Lãnh đạo có nghĩa là gì?

Chọn ra dàn lãnh đạo. Việc này tưởng chừng quá đơn giản, ai chẳng biết vì báo chí truyền thông cập nhật mỗi giờ, cho đến khi có một câu hỏi... cắc cớ xuất hiện: Lãnh đạo có nghĩa là gì?
Lãnh đạo có nghĩa là gì?

Rõ ràng là nếu không hiểu được lãnh đạo có nghĩa là gì, thì làm sao có thể chọn ra nhà lãnh đạo đúng?

Lưu ý rằng, câu hỏi ở đây là “Lãnh đạo có nghĩa là gì?”, chứ không phải “Lãnh đạo là gì?”. Nếu hỏi “Lãnh đạo là gì?”, chúng ta sẽ đi vào bế tắc, vì sẽ sa vào định nghĩa, mà định nghĩa thì thường trừu tượng và phiến diện.

Chính việc sa vào câu hỏi “Lãnh đạo là gì?” một cách phổ biến đã đẩy phần lớn chúng ta đi đến một quan niệm cũng phổ biến không kém: Lãnh đạo là một vị trí có quyền lực. Vị trí và quyền lực thường gắn liền với nhà lãnh đạo, nhưng về bản chất nó không đồng nhất với sự lãnh đạo.

Vậy nên, thay vì hỏi “Lãnh đạo là gì?”, ở đây sẽ chọn một cách khác hữu dụng hơn: Lãnh đạo có nghĩa là gì? Cách đặt câu hỏi này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cái bẫy định nghĩa trừu tượng và phiến diện, để đi thẳng vào những nội dung thực chất và cụ thể của sự lãnh đạo, và những việc mà nhà lãnh đạo phải làm.

Vậy lãnh đạo có nghĩa là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần trả lời một câu hỏi trước đó: Một người đến vị trí lãnh đạo bằng cách nào?, và một câu hỏi sau đó: Người đó, sau khi đã đạt vị trí lãnh đạo, sẽ làm gì với tư cách nhà lãnh đạo?

Trong câu hỏi thứ nhất, nhìn qua lịch sử ta sẽ thấy một người có thể đến vị trí lãnh đạo bằng rất nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung có thể chia thành hai cách phổ biến sau: Đến được vị trí lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối hoặc thông qua sắp xếp hay chiếm đoạt; hoặc được bầu chọn làm lãnh đạo thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch.

Sự khác biệt giữa hai cách này là ở cách thức mà quyền lực, và do đó cả sự lãnh đạo nói chung, đến với người đó. Nếu ở cách thứ nhất, quyền lực và sự lãnh đạo đến với một người thông qua sự kế truyền, sắp xếp hay chiếm đoạt thì trong cách thứ hai, quyền lực và do đó cả sự lãnh đạo, đến với người đó thông qua sự ban trao từ phía người dân. Trong trường hợp thứ nhất, danh xưng thích hợp cho người đó sẽ là nhà cầm quyền, còn trong trường hợp thứ hai, danh xưng đúng đắn sẽ là nhà lãnh đạo. Đó là điều khác biệt cơ bản giữa nhà lãnh đạo thực sự và nhà cầm quyền mang danh lãnh đạo.

Vậy nên, với một nhà lãnh đạo thì quyền lực và bản thân sự lãnh đạo bao giờ cũng là một sự ban trao. Người dân ban trao cho người đó sự lãnh đạo, và do đó cả quyền lực đi kèm, thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. Và vì ban trao nên bao giờ cũng có thời hạn, và khi nào nhận ra người đó không còn xứng đáng, hoặc nhận ra sự nhầm lẫn của mình, người dân sẽ lấy lại sự ban trao đó. Cơ chế kiểm soát quyền lực và văn hóa từ chức xuất hiện chính từ lý do này.

Giờ sang câu hỏi thứ hai: Một người sau khi được ban trao sự lãnh đạo thì anh ta sẽ làm gì?

Thông thường, ta sẽ hình dung rằng anh ta sẽ quản lý và vận hành tổ chức, hoặc đất nước của mình với tư cách nhà lãnh đạo. Nhưng nếu chỉ như vậy thì một nhà quản lý sẽ phù hợp hơn, cần gì đến một nhà lãnh đạo?

Một nhà lãnh đạo phải được sinh ra sẽ để làm những điều khác nhà quản lý. Chỉ khi làm được những việc khác hơn việc quản lý và vận hành hàng ngày, anh ta mới xứng đáng là nhà lãnh đạo.

Nếu nhà quản lý sẽ chủ yếu sống ở hiện tại để kiểm soát và vận hành các chương trình, kế hoạch, nhà lãnh đạo sẽ chủ yếu sống ở tương lai, để thiết kế ra những chương trình và kế hoạch đó như là một phần của một tương lai chung, một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người. Nhà lãnh đạo cũng phải thuyết phục mọi người tin vào tương lai chung đó, để cùng nhau tham gia hiện thực hóa nó. Nhà lãnh đạo vì thế sẽ là hiện thân của tương lai của tổ chức hay đất nước mà anh ta lãnh đạo.

Chính vì lẽ đó, nhà lãnh đạo sẽ đòi hỏi phải có những phẩm chất khác thường so với nhà quản lý, lại càng khác so với phẩm chất của nhà cầm quyền. Trước hết, nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có tầm nhìn xa và rộng để thấy được tương lai, từ đó thiết kế ra một tương lai mới tốt hơn cho tất cả mọi người. Sau đó, nhà lãnh đạo phải thuyết phục mọi người tin vào tương lai chung đó và cùng nhau góp sức hiện thực hóa tương lai đó. Mà để làm được điều đó, nhà lãnh đạo phải có được sự tin tưởng của những người được anh ta lãnh đạo. Sự tin tưởng đó sẽ căn cứ không chỉ trên viễn cảnh mà nhà lãnh đạo vẽ ra, mà còn được tích tụ từ vô số các tương tác trong quá khứ, mà ở đó đạo đức và sự khả tín của nhà lãnh đạo đóng vai trò quyết định. Vì thế, tính cách và đạo đức của nhà lãnh đạo chứ không phải kiến thức chuyên môn thường đóng vai trò quyết định trong việc có được sự tin tưởng này.

Để hiện thực hóa được tương lai mà nhà lãnh đạo thiết kế ra, nhà lãnh đạo phải huy động nguồn lực và sự hợp tác của tất cả người dân trong một thời gian dài. Để làm được điều này, nhà lãnh đạo bị đòi hỏi phải có thêm ít nhất là ba phẩm chất tối quan trọng: chính trực vẹn toàn trong lời nói và việc làm của mình để duy trì sự tin tưởng, giúp cho công việc lãnh đạo không bị đổ vỡ; bao dung hội hợp để có thể chứa chấp tất cả các cách nghĩ, cách nhìn và cách đóng góp khác nhau từ mọi phía mọi người; và một sứ mệnh lớn hơn mối quan tâm của bản thân, gia đình hay hội nhóm của mình. Nếu không có chúng thì sự lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể thành công.

Trở lại câu hỏi đầu tiên, lãnh đạo có nghĩa là gì? Câu trả lời giờ đã rõ ràng hơn, rằng: Lãnh đạo và kèm theo nó là vị trí và quyền lực, là sự ban trao của người dân đối với người mà mình tin tưởng thông qua bầu cử dân chủ và minh bạch. Lãnh đạo là một sự ban trao chứ không phải một sự sắp xếp. Công việc chính của nhà lãnh đạo là thiết kế ra một tương lai chung tốt hơn cho tất cả mọi người, thuyết phục mọi người tin tưởng và cùng nhau hiện thực hóa tương lai chung đó.

Nếu nhà lãnh đạo không làm được như vậy thì người dân đã ban trao nhầm người. Trong trường hợp này, tốt nhất là người dân có quyền và có cơ chế để rút lại sự ban trao này để tìm người xứng đáng. Nếu không, họ sẽ chỉ có một nhà cầm quyền thay vì một nhà lãnh đạo.

Theo TBKTSG