Nếu mất kiểm soát, Mỹ - Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả nhau

VietTimes -- Mỹ sẽ duy trì trật tự khu vực và sẵn sàng đáp trả các hành động đe dọa. Ba thế hệ máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B và B-2 Mỹ sẽ tiến hành huấn luyện hiệp đồng ở Tây Thái Bình Dương.
Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (Ảnh tư liệu)
Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (Ảnh tư liệu)

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 18/8 cho biết trong bối cảnh tình hình Biển Đông chưa dịu đi, ngày 16/8 Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ công bố phương châm nhiệm vụ mới, nhấn mạnh trật tự quốc tế lấy quy tắc làm nền tảng, tái khẳng định sẽ duy trì thực hiện các hành động hàng hải và hàng không ở các vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép.

Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng tuyên bố, máy bay ném bom chiến lược B-2 triển khai ở Guam chuẩn bị triển khai huấn luyện hiệp đồng với các máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-52, lần đầu tiên tiến hành nhiệm vụ đặc biệt bay hiệp đồng 3 thế hệ máy bay ném bom ở Tây Thái Bình Dương.

Nội dung Phương châm nhiệm vụ mới do Đô đốc Harry Harris ký bao gồm nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương là tăng cường ổn định của khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ duy trì vai trò đồng minh và đối tác mà họ đang tập trung và được tin tưởng, cam kết bảo vệ thịnh vượng, an ninh, ổn định và tự do lâu dài của khu vực.

Ba thế hệ máy bay ném bom chiến lược B-52H, B-1B và B-2A của Không quân Mỹ tập kết ở căn cứ Guam. Ảnh: Người quan sát, Trung Quốc.
Ba thế hệ máy bay ném bom chiến lược B-52H, B-1B và B-2A của Không quân Mỹ tập kết ở căn cứ Guam. Ảnh: Người quan sát, Trung Quốc.

Phương châm chiến lược của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bao gồm 4 yếu tố cốt lõi: Duy trì sức chiến đấu đáng tin cậy; Duy trì xây dựng mạng lưới an ninh có nguyên tắc với các nước đồng minh, đối tác có cùng chung chí hướng, tăng cường trật tự quốc tế lấy quy tắc làm nền tảng;

Duy trì hàng hải, hàng không và các hoạt động được luật pháp quốc tế cho phép và khuyến khích các bên khác làm theo, đồng thời làm tốt chuẩn bị đáp trả các hành động đe dọa của đối thủ cạnh tranh khu vực; ứng phó với các mối đe dọa và thách thức xuyên quốc gia như chủ nghĩa khủng bố, buôn người phi pháp.

Trong lúc muốn gạt Mỹ và Nhật Bản ra ngoài khu vực, Trung Quốc cũng đang tăng tốc bàn bạc vấn đề Biển Đông với ASEAN.

Vào ngày 16/8, các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức hội nghị ở Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc để bàn về việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tổ chức vào ngày 25/7/2016 tại Vientaine, Lào. Ảnh: Tân Hoa xã.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tổ chức vào ngày 25/7/2016 tại Vientaine, Lào. Ảnh: Tân Hoa xã.

Hai bên đạt được đồng thuận, tranh thủ hoàn thành dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2017, đồng thời sẽ thiết lập đường dây nóng cấp cao ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN để ứng phó với tình hình căng thẳng trên biển.

Phóng viên Andrew Browne của tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 16/8 cho rằng cùng với việc Trung Quốc phô trương vũ lực ở Biển Đông và biển Hoa Đông, rủi ro xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển này cũng ngày càng tăng lên.

Andrew Browne dẫn báo cáo nghiên cứu của Công ty RAND Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng Biển Đông làm cho một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc "không thể bị coi là không thể".

Biên đội 2 tàu sân bay Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Biên đội 2 tàu sân bay Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Tình hình một khi mất kiểm soát, hai cường quốc mặc dù không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng chiến tranh có thể kéo dài.

Washington và Bắc Kinh "cần cân nhắc đến khả năng xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng, kéo dài, không được kiểm soát và có tính thảm họa, nhưng lại không có kết quả rõ ràng".