chính sách và hoạch định chính sách xã hội… Chính vì thế, việc tổ chức một kỳ thi đảm bảo các tiêu chí khoa học là rất quan trọng. Tuy nhiên, với tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học và điểm chuẩn của nhiều ngành tăng khủng khiếp từ 8 tới 9 điểm hay việc các tổ hợp môn khoa học xã hội (văn, sử, địa) mà tới 30.5 điểm mới đỗ đại học thì rõ ràng kỳ thi năm nay đang có vấn đề nghiêm trọng.

Nguyên nhân thì có nhiều, các nhà giáo, nhà khoa học cũng đã nêu ra và phân tích nhưng chúng tôi nhận thấy chưa ai chỉ ra một điểm quan trọng trong cả chuỗi nhân quả của quá trình, đó là sự thay đổi mc tiêu của kỳ thi.

Đang trong lúc dịch bệnh phức tạp, giãn cách và phong tỏa mỗi lúc một ráo riết, mở rộng thì năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại có một quyết định ngược: thay kỳ thi THPT Quốc gia bằng kỳ thi Tốt nghiệp. Chính hai chữ “tốt nghiệp” này đã gây nên “bão điểm”. Vì sao? Kỳ thi THPTQG thể hiện một mục tiêu kép, vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học nhưng khi thay bằng “tốt nghiệp” thì mục tiêu thứ hai đã bị giảm trừ, nếu không nói là loại trừ về mặt kỹ thuật ở khâu ra đề thi.

Đề thi năm nay dễ hơn hẳn mọi năm là điều chúng ta đều thấy. Công tác coi thi, dễ hiểu là cũng có thể theo đó mà đã chùng xuống ít nhiều do thứ tâm lý xuê xoa cho rằng tạo điều kiện để các em đều đậu tốt nghiệp là phải đạo, rằng điểm này đâu có dùng xét tuyển đại học vì các trường đã được tự chủ thực hiện phương án tuyển sinh riêng cho nghiêm khắc và công bằng rồi, nhất là các trường lớn.

Kết quả là điểm thi tốt nghiệp năm nay rất cao như thống kê phổ điểm cho thấy. Thế rồi đại dịch Covid-19 không những không chấm dứt sớm mà còn trầm trọng thêm khiến các trường đại học chưa thể tổ chức tuyển sinh theo phương án riêng, đành phải tuyển sinh theo điểm thi Tốt nghiệp. Và siêu lạm phát điểm đỗ đại học đã diễn ra như chúng ta đều biết.

Việc các trường đại học vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp này để tuyển sinh là có hai lý do: một là vẫn đúng quy chế và hai là tình thế bắt buộc. Như đã nói, chính dịch bệnh với giãn cách, phong tỏa, thậm chí giới nghiêm đã khiến các trường đại học gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tự tổ chức phương án tuyển sinh riêng của mình, chính vì thế mà họ buộc phải chủ yếu sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để thay thế.

Như chúng ta đã biết, đã gọi là thi tốt nghiệp thì mức độ khó, sự phân hóa của đề thi là không cao; nó gần như không phù hợp với việc đánh giá năng lực để làm cơ sở tuyển sinh vào đại học. Nhưng tình thế đã buộc các trường phải dùng đến kết quả này, và như thế, điểm chuẩn bỗng nhiên tăng vọt là một điều tất yếu.

Chính ở điểm này Bộ GD&ĐT đã có một quyết sách không tối ưu: đáng ra phải tiếp tục duy trì cuộc thi THPTQG trong lúc nước sôi lửa bỏng này, và chỉ tổ chức thi tốt nghiệp để nhường quyền tuyển sinh lại cho các trường đại học theo phương án riêng của họ khi mà xã hội đã yên bình trở lại, thì ở đây Bộ đã làm ngược lại. Nghĩa là quyết định thi tốt nghiệp vào năm dịch bệnh 2021 này là một quyết sách chưa khoa học. Nhớ lại, trong nhiều năm gần đây, giáo giới và các nhà khoa học cùng nhân dân nói chung đã hết lòng kêu gọi, hãy tách kỳ thi tốt nghiệp ra khỏi tuyển sinh đại học nhưng Bộ đã không nghe, đùng một cái, năm nay, cái năm mà đáng ra không nên (nếu không nói là không thể) thì Bộ lại tiến hành. Đây là một quyết sách thật sự khó hiểu và hết sức đáng tiếc.

Trong câu chuyện này thiệt thòi thuộc về tất cả. Có thể các trường đại học cũng chưa chọn được những thí sinh tốt nhất, bản thân học sinh thì bị lấy mất cơ hội bộc lộ hết năng lực của mình bằng những đề thi có mức phân hóa tốt hơn, và nếu nhìn xa hơn về tương lai thì những hậu quả về mặt xã hội do phương án năm nay để lại là rất khó mà đong đếm hết được.

Khi mà trong một kỳ thi có tới 61 thí sinh đạt 29,5 điểm nhưng vẫn trượt tất cả các nguyện vọng thì đó phải trở thành một nỗi đau chứ không đơn thuần là “đáng tiếc” như cách nói của một vài cán bộ hữu trách ở Bộ chủ quản. Và tất nhiên là các em học sinh không hề có lỗi gì trong chuyện này cả.

Dù sao thì điểm tốt nghiệp (lại phải dùng để xét tuyển đại học) năm nay quá cao cũng là một sự việc đã "trót" xảy ra và không còn có thể hoán cải được nữa. Việc có thể làm lúc này là Bộ GD&ĐT cần bàn thảo thật kỹ với các trường đại học, thậm chí với riêng từng trường, để tính xem có thể kịp làm những gì để giúp cho công tác tuyển sinh đại học năm 2021 này ít phải chịu những hậu quả đáng tiếc nhất.

Song hành và kế theo là gấp rút xây dựng những phương án tuyển sinh khoa học, tiến bộ hơn cho các năm học sau, có cả những phương án dự phòng cho tình huống dịch bệnh, thiên tai, địch hoạ v.v., để bao giờ chúng ta cũng chủ động vạch ra được phương án tối ưu, dù thực tế có diễn biến bất thường đến đâu chăng nữa.