10 biện pháp châu Âu muốn thực hiện để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã đưa ra kế hoạch giúp EU có thể giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong năm tới.
Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đưa ra lộ trình nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên từ Nga. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga khiến EU khó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Moscow sau cuộc xung đột với Ukraine.

Kế hoạch từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một tổ chức hoạch định chính sách năng lượng với các thành viên từ 31 quốc gia, sẽ giảm 1/3 sự phụ thuộc của EU với khí đốt tự nhiên của Nga trong một năm, trong khi vẫn tuân thủ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), một thỏa thuận của EU nhằm giảm thiểu lượng khí thải ít nhất 55% so với mức của năm 1990 vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga sẽ khó có thể thực hiện nhanh chóng. Bởi. EU quá phụ thuộc vào nguồn cung này trong khi EU đã cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính.

Được biết, EU đã nhập khẩu 155 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021, gần một nửa (45%) lượng khí đốt nhập khẩu và gần 40% tổng lượng được sử dụng, theo IEA. Việc chuyển từ đốt khí tự nhiên sang đốt than là một giải pháp nhanh chóng dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, điều này lại khiến EU không đạt được các mục tiêu về khí hậu theo kế hoạch đã đề ra.

Theo CNBC, lộ trình này là gọi là “Kế hoạch 10 điểm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga”. Theo đó EU sẽ thực hiện các giải pháp để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu, dần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tập trung vào hiệu quả năng lượng.

“Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với sự không ổn định về nguồn cung khí đốt của Nga vào mùa đông tới ”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một văn bản công bố kế hoạch.

Dưới đây là tóm tắt về 10 đề xuất:

Không gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga. Hiện tại, EU có hợp đồng với Gazprom, một tập đoàn năng lượng đa quốc gia thuộc sở hữu nhà nước của Nga, nhập khẩu hơn 15 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Hợp đồng đó sẽ hết hạn vào cuối năm. EU nên để các hợp đồng nhập khẩu khí đốt hết hiệu lực.

Thay thế các hợp đồng hết hạn từ Nga bằng các hợp đồng từ các nguồn khác. Sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước và nhập khẩu từ các nguồn không phải của Nga, bao gồm từ Azerbaijan và Na Uy, dự kiến ​​sẽ tăng lên tới 10 tỉ mét khối so với năm 2021. Nhưng IEA cho rằng EU nên đi xa hơn và tăng nhập khẩu khí thiên nhiên lỏng (LNG), là khí tự nhiên đã được làm lạnh đến trạng thái lỏng ở khoảng -260 ° F để có thể dễ dàng vận chuyển trên tàu hoặc xe tải hơn.

IEA cũng khuyến nghị EU tăng cường cung cấp khí sinh học và biomethane, nhưng các chuỗi cung ứng này cần có thời gian để phát triển. Các chuỗi cung ứng hydro “xanh” carbon thấp được tạo ra bằng phương pháp điện phân cũng vậy.

Lưu trữ nhiều khí hơn. Tích trữ khí đốt mang lại cho EU một phương án dự phòng trước những tình huống đặc biệt trong tương lai.

Đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời. Vào năm 2022, EU dự kiến sẽ tăng 15% sản lượng điện chuyển giao từ năng lượng tái tạo so với năm 2021 do tăng chi tiêu cho các cơ sở năng lượng mặt trời và gió mới cũng như các mô hình thời tiết thuận lợi. IEA khuyến nghị đẩy nhanh các dự án tái tạo đang thực hiện bằng cách giải quyết sự chậm trễ trong quá trình xử lý giấy phép. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều nhân viên hành chính hơn, giúp giao tiếp tốt hơn giữa các cơ quan cấp phép, thiết lập thời hạn rõ ràng và chuyển sang mô hình số hóa đối với các ứng dụng.

Giữ nguyên trạng thái hạt nhân hiện có và vận hành các nhà máy năng lượng sinh học ở quy mô tối đa. Một số lò phản ứng hạt nhân hiện có ở châu Âu đã dừng hoạt động vào năm 2021 để bảo trì và kiểm tra an toàn, nhưng khi các nhà máy điện đó hoạt động trở lại trong năm nay, chúng sẽ bổ sung vào việc sản xuất năng lượng sạch. Các nhà máy điện hạt nhân, một khi chúng được xây dựng, sẽ tạo ra năng lượng mà không thải ra bất kỳ lượng khí nhà kính nào.

Một số ít các lò phản ứng điện hạt nhân đã được thiết lập tạm dừng để kiểm tra vào năm 2022 và 2023, nhưng nếu những lò phản ứng đó tiếp tục hoạt động, điều đó sẽ góp phần không nhỏ giúp làm giảm nhu cầu của EU đối với khí đốt tự nhiên của Nga.

Ngoài ra, các nhà máy năng lượng sinh học mới chỉ hoạt động ở mức 50% công suất, nay cần được cung cấp đầy đủ nhiên liệu và vận hành hết công suất.

Bảo vệ những khách hàng dễ bị tổn thương. Khi giá năng lượng tăng cao, các công ty năng lượng có thể kiếm lời tốt, nhưng người tiêu dùng lại gặp khó khăn về khả năng chi trả. EU nên có biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp chi trả cho các hóa đơn năng lượng tăng cao. Một giải pháp đặt ra cho thị trường năng lượng EU lúc này là áp thuế tạm thời đối với khoản lợi nhuận quá cao của các công ty năng lượng và sử dụng số tiền thuế thu đó để hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp chi trả hóa đơn năng lượng.

Đẩy nhanh việc thay thế nồi hơi gas bằng máy bơm nhiệt. IEA kêu gọi EU đẩy nhanh tốc độ thay thế lò gas bằng máy bơm nhiệt trong gia đình.

Việc tăng gấp đôi tỷ lệ lắp đặt máy bơm nhiệt trong gia đình sẽ tiêu tốn của EU 16,3 tỉ USD (15 tỉ euro) và sẽ giúp tiết kiệm thêm 2 tỉ mét khối khí đốt trong năm tới. IEA cho biết sẽ là lý tưởng nhất nếu đồng thời tăng cường các dự án tiết kiệm năng lượng trong các gia đình. IEA cho rằng đây sẽ là phương án lý tưởng nhất nếu cùng lúc triển khai thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng trong gia đình.

Tăng cường các chương trình tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà và cơ sở sản xuất công nghiệp. Hiện tại, khoảng 1% các tòa nhà của EU được trang bị thêm các hệ thống nhằm tiết kiệm năng lượng hơn mỗi năm. Để tối đa hóa tác động, EU nên tập trung vào việc cải thiện hiệu quả của những căn hộ sử dụng năng lượng kém hiệu quả nhất và những tòa nhà không phải mục đích ở.

Phía IEA cũng đề nghị EU đẩy nhanh việc lắp đặt các bộ điều nhiệt thông minh để giảm nhu cầu năng lượng. Quá trình này có thể tăng tốc bằng cách trợ cấp cho các hộ gia đình lắp đặt một bộ điều nhiệt thông minh.

Khuyến cáo người tiêu dùng hạ mức nhiệt sưởi ấm. Hầu hết các tòa nhà có nhiệt độ trung bình gần 72 độ F và việc yêu cầu người tiêu dùng giảm nhiệt độ của họ xuống 1,8 độ F, hoặc 1 độ C, có khả năng làm giảm nhu cầu khí đốt khoảng 10 tỉ mét khối.

Tăng cường cơ chế lưới phát thải thấp. IEA khuyến nghị EU nên tập trung tăng cường tính linh hoạt cho hệ thống lưới điện, cả về khả năng chống chịu khi thay đổi theo mùa và khả năng xử lý các đợt nhu cầu năng lượng tăng đột biến trong ngắn hạn.

Việc phát triển độ tin cậy và tính linh hoạt của lưới điện trong tương lai sẽ phụ thuộc vào công nghệ pin và các công nghệ lưu trữ năng lượng dài hạn, quy mô lớn khác. Một số loại khí phát thải carbon thấp được sản xuất nội khối EU như khí metan sinh học (biomethane), hydro carbon thấp và khí metan tổng hợp, nên được tận dụng để cải thiện độ tin cậy của cơ chế phát thải thấp, mặc dù chúng không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng tổng thể.

Theo CNBC