Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có báo cáo công tác quản lý giao thông từ đầu năm 2017 đến nay. Với hệ thống điểm đỗ xe giao thông tĩnh, Sở GTVT cho biết, hệ thông bãi, điểm đỗ xe của thành phố mới đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu của người dân. Còn lại khoảng 90-92% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất dự án…
Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có trên 300 điểm đỗ xe có thể bố trí trên các tuyến phố đủ điều kiện. Do vậy, thời gian tới Sở GTVT sẽ lần lượt cấp phép trông giữ xe cho các điểm đỗ này.
Cũng theo Sở GTVT, TP. Hà Nội hiện có hơn 720 điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường, dải phân cách giữa, gầm cầu vượt, với tổng diện tích trên 145.000 m2. Trong đó, 74 điểm (diện tích hơn 16.500 m2) không phép hoặc hết phép. Ngoài ra, hiện thành phố có 174 điểm trông giữ phương tiện trong trường học.
Để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe Sở GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ tại tuyến phố Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng). Cùng đó, Hà Nội cũng triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành đỗ xe công cộng, thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện tự động theo thời gian (hệ thống IPARKING) trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt.
Trước đó, ngày 4/3 tại hội nghị an toàn giao thông thành phố, Trưởng phòng cảnh sát trật tự công an TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Đình đưa ra những con số thống kế khác. Theo ông Đình, toàn thành phố có 939 điểm trông xe ở vỉa hè, lòng đường, trong đó có 244 điểm không phép (chiếm 27%). Đặc biệt, gần 400 điểm trông xe nằm trước cửa cơ quan, trường học và đa số không phép.
Theo thống kê của Sở Giao thông, TP. Hà Nội hiện có trên 5 triệu xe máy, tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2010 - 2015 là hơn 7%; 546.000 ôtô các loại, tốc độ tăng trung bình gần 13%; trên một triệu xe đạp; khoảng 10.000 xe đạp điện.