Châu Âu liên tiếp có các động thái quyết liệt nhằm vào Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong cùng ngày, Nghị viện Châu Âu đã thông qua "Báo cáo Chiến lược Châu Âu-Trung Quốc mới" trong khi Liên minh Châu Âu công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trọng tâm đều nhằm đối phó Trung Quốc.
 Ngày 16/9, Nghị viện Châu Âu biểu quyết thông qua với đa số áp đảo Báo cáo Chiến lược Châu Âu - Trung Quốc mới với nhiều nội dung cứng rắn nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Ngày 16/9, Nghị viện Châu Âu biểu quyết thông qua với đa số áp đảo Báo cáo Chiến lược Châu Âu - Trung Quốc mới với nhiều nội dung cứng rắn nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Ngày 16/9, Nghị viện Châu Âu đã thông qua "Báo cáo Chiến lược Châu Âu-Trung Quốc mới" với số phiếu áp đảo, đề xuất hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhưng nhấn mạnh không xem xét Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trước khi Bắc Kinh hủy bỏ biện pháp trừng phạt các cá nhân và tập thể châu Âu; đồng thời chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền.

Nghị viện Châu Âu đã thảo luận và biểu quyết về Báo cáo về chiến lược mới với Trung Quốc do Ủy ban Đối ngoại Châu Âu đề xuất tại cuộc họp toàn thể trong hai ngày 14 và 15/9, công bố kết quả hôm thứ Năm (16/9). "Báo cáo Chiến lược Châu Âu-Trung Quốc mới" được thông qua với 570 phiếu thuận, 61 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

Bà Hilde Vautmans, thành viên Nghị viện châu Âu người Bỉ phụ trách bản báo cáo, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: "Chúng ta không thể ngây thơ khi giao du với Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, đồng thời là đối thủ cạnh tranh hình thành sự thách thức với lối sống và trật tự thế giới tự do của chúng ta. Các lợi ích kinh tế không nên khiến chúng ta giả mù trước chương trình nghị sự chính trị đầy tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và việc họ đàn áp Tân Cương và Hồng Kông".

Bà Hilde Vautmans, nghị sĩ phụ trách bản báo cáo: "Chúng ta không thể ngây thơ khi giao du với Trung Quốc..." (Ảnh: Deutsche Welle).

Bà Hilde Vautmans, nghị sĩ phụ trách bản báo cáo: "Chúng ta không thể ngây thơ khi giao du với Trung Quốc..." (Ảnh: Deutsche Welle).

Bà nhấn mạnh: "Chúng ta phải giành quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trong các lĩnh vực thương mại, kỹ thuật số và an ninh, cũng như quốc phòng để bảo vệ quan niệm giá trị và lợi ích của mình".

Báo cáo đã nêu ra sáu trụ cột mà EU nên xây dựng chiến lược mới vớiTrung Quốc. Đó là, hợp tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu, coi trọng các chuẩn mực quốc tế và nhân quyền, xác định các rủi ro và chỗ yếu, thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác cùng chí hướng, tăng cường tự chủ chiến lược và bảo vệ quan niệm giá trị cùng lợi ích của châu Âu.

Báo cáo khuyến nghị Trung Quốc và châu Âu tiếp tục hợp tác để giải quyết một loạt thách thức toàn cầu, chẳng hạn như nhân quyền, biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và các cải cách các tổ chức có thể thay đổi; đồng thời bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền có hệ thống của Trung Quốc. Các thành viên của Nghị viện châu Âu kêu gọi EU hợp tác với Trung Quốc để cải thiện khả năng ứng phó với các bệnh truyền nhiễm có thể tiến triển thành đại dịch thông qua các hệ thống cảnh báo sớm; đồng thời yêu cầu Trung Quốc cho phép tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ EU-Trung Quốc, Nghị viện châu Âu cũng nói rõ rằng trước khi Trung Quốc hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên của Nghị viện châu Âu và các tổ chức EU, họ sẽ không khởi động lại trình tự xem xét phê duyệt Hiệp định đầu tư Trung Quốc - châu Âu. Báo cáo chỉ ra rằng châu Âu cần các đối tác cùng chí hướng để thiết lập các công nghệ thế hệ mới như 5G và 6G, các công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn phải bị loại trừ.

Ngoài ra, các thành viên của Nghị viện châu Âu một lần nữa kêu gọi Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu thúc đẩy thỏa thuận đầu tư với Đài Loan.

Quan hệ EU - Trung Quốc đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu đi (Ảnh: Dwnews).

Quan hệ EU - Trung Quốc đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu đi (Ảnh: Dwnews).

Báo cáo cũng lên án các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi đối thoại thường xuyên với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền và thiết lập các tiêu chuẩn để đo lường sự tiến bộ. Tất cả các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và Hồng Kông đều cần được đưa vào cuộc thảo luận. Các thành viên của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi EU đảm bảo rằng luật hiện hành nghiêm cấm các công ty liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương được hoạt động kinh doanh tại EU.

Sau khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu và thông qua "Báo cáo Chiến lược Châu Âu - Trung Quốc mới", người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại EU khi trả lời câu hỏi của một phóng viên đã bình luận: “ Báo cáo này một mặt cho rằng Trung Quốc là đối tác hợp tác và đàm phán của EU, mặt khác ra sức phóng đại sự khác biệt về hệ tư tưởng và quan niệm giá trị, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và EU là 'đối thủ thể chế'. Những giọng điệu này không có lợi cho việc cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc – EU, chúng tôi không thể đồng ý. Đặc biệt, báo cáo đã bình luận sai lệch về chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách ngoại giao của Trung Quốc; thậm chí thiên kiến và dối trá về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế và cam kết của EU về các vấn đề liên quan. Trung Quốc kiên quyết phản đối những điều này".

Người phát ngôn cho biết: "Trong tình hình phức tạp hiện nay khi các thách thức toàn cầu đan xen và gia tăng, quan hệ Trung Quốc - EU đặc biệt không nên để ý thức hệ và địa chính trị trói buộc. Xung đột và đối đầu chỉ có hại cho cả hai bên và toàn thế giới”.

Ngày 16/10, Liên minh Châu Âu (EU) công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới nhằm tăng cường sự hiện diện của EU ở khu vực này và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngày 16/10, Liên minh Châu Âu (EU) công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới nhằm tăng cường sự hiện diện của EU ở khu vực này và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo Dwnews ngày 17/9, Liên minh châu Âu EU ngày 16/9 cũng đã công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm gia tăng ảnh hưởng và hướng đi ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời có ý định ký kết hiệp định thương mại với Đài Loan. Mặc dù kế hoạch này được coi là nhằm đối phó Trung Quốc, nhưng Brussels nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều dư địa cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu.

Ngày 16/9, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh Châu Âu Josep Borrell cho biết rằng Australia, Vương quốc Anh và Mỹ đã không tham khảo ý kiến ​​của Liên minh Châu Âu trước khi tuyên bố thành lập liên minh “Aukus” vào ngày 15/9, do đó Liên minh Châu Âu cần một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.

Kế hoạch chiến lược này dựa trên kế hoạch sơ bộ được công bố hồi tháng 4 và chủ yếu bao gồm bảy lĩnh vực chính, bao gồm y tế, an ninh, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, môi trường, thương mại và hải dương. EU có thể bố trí các quan chức ngoại giao cấp cao hơn phụ trách vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường đầu tư và bố trí nhân lực trong khu vực, đồng thời tăng cường đưa hạm tàu tuần tra ở Biển Đông.

Ngoài ra, EU cũng có thể ký hiệp định thương mại với Đài Loan nhưng điều này có khả năng khơi dậy sự bất bình của Bắc Kinh. Ông Borelli cho rằng Trung Quốc và EU có thể hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu.

Theo trang tin Deutsche Welle ngày 16/9, EU công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hiện diện của EU ở khu vực này và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trước đó, có cơ quan truyền thông đưa tin EU không tìm kiếm xung đột công khai với Bắc Kinh nhưng muốn kiềm chế tham vọng quyền lực của Bắc Kinh.

Các điểm chính của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU bao gồm:

Về thương mại

EU sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với Australia và New Zealand và tìm cách đạt được một hiệp định với Ấn Độ. Đồng thời, tăng cường quan hệ với các nước đã ký kết hiệp định thương mại (như Hàn Quốc). EU cũng sẽ tìm cách đạt được một hiệp định thương mại và đầu tư với Đài Loan.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của EU đề ra mục tiêu đạt được một hiệp định với Đài Loan - điều Trung Quốc kịch liệt phản đối (Ảnh: CNA).
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của EU đề ra mục tiêu đạt được một hiệp định với Đài Loan - điều Trung Quốc kịch liệt phản đối (Ảnh: CNA).

Biến đổi khí hậu

Mục tiêu của EU là giúp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chuyển đổi sang năng lượng xanh, với lựa chọn ưu tiên là năng lượng hydro tái tạo.

Hải dương

EU cam kết mở rộng sự hiện diện ngoại giao để giúp duy trì Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhằm ngăn chặn hiện tượng đánh bắt quá mức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cung cấp cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kiến ​​thức chuyên môn về bảo vệ biển, dự báo thời tiết và giảm thiểu ô nhiễm biển.

Công nghệ kỹ thuật số

Liên minh châu Âu hy vọng sẽ đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore về luồng dữ liệu và các đổi mới dựa trên công nghệ kỹ thuật số để hợp tác sâu hơn, đòng thời hy vọng số hóa thương mại được thực hiện nhiều hơn. EU cũng hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động 5G.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

EU hy vọng hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, đặc biệt trong các lĩnh vực kết nối giao thông như hàng không và hàng hải; đồng thời đảm bảo rằng các ngân hàng phát triển và các cơ cấu xuất khẩu đưa EU và châu Á xích lại gần nhau hơn. Liên minh châu Âu hôm thứ Tư đã khởi động một chương trình mới gọi là " Global Gateway" để cạnh tranh với chiến lược cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

An ninh và quốc phòng

Là thực thể thương mại lớn nhất thế giới, Liên minh Châu Âu tìm cách thiết lập các mối quan hệ trên biển chặt chẽ hơn với Australia, New Zealand, Indonesia và Nhật Bản. Liên minh châu Âu cam kết thực hiện nhiều hơn việc triển khai quân sự trên biển và tuần tra trên các tuyến đường thương mại mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên biển. EU cũng sẽ cử các cố vấn quân sự đến các phái bộ của EU trong khu vực.

Sức khỏe và Y tế

EU hy vọng sẽ giúp các nước nghèo ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có được vaccine COVID-19. EU cũng hy vọng sẽ phát triển hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng thuốc và thiết bị y tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.