Chủ tịch Quốc hội: Xem xét tư cách đại biểu trường hợp có khuyết điểm

Sáng nay (15/7), Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên lần thứ 7 để nghe và thảo luận về các báo cáo: Tình hình thực hiện chuẩn bị công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở báo cáo tổng kết công tác bầu cử toàn quốc, báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Chính phủ, các Bộ ban ngành Trung ương, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia xây dựng báo cáo tổng kết gửi các thành viên tham gia ý kiến đầy đủ.

Phiên họp hôm nay, Hội đồng sẽ nghe báo cáo tình hình thực hiện chuẩn bị công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và cho ý kiến hoàn thiện báo cáo tóm tắt và báo tổng kết để báo cáo chính thức tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử (dự kiến diễn ra vào ngày 18/7) trình bày tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Tại phiên họp này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng sẽ nghe báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV và xem xét thông qua nghị quyết xác nhận tư cách ĐBQH khoá XIV.

“Cuộc bầu cử vừa qua (được tổ chức ngày 22/5) có 496 đại biểu trúng cử Quốc hội. Tuy nhiên trong quá trình xem xét xác nhận tư cách đại biểu thì có một trường hợp đang bị cơ quan chức năng tiến hành quy trình xem xét, xử lý dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, căn cứ kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ tiến hành xác nhận tư cách đại biểu của người trúng cử và cấp giấy chứng nhận ĐBQH khoá XIV cho người trúng cử và báo cáo kết quả này tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Trước đó, trao đổi với VOV.VN sáng 13/7, ông Lê Minh Thông - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, một trong những nội dung tại phiên họp là Hội đồng sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của tất cả những người trúng cử. Theo đó, việc ai đủ tư cách và không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ được Hội đồng quyết định tại phiên họp, theo luật định.

Với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, sau khi xác định những dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ thứ 4 và thứ 5 nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo VOV