Tờ Washington Post Mỹ ngày 17/8 đăng bài viết "Mỹ không còn tiếp tục bảo đảm giành chiến thắng quân sự, những vũ khí có thể làm thay đổi điều này".
Bài viết cho rằng hiện nay, cuộc chiến đấu với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) có thể đang chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng điều gây đau đầu nhất cho các quan chức Lầu Năm Góc là mối đe dọa quân sự đến từ Nga và Trung Quốc.
Hơn nữa, những mối đe dọa này đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới nhằm răn đe những đối thủ là các siêu cường này.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, việc làm thế nào để ứng phó với sự phát triển sức mạnh quân sự của Nga và Trung Quốc hầu như không được coi trọng. Nhưng, vấn đề này nên được xem xét một cách nghiêm túc.
Một số chương trình được bắt đầu trong khoảng thời gian cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể sẽ làm thay đổi diện mạo của chiến tranh. Nhưng, chúng phải được Tổng thống Mỹ tiếp theo ủng hộ và tiến hành đầu tư tài chính mới.
Trong một thế giới đang xảy ra quá nhiều xung đột vũ trang, một chương trình chế tạo phiên bản mới của vũ khí thông thường khi nghe đến có lẽ hơi "điên khùng".
Nhưng, những người ủng hộ cho rằng nếu khai chiến với Moscow hoặc Bắc Kinh, tăng cường lực lượng thông thường của Mỹ có lẽ là con đường duy nhất để tránh cho chiến tranh phát triển đến mức sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong tháng này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work giới thiệu tình hình với Tập đoàn nghiên cứu chiến lược Aspen, đã bày tỏ ủng hộ đối với chiến lược răn đe mới này. Điều này đã củng cố quan điểm của ông đưa ra vào tháng 2/2016.
Phương án "chiến lược triệt tiêu lần thứ ba" sẽ thông qua sáng tạo ra vũ khí làm phức tạp hóa kế hoạch tấn công của đối thủ để phát huy ưu thế công nghệ của Mỹ.
Tiền đề là, triển khai hiện đại hóa quân sự cùng với Nga và Trung Quốc, Mỹ phải tận dụng đầy đủ vị thế dẫn trước trong chiến tranh công nghệ cao.
Trong thế giới tưởng tượng của các nhà quy hoạch Lầu Năm Góc, Mỹ có thể triển khai lượng lớn máy bay không người lái ở trên không, triển khai tàu ngầm không người lái ở dưới nước, triển khai hệ thống tiên tiến trên mặt đất.
Những lực lượng tác chiến trên biển, trên bộ và trên không này sẽ có thể đánh bại hoàn toàn mạng lưới quản lý tác chiến của đối phương.
Giống như 2 chiến lược "triệt tiêu" trước đây - chiến lược ưu thế vũ khí hạt nhân chiến trường thập niên 1950 và chiến lược vũ khí thông thường chính xác thập niên 1970, chiến lược này cũng tìm cách xây dựng lại ưu thế quân sự đã mất đi của Mỹ.
Phát biểu của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào tháng 7/2015 đã thể hiện sự quan ngại khi đưa ra chiến lược mới này.
Joseph Dunford nói: "Nếu anh muốn thảo luận một nước tạo ra mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ, tôi buộc phải đề cập đến Nga. Nhìn vào các hành vi của họ quả thật rất đáng lo ngại".
Sự lo ngại của một số quan chức Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc thậm chí đã vượt Nga. Một báo cáo mang tên "Khai chiến với Trung Quốc: việc không tưởng tượng" gần đây của Công ty RAND Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho biết: "Thực lực quân sự của Trung Quốc tăng lên có nghĩa là một cuộc chiến tranh sẽ không nhất thiết triển khai như kế hoạch của nhà hoạch định chiến tranh Mỹ.
Mặc dù không lâu sau Mỹ xem ra có thể sẽ giành chiến thắng, nhưng hiện thực cho thấy, điều này ngày càng có thể là một cuộc xung đột có kết quả không xác định, điều xác định duy nhất là hai bên sẽ tổn thất nặng nề".
Quan chức cao cấp Lầu Năm Góc cho biết do tiến bộ đạt được của Nga và Trung Quốc, "ưu thế" của Quân đội Mỹ đã mất đi gần hết. Các nhà hoạch định cũng không thể tiếp tục cam kết với Tổng thống về việc Mỹ có thể duy trì vị thế dẫn trước trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột thông thường.
Họ lo ngại, trong một cuộc giao tranh tương lai, Mỹ có thể biết mất đi "vị thế thống trị" - về căn bản, điều này có nghĩa là khả năng kiểm soát tình thế.
Trong một bài phát biểu ở Brussels vào tháng 4/2016, ông Robert Work đã thúc giục các nước đồng minh châu Âu: "Đã đến lúc học thuyết và khái niệm mới thức tỉnh lại".
Ông đề xuất, để ứng phó với "một chiến trường hiện đại có khả năng sát thương to lớn", Mỹ phải duy trì "một trình độ ưu thế kỹ thuật hợp lý, bởi vì một khi mất đi ưu thế này... có thể cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho khả năng răn đe thông thường của chúng ta, từ đó dẫn đến khủng hoảng và bất ổn, đồng thời gia tăng rất lớn chi phí tiềm tàng trong tác chiến quân sự của Mỹ trong tương lai".
Năm 2014, Robert Martinage từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ công bố một báo cáo mang tên "Bàn về một chiến lược triệt tiêu mới", nghiên cứu này đã đưa ra triển vọng đối với các tình huống có thể đối mặt trong tương lai nếu như Tổng thống Mỹ tiếp theo tiếp tục thực hiện kế hoạch của Lầu Năm Góc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama.
Robert Martinage đã giới thiệu kho vũ khí mới khiến cho dư luận hoa cả mắt, trong đó bao gồm một hạm đội tàu ngầm không người lái; một lô bộ cảm biến dưới nước; khoang chứa dưới đáy biển có thể giấu máy bay không người lái cho đến khi chúng cần tham gia một cuộc xung đột; pháo ray điện và vũ khí năng lượng định hướng; vũ khí laser năng lượng cao có thể làm mất tác dụng các bộ cảm biến của đối phương; cùng với một loạt công nghệ mới khác.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết trong một năm qua họ quyết định công khai một số chương trình vũ khí bí mật nhất trước đó, bởi vì tiết lộ những chương trình này sẽ làm cho các kế hoạch quân sự của Nga và Trung Quốc trở nên phức tạp hơn.
Nhưng, họ cho biết họ đồng thời cũng che giấu một số chương trình khác để bảo đảm cho Mỹ có thể duy trì được ưu thế tác chiến trong các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.