Việt Nam nắm “lá bài” mạnh nhất ở Biển Đông

VietTimes -- National Interest (Mỹ) khẳng định một số con bài mạnh nhất đang nằm trong tay Việt Nam. Thiết lập một khu nhận diện phòng không ở Hoàng Sa và cho phép Mỹ tiếp cận thường xuyên vào một số địa điểm chiến lược ở bờ biển miền Trung Việt Nam có thể là những yếu tố quyết định thay đổi cuộc chơi...
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra

Điều giới quan sát quan tâm hiện nay là động thái lớn tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông là gì. Hầu hết đều dự báo sớm muộn  Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã bồi lấp hàng ngàn ha, xây đảo trái phép, đường băng, lắp đặt các hệ thống radar, triển khai chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa.

Giáo sư Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) phân tích trên National Interest rằng quan điểm này được hỗ trợ bởi hai yếu tố. Thứ nhất là Bắc Kinh chấp nhận trả giá cao khi ADIZ mang lại nhưng lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc. Thứ hai, đây là thời điểm hoặc là tăng cái giá các đối thủ của Trung Quốc phải trả khi trả đũa hoặc là Bắc Kinh được lợi khi thiết lập ADIZ hoặc cả hai.

Một số ý kiến nhận định việc Trung Quốc lập ADIZ Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Một cơ hội như vậy đang hiển hiện trong những tháng này khi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế  The Hague được trông đợi sẽ bác bỏ “đường 9 đoạn” phi pháp, cơ sở chính yếu của Bắc Kinh trong yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Nếu bản đồ đường lưỡi bò bị tòa án nói trên xem là phi pháp, thì ADIZ sẽ thay thế bản đồ này như là một công cụ pháp lý để tiếp tục áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Như vậy, việc Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ là đúng thời điểm. Một khu nhận dạng phòng không có thể áp đặt nhiều hạn chế hơn “đường lưỡi bò”, ông Vuving nhận định và dẫn các nguồn tin gần đây từ bộ quốc phòng Trung Quốc bắn tin nước này đang chuẩn bị một ADIZ ở Biển Đông.

Tuy nhiên theo ông Vuving, vấn đề quan trọng là liệu các đối thủ của Trung Quốc có thể ngăn việc áp đặt ADIZ ở Biển Đông hay không. Nhất là, các đối thủ của Trung Quốc có trong tay những con bài mạnh trong ván bài này và một số con bài nằm trong tay Việt Nam có thể rất mạnh để ngăn cản Trung Quốc chính thức thiết lập một khu nhận diện phòng không trong khu vực.

Các tay chơi chủ chốt có thể phản ứng thế nào trước một ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông? Do không phải là một bên đòi chủ quyền, Mỹ bị giới hạn lựa chọn. Mỹ chỉ có thể hành động tương tự vụ Trung Quốc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông 2 năm trước. Washington có thể điều các máy bay ném bom và chiến đấu cơ tới khu vực để bác bỏ quyết định của Trung Quốc. Mỹ cũng có thể triển khai thêm nhiều các loại vũ khí tới khu vực, tăng số lượng các cuộc tuần tra và điều các chiến hạm và máy bay tiến sát hơn các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ. Tuy nhiên, cho dù Mỹ có thể tăng gấp 3 lần sự hiện diện quân sự hiện nay đang ở mức 700 lượt tàu một năm, vẫn không so được với hàng trăm tàu vũ trang của Trung Quốc thường trực ở đây.

Philippines còn ít lựa chọn sau khi đã tung ra vài con bài mạnh. Manila đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế  và cho phép Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ, Mỹ và Philippines có thể nâng cấp Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng và cho Mỹ sử dụng thêm căn cứ hải quân của Philippines để nâng cao khả năng của Mỹ đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo National Interest, Malaysia  và Việt Nam có thể làm theo Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, cũng như cấp cho Mỹ quyền tiếp cận nhiều hơn và ưu đãi hơn vào các cơ sở hải quân và không quân nằm dọc Biển Đông. Tuy nhiên, về vấn đề này Việt Nam có khả năng tiềm tàng hơn nhiều so với Malaysia để khiến Trung Quốc lưỡng lự thiết lập ADIZ. Trong khi các căn cứ của Malaysia như Labuan và Bintulu nằm sâu ở phía nam Biển Đông, vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng của Việt Nam mang lại những vị trí hiểm yếu nhất để vô hiệu hóa tác dụng của các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh có thể khống chế toàn bộ Biển Đông, vô hiệu hóa đảo nhân tạo xây dựng trái phép
Căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh có thể khống chế toàn bộ Biển Đông, vô hiệu hóa đảo nhân tạo xây dựng trái phép

 National Interest đánh giá trước những kỷ lục hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam có thể gây áp lực lớn lên Bắc Kinh nếu Hà Nội kiện người láng giềng khổng lồ. Mặc dù trong quá khứ Việt Nam né tránh việc khởi kiện Trung Quốc, nhưng một khu nhận diện phòng không của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. National Interest dẫn bình luận của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng nó “thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với đường chín đoạn”.

Theo National Interest, cuối cùng Philippines, Malaysia và Việt Nam cũng có thể tuyên bố thiết lập các khu nhận diện phòng không của riêng mình để trả đũa Trung Quốc. Động thái đáp trả này về mặt chính trị khả thi hơn việc cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ và khởi kiện Trung Quốc ra tòa. Hành động pháp lý đòi hỏi Việt Nam và Malaysia đã buộc phải khai thác hết các công cụ ngoại giao khác. Những lo ngại nội bộ ở cả hai nước dường như đã hạn chế việc mở cửa hơn nữa cho Washington hiện diện đủ mạnh để ngăn cản được Trung Quốc. Nhưng thậm chí dù Malaysia và Philippine có phối hợp với nhau thiết lập một ADIZ cũng sẽ không thực sự tác động tới Trung Quốc. Do nguồn lực yếu, họ sẽ không thay đổi được những điều kiện cơ bản trong thương lượng với Bắc Kinh.

Các hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm Bastion P của hải quân Việt Nam
Các hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm Bastion P của hải quân Việt Nam
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam tuần tra tại quần đảo Trường Sa
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam tuần tra tại quần đảo Trường Sa

Trái lại, nếu Việt Nam thiết lập một khu nhận diện phòng không bao trùm quần đảo Hoàng Sa có thể gây ra những tổn hại cho Trung Quốc. National Interest phân tích, trong khi Trung Quốc thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh luôn bác bỏ có tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Một  vùng nhận diện phòng không của Việt Nam, cho dù tự nó không phải một tuyên bố chủ quyền, dường như lại có thể tạo ra một dạng thức quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa, điều mà Trung Quốc đã loại bỏ kể từ năm 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo này của Việt Nam). Hơn nữa, việc này còn có thể tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam tiến hành những hành động có thể được diễn giải như việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo.

Những phân tích nói trên cho thấy rằng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông không phải vấn đề thời gian mà phụ thuộc lớn vào việc các đối thủ của Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước mưu đồ đó. Trong ván bài này, Mỹ, Philippines, Malaysia và Việt Nam đã có một số lá bài mạnh, qua đó Trung Quốc có thể phải tăng tiền đặt cược.

National Interest khẳng định một số con bài mạnh nhất đang nằm trong tay Việt Nam. Thiết lập một khu nhận diện phòng không ở Hoàng Sa và cho phép Mỹ tiếp cận thường xuyên vào một số địa điểm chiến lược ở bờ biển miền Trung Việt Nam có thể là một yếu tố quyết định. Trong bất cứ tình huống nào, những quyết định tại Hà Nội có thể thay đổi những quyết định tại Bắc Kinh, ông Vuving nhận định.