LTS: Hôm nay (28/02/2017), cổ phiếu của CTCP Hàng không Viet Jet (Vietjet Air) chính thức trình sàn HoSE với mã chứng khoán VJC.
Thời gian qua, việc hạch toán kết quả kinh doanh của hãng – với sự đóng góp quá lớn doanh thu, lợi nhuận từ việc bán máy bay (nhờ các giao dịch sales and leaseback) – đã gây ra nhiều tranh luận trong giới tài chính.
Nguồn lợi nhuận lớn từ các giao dịch đặc thù này – đến từ cách hạch toán của Vietjet Air, sau đó đã trở thành nguồn lực quan trọng để hãng tăng vốn từ 800 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng như hiện nay. Cũng chính kết quả lợi nhuận ấn tượng, với đóng góp đáng kể của hoạt động “buôn máy bay” này, đã giúp Vietjet Air và nhà tư vấn của mình có thể định giá tham chiếu cho cổ phiếu VJC ở mức 90.000 đồng trong phiên giao dịch hôm nay.
Vậy, nên nhận thức thế nào về cách hạch toán các giao dịch sales and leaseback mà Vietjet Air đã thực hiện?
VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam. Ông Long là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, đang tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức kế toán, kiểm toán cho nhiều lớp học viên của Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
- Xét về bản chất, nghiệp vụ bán tái thuê (sales and leaseback) là nghiệp vụ tài trợ dài hạn thay vì nghiệp vụ bán tài sản thông thường. Tài sản bán được coi là tài sản thế chấp trong nghiệp vụ tài trợ này.
- Theo quy định của Thông tư 200 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, bên đi thuê (bên bán) trong giao dịch bán tái thuê sẽ phải ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tài sản như là một khoản nợ phải trả, nếu bản chất của giao dịch tái thuê là thuê tài chính. Bên đi thuê (bên bán) chỉ được ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán vào thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh khi bản chất của giao dịch tái thuê là thuê hoạt động.
- Theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS, bên đi thuê sẽ phải ghi nhận một khoản nợ vay đối với khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tái thuê cho dù là thuê tài chính hay thuê hoạt động.
- Đối với các nhà phân tích tài chính, việc ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán tái thuê là một hành động được gọi tên là “ghi nhận trước lợi nhuận tương lai”, có nghĩa là lấy lợi nhuận có thể đạt được trong tương lai để ghi vào báo cáo tài chính hiện tại.
Trong thời gian vừa qua, sự kiện Hãng hàng không Vietjet Air công bố báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu hoạt động bán tái thuê (sales and leaseback) máy bay đã gây nhiều tranh luận trong giới tài chính. Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta cần hiểu các quy định của các chuẩn mực kế toán liên quan và bản chất của giao dịch bán tái thuê.
Giao dịch bán tái thuê là gì?
Trong giao dịch Bán tái thuê một công ty có nhu cầu sử dụng tài sản nhưng không có đủ nguồn tài chính để tài trợ cho đầu tư tài sản. Công ty thực hiện bán tài sản cho bên thứ ba, chủ yếu là công ty cho thuê tài chính, và thực hiện thuê lại tài sản đó.
Theo đó, bên cho thuê (bên mua) tài trợ một khoản tiền mặt cho bên thuê thông qua giao dịch bán. Bên đi thuê (bên bán) nhận được một nguồn tài chính đồng thời vẫn được quyền kiểm soát, khai thác và sử dụng tài sản trong suốt thời gian thuê. Thông thường, kỳ hạn trong hợp đồng bán và tái thuê là dài hạn.
Xét về bản chất, nghiệp vụ bán tái thuê là nghiệp vụ tài trợ dài hạn thay vì nghiệp vụ bán tài sản thông thường. Tài sản bán được coi là tài sản thế chấp trong nghiệp vụ tài trợ này.
Giao dịch bán tái thuê máy bay là giao dịch tài trợ rất phổ biến trong ngành hàng không. Các hãng hàng không tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay của mình bằng nghiệp vụ bán tái thuê cho các hãng dịch vụ tài chính hàng không khổng lồ trên thế giới như AerCap hay GECAS (GE Capital Aviation Services). Trong những năm gần đây, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng sử dụng nghiệp vụ bán tái thuê để tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay mới.
Kế toán giao dịch bán tái thuê
Một nguyên tắc kế toán rất quan trọng được áp dụng trong trường hợp hạch toán giao dịch bán tái thuê là nguyên tắc “bản chất hơn hình thức”, có nghĩa là kế toán sẽ hạch toán giao dịch dựa trên bản chất của giao dịch thay vì hình thức pháp lý của giao dịch.
Hình thức pháp lý được hiểu là hợp đồng, các điều khoản hợp đồng, và các chứng từ liên quan. Ví dụ, trong nghiệp vụ bán tái thuê tài sản dài hạn, nếu hai bên chia tách kỳ hạn hợp đồng thành các hợp đồng ngắn hạn thì cũng không che dấu được bản chất của một hợp đồng thuê dài hạn.
Hoặc một số doanh nghiệp còn tạo ra các công ty có mục đích đặc biệt tại các thiên đường thuế nhằm mục đích làm trung gian đứng ra thuê lại dài hạn tài sản từ bên cho thuê và cho chính doanh nghiệp đó thuê lại với nhiều hợp đồng ngắn hạn cũng không che dấu được bản chất thuê dài hạn của một giao dịch bán tái thuê.
Kế toán phải căn cứ vào bản chất hợp đồng thuê dài hạn để hạch toán kế toán một cách trung thực và hợp lý.
Theo quy định của Thông tư 200 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, bên đi thuê (bên bán) trong giao dịch bán tái thuê sẽ phải ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tài sản như là một khoản nợ phải trả, cụ thể là vào khoản mục doanh thu chưa thực hiện trên bảng cân đối kế toán nếu bản chất của giao dịch tái thuê là thuê tài chính.
Bên đi thuê (bên bán) chỉ được ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán vào thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh khi bản chất của giao dịch tái thuê là thuê hoạt động. Như vậy, theo chế độ kế toán Việt Nam, nếu không đủ điều kiện ghi nhận vào doanh thu thì khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tái thuê phải được ghi nhận như một khoản nợ vay.
Trong khi, Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS 16 - “Thuê tài sản” được ban hành từ tháng 1/2016 và có hiệu lực từ 01/01/2019 đã có sự thay đổi lớn. IFRS 16 quy định bên đi thuê phải ghi nhận một khoản nợ phải trả trong một giao dịch đi thuê, cho dù đó là thuê tài chính hay thuê hoạt động, ngoại trừ trường hợp giá trị tài sản thuê là thấp không đáng kể hoặc thời hạn thuê nhỏ hơn 12 tháng.
Quy định này của IFRS 16 căn cứ trên bản chất của giao dịch thuê là bên đi thuê sẽ phải trả định kỳ trong tương lai dài hạn một khoản tiền nhất định. Theo đó, giao dịch đi thuê có đặc điểm của một khoản nợ vay. IFRS 16 chỉ góp phần phản ánh tốt hơn bản chất của giao dịch thuê hơn là đưa ra những quy định mới hoàn toàn.
Điều đó có nghĩa là nếu theo chuẩn mực quốc tế thì bên đi thuê sẽ phải ghi nhận một khoản nợ vay đối với khoản tiền nhận được từ giao dịch bán tái thuê cho dù là thuê tài chính hay thuê hoạt động.
Nên hiểu thế nào về giao dịch bán tái thuê trong ngành hàng không?
Theo chuẩn mực kế toán, những giao dịch thuê tài sản có một trong các đặc điểm sau, thông thường, sẽ được coi là giao dịch thuê tài chính:
- Chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên đi thuê khi kết thúc thời hạn thuê.
- Khi kết thúc thời gian cho thuê theo hợp đồng, bên đi thuê sẽ được quyền ưu tiên mua tài sản thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản thuê ở thời điểm mua lại.
- Thời hạn thuê chiếm phần lớn (thường hơn 60%) thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thuê.
- Tại thời điểm bắt đầu hợp đồng thuê, giá trị hiện tại của tổng tiền thuê tối thiểu ít nhất bằng giá trị hợp lý của tài sản thuê.
- Bản chất đặc trưng của tài sản thuê là chỉ có bên đi thuê mới có thể sử dụng mà không cần phải có những thay đổi lớn đối với tài sản thuê.
Những giao dịch thuê không có một trong các đặc điểm trên sẽ được coi là thuê hoạt động.
Trong ngành hàng không, hoạt động thuê máy bay có thể được chia thành hai loại chính, thuê ướt và thuê khô.
Thuê ướt máy bay là hoạt động hãng hàng không thuê máy bay, toàn bộ phi hành đoàn, bảo dưỡng, và bảo hiểm. Thuê ướt thường áp dụng với kỳ hạn thuê ngắn và phù hợp với những hoạt động như mở đường bay mới, hỗ trợ những đường bay trong giai đoạn cao điểm.
Thuê khô máy bay là hoạt động hãng hàng không chỉ thuê máy bay mà không bao gồm phi hành đoàn, bảo dưỡng, và bảo hiểm. Hãng hàng không phải tự đăng ký Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC) cho máy bay đi thuê. Thời hạn thuê là dài hạn và phù hợp với những hãng hàng không có mong muốn đầu tư phát triển đội tàu bay nhưng thiếu nguồn tài chính dài hạn.
Gần như toàn bộ giao dịch bán tái thuê máy bay trong ngành hàng không là bên cho thuê, các hãng dịch vụ tài chính hàng không, sẽ cho bên đi thuê thuê dài hạn máy bay mà không bao gồm phi hành đoàn, bảo dưỡng và bảo hiểm nhằm phát triển đội tàu bay.
Các hãng hàng không công bố ra công chúng một cách rất rõ ràng mục đích của giao dịch bán tái thuê máy bay là để phát triển đội tàu bay. Và như thế hoạt động thuê trong giao dịch bán tái thuê máy bay trong ngành hàng không sẽ được coi là giao dịch thuê tài chính. Bên đi thuê sẽ phải ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán là một khoản nợ vay thay vì doanh thu.
Giao dịch bán tái thuê tài sản trong nhận thức của giới phân tích tài chính
Nghiên cứu báo cáo tài chính của các hàng không ở Việt Nam và trên thế giới sẽ thấy rất ít trường hợp hãng hàng không ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán tái thuê máy bay. Và nếu có ghi nhận thì doanh thu từ giao dịch bán tái thuê máy bay cũng không đáng kể.
Nhà phân tích tài chính hiểu rõ rằng cho dù hãng hàng không có cố gắng ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán thì cũng không thay đổi được bản chất của giao dịch bán tái thuê máy bay là giao dịch tài trợ, và như thế một khoản nợ vay cần phải được ghi nhận thay vì doanh thu. Họ sẽ tự thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính đã công bố cho đúng bản chất khi thực hiện các phân tích của mình.
Với những cam kết thuê tài sản, cho dù hãng hàng không chưa ghi nhận như một khoản nợ vay, một thông lệ là các chuyên gia phân tích tài chính thực hiện một công cụ để chuyển đổi các cam kết này thành một khoản nợ vay khi thực hiện phân tích và đánh giá cơ cấu vốn (Nợ trên Vốn chủ) của các hãng. Theo đó, trong mô hình phân tích tài chính, nợ vay sẽ tăng lên cùng với tổng tài sản và doanh thu nghiệp vụ bán tái thuê tài sản sẽ giảm xuống.
Đối với các nhà phân tích tài chính, việc ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán tái thuê là một hành động được gọi tên là “ghi nhận trước lợi nhuận tương lai”, có nghĩa là lấy lợi nhuận có thể đạt được trong tương lai để ghi vào báo cáo tài chính hiện tại. Bởi vì chi phí thuê máy bay sẽ cao hơn mức hợp lý trong tương lai nếu hãng hàng không bán tái thuê máy bay với giá cao tại thời điểm hiện tại.
Như vậy, IFRS 16 đã tạo ra các thay đổi cần thiết để đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong thực tế của các chuyên gia phân tích tài chính.
Khi áp dụng IFRS 16, nhà phân tích tài chính sẽ không phải thực hiện chuyển đổi các cam kết thuê tài sản thành một khoản nợ vay và điều chỉnh doanh thu khi thực hiện các mô hình phân tích. Và như thế, báo cáo tài chính phản ánh đúng bản chất hơn thông tin tài chính trong thực tế.
Những diễn biến thực tế trên thị trường như trường hợp xử lý giao dịch bán tái thuê này có thể là động lực để chuyển đổi và áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs) tại Việt Nam trong tương lai gần./.