Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 18/8 cho hay trong thời gian thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung san Suu kyi dự tính sẽ đến tỉnh Thiểm Tây.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Aung san Suu kyi đối mặt với các vấn đề nan giải chồng chất, nhất là đã thách thức lập trường của bà trong vấn đề Biển Đông.
Trong thời gian thăm Trung Quốc của bà Aung san Suu kyi, hai bên sẽ trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm.
Ngoài ra, bà Aung san Suu kyi sẽ tham gia một loạt cuộc hội đàm bàn về vấn đề tái khởi động khai thác con đập lớn ở miền bắc Myanmar, đồng thời có kế hoạch ký kết các văn kiện.
Đối với Trung Quốc, Myanmar là một thị trường tăng trưởng rất hứa hẹn, nhất là về xuất khẩu các thiết bị công nghệ.
Trong khi đó, đối với bà Aung san Suu kyi, Trung Quốc là nước ngoài ASEAN đầu tiên bà đến thăm sau khi lên làm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar.
Là một nước ASEAN, Myanmar không thể đứng ngoài vấn đề Biển Đông. Tờ The Diplomat Nhật Bản cho rằng kinh nghiệm trước đây cho thấy Trung Quốc luôn đưa ra trước một số lợi ích cho các nước ASEAN, sau đó mạnh mẽ bành trướng ở Biển Đông.
Chẳng hạn, năm 2014, sau khi đưa ra chiến lược mới với ASEAN không lâu, Trung Quốc đã hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Năm 2015, cùng với việc cam kết hợp tác trên biển với ASEAN bước vào giai đoạn mới, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp, xây đảo nhân tạo rầm rộ, quy mô lớn và bất hợp pháp.
Hơn nữa, bà Aung san Suu kyi đang chuẩn bị có kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 9 tới. Vì vậy, tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản cho rằng, đối với bà Aung san Suu kyi, đạt được sự "cân bằng" giữa Trung Quốc và Mỹ là một vấn đề nan giải.
Tờ Sankei Shimbun cũng cho rằng mặc dù dư luận rất chờ đợi đối với "ngoại giao của bà Aung san Suu kyi", nhưng bà Aung san Suu kyi không thể không "lắc lư" một cách khó khăn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc và các nước ASEAN có kế hoạch hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2017.
Đối với việc Trung Quốc lần đầu tiên xác định thời gian xây dựng COC, các nước ASEAN bày tỏ hoan nghênh. Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản cho rằng từ con đường ngoại giao được biết, ASEAN cảm thấy bất mãn với các hành động trì hoãn đạt được COC của phía Trung Quốc.
Một số nước ASEAN như Philippines và Việt Nam nghi ngờ về cam kết tuân thủ thực sự của phía Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán cụ thể trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục gặp phải trở ngại.
Vì vậy, với việc bị chi phối bởi vấn đề Biển Đông, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trở nên "cứng ngắc" trên một số phương diện.
Tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản cho rằng sự cân nhắc của phía Trung Quốc là mong muốn có thể lôi kéo người phụ nữ nổi tiếng Myanmar - Bộ trưởng Ngoại giao Aung san Suu kyi về phía họ.
Giáo sư Phạm Hoành Vĩ từ Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho rằng Chính phủ hai nước Trung Quốc và Myanmar đều tương đối "xa lạ" với đối phương. Chuyến thăm của bà Aung san Suu kyi có thể giúp cho nhà lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến, tăng cường lòng tin và giảm hiểu nhầm một cách trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông cho rằng đến nay, Myanmar luôn giữ trung lập trong bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN.
Có chuyên gia cho rằng, bà Aung san Suu kyi thăm Trung Quốc hoàn toàn không có nghĩa là thay đổi lập trường trung lập của Myanmar.