10 mẹo chụp ảnh bằng smartphone phục vụ “sống ảo” mùa du lịch (P2)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện nay, ngày càng nhiều người ưa chuộng việc sử dụng smartphone để chụp ảnh thay vì dùng máy ảnh chuyên dụng. Tiếp nối phần trước, sau đây là những bí kíp của các nhiếp ảnh gia khi sử dụng thiết bị này. 

6. Đảm bảo độ ổn định của máy khi chụp

Ảnh minh họa: diyphotography.com

Ảnh minh họa: diyphotography.com

Nếu lo ngại về độ cân bằng khi chụp ảnh, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của giá đỡ cố định. Theo các nhiếp ảnh gia, giá ba chân dành cho máy ảnh là một trong những phụ kiện rất cần thiết. Tuy nhiên công cụ này thường bị bỏ qua khi chụp ảnh bằng smartphone.

Giá ba chân (tripod) hiện nay đã trở thành một dụng cụ khá phổ biến đối với các nhiếp ảnh gia, bất kể chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Thiết bị sẽ giúp cố định máy, trợ giúp đắc lực cho các kỹ thuật như phơi sáng lâu, tua nhanh thời gian, căn góc chụp,…Tripod bỏ túi hiện nay hỗ trợ hầu hết các dòng máy và có thể gấp gọn để tiện mang theo trong các chuyến du lịch xa nhà.

7. Điều khiển từ xa bằng nút chụp

Ảnh minh họa: pinterest.com

Ảnh minh họa: pinterest.com

Khi không có người chụp, bạn thường chọn cách đặt hẹn giờ và chạy nhanh vào khung hình? Tuy nhiên, cách này khiến ảnh của bạn không được lấy nét tốt, đồng thời chất lượng cũng kém hơn do không được căn chỉnh. Ảnh chụp bằng cách này hầu hết bị rung hoặc lệch bố cục, khiến bạn mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Khắc phục nhược điểm này, một số hãng điện thoại đã cải thiện tính năng khi trang bị thêm điều khiển từ xa. Thiết bị đóng vai trò như một nút chụp từ xa, giúp bạn căn chỉnh bố cục trước khi chụp. Nếu hãng smartphone không có nút chụp đi kèm, bạn có thể mua nút từ xa có kết nối Bluetooth để sử dụng.

8. Dùng trợ lý ảo để chụp ảnh

Ảnh minh họa: trickideas.com

Ảnh minh họa: trickideas.com

Bên cạnh nút chụp vật lý, bạn có thể chụp từ xa bằng cách yêu cầu trợ lý ảo trên điện thoại làm điều này.

Trên các dòng điện thoại Android, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của Google Assistant bằng cách đọc lệnh “OK Google, chụp ảnh” hoặc “OK Google, chụp ảnh tự sướng” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trợ lý Google sẽ tự động bật máy ảnh lên, hiển thị đồng hồ đếm ngược và tiến hành chụp ảnh. Ngoài tính năng này, bạn cũng có thể yêu cầu trợ lý Google chia sẻ ảnh, quay video và làm nhiều việc khác thông qua các khẩu lệnh tương ứng.

Tương tự, nếu sử dụng iPhone, bạn có thể nói "Hey Siri, take a photo” để trợ lý ảo tự động mở máy ảnh và chụp hình.

9. Luôn chú ý lấy nét

Ảnh minh họa: photographytalk.com

Ảnh minh họa: photographytalk.com

Đây là bước quyết định hầu hết chất lượng ảnh của bạn. Một tấm ảnh đủ nét sẽ giúp bạn dễ dàng trong khâu hậu kì mà không lo bị vỡ.

Theo các nhiếp ảnh gia, cách đơn giản và dễ dàng nhất khi thực hiện lấy nét trên điện thoại là chạm vào màn hình. Không chỉ xác định vật thể trung tâm, bước này còn giúp ống kính thu sáng tự động cho bức ảnh. Nếu muốn điều chỉnh ảnh sáng theo ý muốn, bạn có thể sử dụng thanh kéo nằm trên màn hình sau khi lấy nét để có tấm hình ưng ý nhất.

10. Lưu ý khi chụp chân dung

Ảnh minh họa: craftschmaft.com

Ảnh minh họa: craftschmaft.com

Hầu hết điện thoại thông minh hiện nay đều trang bị "Chế độ chân dung". Nguyên lý hoạt động của chế độ này mô phỏng ống kính tele, nhấn trọng tâm vào chủ thể và làm mờ hậu cảnh.

Tuy nhiên, không phải dòng máy nào cũng thực hiện tốt được tính năng này. Tùy theo từng cấu tạo camera, chất lượng xóa phông của các dòng máy sẽ khác nhau. Các chuyên gia về nhiếp ảnh cũng đưa ra lời khuyên rằng, chế độ chân dung chỉ nên sử dụng trong điều kiện đủ ánh sáng. Người chụp cũng phải thử nhiều góc chụp khác nhau để tìm ra điểm lấy nét thuận lợi, đồng thời duy trì khoảng cách với chủ thể sao cho phù hợp.

Theo Tạp chí TIME