Trong bài trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha, Tổng thống Assad nêu rõ việc chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Syria phải đi kèm với việc ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng tiến trình này để tăng cường sức mạnh.
Ông khẳng định: "Tất nhiên chúng tôi đã tuyên bố sẵn sàng (tôn trọng một lệnh ngừng bắn) nhưng vấn đề không chỉ là tuyên bố điều này, vì phía bên kia cũng cần tuyên bố tương tự". Ông cũng chỉ ra rằng nhiều nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, phải ngừng ngay việc gửi vũ khí, nhân lực cũng như cung cấp hỗ trợ hậu cần cho khủng bố.
Tuyên bố của Tổng thống Assad được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban đàm phán cấp cao, gồm đại diện các phe phái đối lập chính của Syria, nêu điều kiện để thực thi lệnh ngừng bắn tạm thời theo đề xuất của các cường quốc thế giới.
Một trong số đó là việc Nga và Iran - các đồng minh của chính quyền Tổng thống Assad – ngừng chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Ủy ban này tuyên bố nhất trí với các điều khoản trong đề xuất “ngừng các hoạt động thù địch” nhằm mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh bao vây và tạo điều kiện cho vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các nhóm đối lập sẽ chỉ đình chiến nếu có sự đảm bảo rằng Nga và Iran ngừng chiến dịch quân sự hiện nay.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ đang thúc đẩy để sớm đạt một thỏa thuận ngừng thù địch tại Syria. Trong một cuộc điện đàm ngày 20/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thảo luận các cách thức để chấm dứt bạo lực tại Syria.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ngày 12/2 vừa qua, lãnh đạo 17 nước "Nhóm quốc tế ủng hộ Syria" đã nhất trí thúc đẩy một lệnh ngừng bắn, chấm dứt các hoạt động thù địch, và nối lại các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan trong một tuần sau đó. Nhóm này cũng đã kêu gọi lập tức tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trên toàn Syria.
Kế hoạch thúc đẩy ngừng bắn tại Syria đã được 17 cường quốc nhất trí tại Hội nghị an ninh Munich hôm 12/2, theo đó, một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tại Syria có thể được đưa ra vào cuối tuần qua, nhưng thực thế đã không thực hiện được.
Trong nỗ lực thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn này, ngày 20/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm, trong đó thừa nhận còn nhiều việc phải để có thể đi đến thỏa thuận. Đặc biệt, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh cần cấm Thổ Nhĩ Kỳ có "những hành động khiêu khích vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria".
Kể từ tháng 9 năm ngoái, theo đề nghị của chính quyền Damascus, Nga đã tiến hành các cuộc không kích tại Syria nhằm tiêu diệt các phần tử cực đoan và khủng bố.
Nhờ sự can dự này, quân đội chính phủ Syria đã liên tiếp giành chiến thắng trên thực địa, giành lại nhiều vùng đất bị phiến quân và IS chiếm đóng trước đây. Trong những ngày qua, giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt, đặc biệt là tại tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.
Cuộc xung đột tại Syria hiện đã kéo dài sang năm thứ 6, khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và một nửa dân số nước này phải đi tị nạn.
TTXVN