Với tiềm lực tài chính mạnh trong nhóm những NHTM Nhà nước chi phối, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV - mã BID), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank - mã CTG) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - mã VCB) luôn là đầu tàu về quy mô, về thị phần tín dụng và huy động vốn,…
Sau khi tiếp nhận MHB vào ngày 25/5, BIDV đã đi trước một bước so với hai “đối thủ” còn lại và thừa hưởng về mọi phương diện trong khi Vietinbank vẫn chưa chính thức cộng gộp PGBank và Vietcombank vẫn đang trong hành trình tìm đối tác.
Cụ thể, xét về yếu tố tổng tài sản, trong 6 tháng đầu năm, trong top ngân hàng TMCP Nhà nước, duy nhất trường hợp của Vietcombank có tổng tài sản giảm nhẹ 0,08%. Trong khi đó, BIDV có tổng tài sản tăng 11,45% lên 724.814 tỷ đồng, do nhận sáp nhập từ MHB.
Hiện tổng tài sản Agribank vẫn ở vị trí thứ nhất toàn hệ thống ngân hàng với con số là 762.869 tỷ đồng. Tiếp đến là BIDV, Vietinbank và đứng sau cùng vẫn là Vietcombank.
Về vốn điều lệ, mặc dù chưa tính thêm số vốn điều lệ của PGBank, Vietinbank vẫn là NHTM lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tiếp đó là BIDV, sau khi sáp nhập với MHB, vốn điều lệ đã tăng từ 28.112 tỷ đồng lên hơn 31.481 tỷ đồng. Theo sau là Agribank với vốn điều lệ 29.605 tỷ đồng và kế đến là Vietcombank với vốn điều lệ 26.650 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, cả 3 ngân hàng luôn dẫn đầu toàn ngành. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 3.149 tỷ đồng, tăng 27,8%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.509 tỷ đồng, tăng 28,7% so với kết quả cùng kỳ năm trước và hoàn thành được 41,9% kế hoạch.
Tại Vietinbank, tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt đạt 3.878 tỷ đồng và 3.035 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng đã hoàn thành được 53% kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm (7.300 tỷ đồng).
Năm 2015, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 5.900 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Vietcombank đã hoàn thành 53% kế hoạch năm với con số lợi nhuận đạt được 3.150 tỷ đồng.
Năm nay, các ngân hàng hầu như đều giữ lại nửa non lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. BIDV cũng đã phải bỏ ra 3.565 tỷ đồng, chiếm 53% tổng số lợi nhuận trước dự phòng. Chi phí dự phòng của Vietcombank cũng ở mức 3.346 tỷ đồng, "ngốn" 51,5% lợi nhuận. Tại Vietinbank, tỷ lệ này nhỏ hơn, chiếm gần 40% lãi nhưng vẫn ở mức cao 2.536 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu tăng cao, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. Số nợ xấu của BIDV tính đến thời điểm ngày 30/6/2015 tăng vọt lên 14.206 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, chiếm 2,74% trên tổng dư nợ. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 47% và nợ có khả năng mất vốn tăng 80%.
Trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng đã phát biểu rằng sau sáp nhập nợ xấu có thể gia tăng nhưng nếu có thì chắc chắn đến ngày 31/12 nợ xấu ngân hàng sẽ ở mức dưới 3%.
Về chất lượng nợ tại Vietinbank, tổng số nợ xấu sau 6 tháng tăng lên 6.977 tỷ đồng, chiếm 1,45% trên tổng dự nợ, tăng so với mức 1,1% đầu năm. Trong đó đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn tăng 88% từ 2.084 lên 3.923 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank cũng tăng lên 2,48% trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 27% so với cuối năm 2014.
Về nhân sự trong 6 tháng đầu năm, số lượng nhân sự tại BIDV tăng gần 20%, tăng thêm 3.800 người. Sở dĩ nhân sự ngân hàng này tăng mạnh vì thời gian qua, BIDV đã nhận sáp nhập ngân hàng MHB. Vietcombank tăng 2,12% tương đương tăng 299 người và Vietinbank tăng 46 người, tỷ lệ tăng 0,23%.
Hiện tại, BIDV đang là ngân hàng có số nhân viên cao nhất với 22.952 người. Xếp sau đó lần lượt là Vietinbank và Vietcombank. Tuy nhiên xét về thu nhập bình quân thì nhân viên BIDV có thu nhập bình quân giảm nhiều nhất (7,6%), lý do một phần nhận sáp nhập ngân hàng MHB, số lượng nhân sự tăng mạnh trong khi chi phí cho nhân viên gia tăng không nhiều.
Nhìn chung so với mặt bằng toàn ngành, ba “đại gia” trên đều được tiếng trả lương hậu hĩnh.
Ai sẽ là ngân hàng số 1 Việt Nam?
Trong tương lai, cả 3 ngân hàng đều có những dự tính đầy tham vọng. Giai đoạn 2015 - 2020, Vietcombank đặt mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng thương mại cổ phần số 1 Việt Nam và trở thành 1 trong top 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2020, vốn của Vietcombank sẽ đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ giảm vốn nhà nước xuống khoảng 7% và phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài 10%.
Trong khi đó, Vietinbank cũng rốt ráo lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 49.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Việc sáp nhập PGBank vào hệ thống sẽ giúp VietinBank nâng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank dự kiến sẽ sử dụng thêm nguồn thặng dư vốn cổ phần hiện có để tăng vốn. Đồng thời, cũng trong năm 2015 VietinBank sẽ hoàn thành kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trên thị trường có thời hạn 5 - 10 năm. Khi tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, VietinBank sẽ có quy mô vốn tương đương với các ngân hàng trung bình ở khu vực.
Trong giai đoạn tới 2016-2020, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng sẽ phấn đấu đạt thứ hạng cao trong khu vực về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu. Đến năm 2020 nằm trong top 25 ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, top 150 ngân hàng lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương và top 400 ngân hàng lớn hàng đầu thế giới.
Năm nay, BIDV sẽ bán tối đa 30% cổ phần cho hai đối tác gồm nhà đầu tư chiến lược và một nhà đầu tư trung tính (nhà đầu tư tài chính thông thường).
Có thể thấy, các “ông lớn” đều đã vạch sẵn đường đua ngắn hạn và dài hạn để “bành trướng” quy mô của mình. Với tinh thần cạnh tranh quyết liệt và rượt đuổi sát nút như hiện nay, vị trí ngân hàng số 1 tại Việt Nam trong thời gian tới thực sự khó có thể dự đoán trước được.
Theo Trí thức trẻ