GDP tăng trưởng mạnh
Số liệu nghiên cứu của HSBC cho biết, trong nửa đầu năm 2016, nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến quý 4/2016, GDP tăng trưởng nhanh đạt 6,8%, vượt mức kỳ vọng của ngân hàng này so với cùng kỳ năm trước. Và với mức tăng trưởng GDP của quý 4 đã đưa GDP cả năm đạt 6,2% (năm 2015 đạt 6,7%).
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp đã ổn định hơn những tác động tiêu cực từ thời tiết, hay sản lượng ngành khai khoáng mỏ và khai thác đá suy giảm. Tuy nhiên, điều này lại được bù đắp bởi tăng trưởng của ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ tăng cao. Đặc biệt, hoạt động công nghiệp-xây dựng cũng đã phục hồi với mức tăng trưởng đạt 2,6%; Dịch vụ 3,0%;...phản ánh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đang diễn ra và thị trường nhà đất đang mạnh mẽ.
Đặc biệt, ngành sản xuất vẫn là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Chỉ tính trong tháng 12/2016, sản xuất công nghiệp tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015 khi từ mức 7,4% trong tháng 11 đã góp phần bù đắp cho sự tụt giảm của các ngành khác.
Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 12/2016 đạt 52,4 điểm đã phản ánh sự cải thiện bền vững các điều kiện hoạt động của ngành khi đơn đặt hàng mới tăng.
FDI giải ngân đạt kỷ lục
Theo thống kê của HSBC đến 26/12/2016, giải ngân vốn FDI của Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2016 với 15,8 tỷ USD, vượt hơn khoảng 9% so với năm 2015. Và Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là ba nước đóng góp nhiều nhất vào nguồn vốn FDI của Việt Nam năm 2016 với gần 20 lĩnh vực được nhận nguồn vốn FDI. Trong đó, ngành sản xuất vẫn là đơn vị nhận được nhiều nhất.
"Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, từ quần áo đến mặt hàng điện tử, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực của các công ty đa quốc gia. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh cao của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút quan trọng ở đây, giúp Việt Nam giải ngân dòng vốn FDI đạt kỷ lục trong năm 2016", bộ phận nghiên cứu HSBC nhấn mạnh.
Mặc dù GDP tăng trưởng tốt, nguồn FDI giải ngân mạnh và đến từ các nước có nền kinh tế ổn định gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Nhưng HSBC vẫn bày tỏ quan ngại trước những nhân tố nhằm giữ các chỉ số kinh tế vĩ mô phát triển bền vững. "Nếu không tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tốc độ nhanh sẽ không thể bền vững. Tăng trưởng chi tiêu công mạnh mẽ cũng là nền tảng trong việc giữ nhu cầu trong nước sôi nổi. Chi tiêu công (và các chính sách thuế) chính vì vậy cũng rất quan trọng", Bộ phận nghiên cứu HSBC khuyến cáo.
Bên cạnh đó, HSBC chỉ ra rằng, các tài khoản của Chính phủ đang "hơi căng" trong thời điểm hiện tại và rất cần thiết phải cải tổ tài chính công. "Điều này bao gồm việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), một quá trình giúp tăng doanh thu, giảm những gánh nặng chi phí tiềm năng trong tương lai như các khoản trợ cấp, và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước", chuyên gia HSBC chia sẻ.
Với những động thái gần đây của Chính phủ như: công bố tổng tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong "các doanh nghiệp" được yêu cầu cổ phần hóa (hoặc tư nhân hóa). Kéo theo là tốc độ thoái vốn nhanh hơn đã giúp Chính phủ có nhiều cơ hội tài khóa để kích thích các hoạt động kinh tế. Hay quyết tâm đẩy mạnh các quá trình cải cách cơ cấu;... được HSBC đánh giá cao như một giải pháp cải thiện các triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.