Không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã "vượt" qua tất cả các yêu cầu được cho là chặt chẽ nhất, khoa học nhất của quy trình về công tác bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Ông còn thẳng tiến tới gần Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta, đó là Quốc hội.
Phải chăng có lợi ích nhóm trong quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh?
Ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về tỉnh Hậu Giang, giữ vị trí lãnh đạo quan trọng của tỉnh này, rồi trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đó là điều không bình thường trong công tác cán bộ.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn có lợi ích nhóm chen vào, làm sai lệch quy trình.
GS Nguyễn Ngọc Trân (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
“Một quy trình mà để lọt những người như vậy thì quy trình đó phải xem lại. Một người có vấn đề như vậy, tại sao nằm trong quy hoạch, được luân chuyển. Tổng Bí thư từng phát biểu, nghe râm ran có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển; rồi chạy “đi”, chạy “về”. Cả bộ máy làm mà để trường hợp như ông Thanh lọt vào. Tôi nghĩ đây không phải là trường hợp duy nhất. May phát hiện ra được, chứ không mà vào Quốc hội rồi thì nguy”, GS Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.
Mỗi khi có một trường hợp đáng tiếc về công tác cán bộ xảy ra, chúng ta thường nói, đã làm "đúng quy trình". Cụm từ "đúng quy trình" đang bị lạm dụng để đưa lên những người, cá nhân có lợi cho riêng họ. Đã đến lúc, phải nhìn nhận lại quy trình, nội dung quy trình và điều quan trọng hơn, đó là những người làm công tác này.
Với một “di sản” trách nhiệm nặng nề ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nhưng ông Trịnh Xuân Thanh không những không bị xem xét trách nhiệm mà còn được bổ nhiệm lên vị trí quản lý cao hơn.
PGS. TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ khuất tất này đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, cán bộ xảy ra vi phạm nhưng đơn vị vẫn luân chuyển về Bộ, rồi gửi đi cơ sở thì đơn vị đó phải có trách nhiệm. Đặc biệt, cơ quan cấp cao phải chịu trách nhiệm bởi đã để ông Thanh lên vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
PGS.TS Ngô Thành Can (Ảnh: Lao Động) |
Phải chăng vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh chính là điển hình của vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đề nghị thẳng thắn thảo luận cho rõ ràng, đó là dư luận xã hội râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển?
Ông Bùi Quang Huy, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng “đây là trường hợp chạy chức, chạy quyền”. Ông Bùi Quang Huy cũng cho rằng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, ông Thanh không thuộc diện cán bộ luân chuyển thì địa phương làm sao biết cán bộ ở trên như thế nào mà đề nghị bổ sung cán bộ?
Ông Vũ Xuân Đại, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Phường An Khánh, TP. Cần Thơ cho rằng, ở tỉnh Hậu Giang, ai chạy thì đã rõ rồi; còn vấn đề chạy ai, cần tiếp tục thanh tra, làm rõ để người dân có lòng tin đối với Đảng, để toàn dân đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Nghị quyết Trung ương 4 nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức. Bộ phận này đã tham nhũng, không chỉ làm suy yếu nền kinh tế mà còn có thể liên quan đến "sự tồn vong của một chế độ".
Trong vấn nạn tham nhũng, thủ đoạn liên kết bất chính giữa các quan tham với doanh nghiệp để hình thành "nhóm lợi ích" là một trong những vấn đề khó phòng chống nhất vì nó luôn được nguỵ trang và che chắn kín đáo bằng chức quyền của các quan tham.
Nhóm này thực chất đã bắt tay với doanh nghiệp để biến lợi ích của Nhà nước, Nhân dân thành lợi ích của nhóm, của cá nhân họ; nói cách khác, họ bán, đổi (chức vụ, quyền hạn, lợi ích Nhà nước, nhân dân) để lấy lợi ích của nhóm, của cá nhân họ.
Theo VOV