Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với những bất ngờ khó đoán đang đặc biệt được thế giới chú ý. Một trong những khả năng đáng lo ngại là việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nếu sau khi trở thành tổng thống ông Trump thực hiện đúng như chính sách ngoại giao đã đề ra thì cục diện chính trị thế giới sẽ có thay đổi lớn, vai trò quốc tế trong “giấc mộng Trung Hoa” có thể thực hiện được, chuyên gia Trung Quốc nhận xét.
Giáo sư Đinh Học Lương thuộc Đại học Khoa học – Kỹ thuật Hong Kong cho rằng, việc ông Trump dùng danh phận “tổng thống Mỹ tương lai” tuyên bố hùng hồn về chính sách đối ngoại của Mỹ đã làm nhiều nhà bình luận, nghiên cứu quan hệ quốc tế cùng giới chính khách dày dạn kinh nghiệm cảm thấy lo lắng bất an, vì ông Trump chưa từng đảm nhận chức vụ cấp cao đặc biệt nào trong chính giới Mỹ lại đang tưởng tượng ra hàng loạt chính sách đối ngoại “lật lọng”. Nếu những tưởng tượng này trở thành chính sách đối ngoại của “bộ máy hành chính Trump” sau khi ông này lên cầm quyền thì thế giới bé nhỏ này sẽ vô cùng bất an.
“Kẻ nổi loạn” Donald Trump
Điều khiến ông Trump khó chịu là chính sách đối ngoại của các đời tổng thống Mỹ xưa nay luôn quá lãng phí tiền thuế của người dân Mỹ cho lực lượng cảnh sát quốc tế làm nhiệm vụ an ninh ở những quốc gia và vùng lãnh thổ xa xôi, còn những quốc gia và tổ chức an ninh khu vực này thì xem Mỹ như cái kho tiền để dựa dẫm. Theo ông Trump, chính sách ngoại giao này cần phải xem lại.
Theo Đinh Học Lương, trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump luôn đề cao tinh thần “AmericaFirst” (nước Mỹ trước hết), vì thế Trump muốn lật lại toàn bộ chính sách ngoại giao của Mỹ tại những quốc gia và vùng lãnh thổ khác, ví dụ như hạn chế chi phí quốc phòng ở châu Âu, dùng tiền đó chi cho phúc lợi xã hội, Mỹ nên giảm thiểu đầu tư công sức và tiền của cho châu Âu để người châu Âu tự móc hầu bao ra chi cho an ninh của họ, để quân đội NATO có thể lớn mạnh đủ khả năng tự bảo vệ cho họ.
Quyết liệt hơn ông Trump còn cho rằng, trong xung đột giữa những nước châu Á đừng cứ mãi trông ngóng vào Mỹ, xem Mỹ như chiếc ô che chở cho mình. Quân Mỹ nên rút khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản để lính Mỹ không còn bị quân Triều Tiên thường trực đe dọa tính mạng. Đối với vấn đề hai nước phát triển Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại bom-tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, phương pháp đối phó hay nhất là họ cũng phải có vũ khí hạt nhân, để kiềm chế mối đe dọa của Triều Tiên thì hãy dùng vũ khí hạt nhân chống lại vũ khí hạt nhân. Tóm lại, Trump chủ trương Mỹ phải rút quân đội ra khỏi các khu vực trên thế giới, trừ khi quốc gia đồng ý cho quân Mỹ trú tại nước họ bỏ ra kinh phí nhiều hơn.
Đinh Học Lương đánh giá, có thể xem những phát ngôn của ông Trump là “khởi xướng phản động”, vì không nhìn vào hình thái ý thức của chính quyền Trung Quốc mà quay lại truyền thống chính trị nước Mỹ thời kỳ đầu. Những ai từng đọc lịch sử nước Mỹ và sách giáo khoa về quan hệ quốc tế đều biết, khởi xướng của Trump là quay lại lập trường chính sách đối ngoại của Mỹ vào thế kỷ 19, gọi là chủ nghĩa biệt lập (AmericanIsolationism), cự tuyệt can dự vào xung đột vũ trang giữa các nước châu Âu, chỉ quan tâm hòa bình của Mỹ, rời xa những khu vực phiền phức trên thế giới, vì không có lý do gì phải lo lắng cho kẻ khác!
Việc nước Mỹ càng ngày càng can dự sâu vào xung đột ở những khu vực xa xôi trên thế giới bắt nguồn từ Thế chiến thứ Nhất; nước Mỹ cuối cùng đảm nhiệm vai trò “cảnh sát thế giới” bắt nguồn từ Thế chiến thứ Hai. Nhưng sau hơn mười năm bước vào thế kỷ 21, giờ đây ông Trump lại nhấn mạnh quay về chủ nghĩa biệt lập của Mỹ ở thế kỷ 19, đó không phải “phản động” (đi ngược trào lưu thời đại) thì là gì, ông Đinh Học Lương cật vấn.
Chủ nghĩa biệt lập Mỹ: Ai lo ai mừng?
Đối với chủ nghĩa cô lập mà ông Trump khởi xướng, lo lắng nhất là những khu vực và quốc gia đã được Mỹ bảo vệ qua nhiều thập niên. Tạm gác lại châu Âu, ở châu Á, lo lắng nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và chính quyền các nước khu vực Đông Nam Á. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera cùng nhiều chính khách Nhật Bản khác đã quyết liệt chỉ trích chính sách của Trump: Ảnh hưởng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đều ảnh hưởng đến cục diện hòa bình vùng Đông Á. Nếu Đông Á bất ổn kéo theo suy thoái kinh tế thì cũng gây ảnh hưởng trên toàn cầu, trong đó có Mỹ, vì thế vai trò của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là vô cùng quan trọng.
Nhiều chính khách hàng đầu của Mỹ bất kể nam nữ, đảng phái đều tỏ rõ lo lắng. Bà Hillary công kích trước cử tri đảng Cộng hòa: Chúng ta không thể để cho Trump đưa nước Mỹ vào cuộc phiêu lưu; nếu ông ta trở thành tổng thống sẽ kích thích xung đột vũ trang trên thế giới. “Nếu bạn chỉ thất bại trong một cuộc chơi golf thì không ai vì thế mà thiệt mạng, nhưng chính trị quốc tế không như thế. So với chuyện trong khách sạn xa xỉ thì công việc ngoại giao phức tạp hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều”. Bà Hillary công kích rất đúng chỗ: Ông Trump chỉ làm kinh doanh khách sạn, chuyện duy trì hòa bình quốc tế của Mỹ với chuyện thương mại là hai chuyện khác nhau.
Sau đó vài ngày, ông McCarthy (nhân vật nổi tiếng của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện) nhấn mạnh: Mỹ rút quân về nước sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, Nga, Trung Quốc nổi lên trong các vấn đề quốc tế. Muốn đạt được mục đích an ninh quốc gia thì Mỹ không thể đi theo chủ nghĩa biệt lập mà phải tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế.
Theo Đinh Học Lương, đối với nhiều chính khách hàng đầu của Mỹ, khởi xướng của Trump là “phản động”, nhưng đối với một số quốc gia khác lại là “tiến bộ”, vì họ muốn hủy bỏ vai trò “cảnh sát thế giới” của Mỹ để Mỹ chỉ lo chuyện ở Mỹ mà thôi. Putin có lý do để vui mừng: Nếu quân Mỹ rút khỏi NATO thì Nga sẽ trở thành cảnh sát của châu Âu. Trước đó không lâu, bức họa châm biếm tả cảnh ông Trump và ông Putin hôn môi âu yếm của truyền thông phương Tây được lan truyền rộng rãi đã phản ánh rõ vấn đề này. Tại châu Á, mừng nhất nhất có lẽ là Triều Tiên: Quốc gia này thường xuyên lên án việc quân đồn trú của Mỹ khống chế từ xung quanh, nếu áp lực này được gỡ bỏ thì họ sẽ giành được thêm nhiều nhượng bộ của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tờ KoreaToday của Triều Tiên không bỏ lỡ cơ hội cao giọng khen ngợi: Trump là “vị tổng thống có tầm nhìn xa”, chính sách của ông giúp quan điểm “Mỹ hãy cút về” của Triều Tiên trở thành hiện thực. Xưa nay Triều Tiên luôn ủng hộ lập trường quân Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Ngày mà câu khẩu hiệu “Bọn Mỹ hãy cút về” trở thành hiện thực sẽ trở thành ngày thống nhất miền nam và miền bắc Triều Tiên. Việc Trump tuyên bố nếu trúng cử sẽ không can dự vào xung đột giữa nam – bắc Triều Tiên là “hạnh phúc của nhân dân Triều Tiên”. Truyền thông Triều Tiên không ngớt lời ca ngợi như muốn đề cử Trump cho giải Nobel Hòa Bình!
Đinh Học Lương nêu rõ, đối với Trung Quốc, khởi xướng của Trump rõ ràng là một tin vui. Nhiều năm qua Bắc Kinh luôn đề phòng những bước đi nhằm cân bằng chiến lược tại châu Á của Mỹ, vì thế luôn cố gắng để có thể bố trí quân tại nhiều nơi hơn. Hiện nay việc tranh giành hải phận của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng gay gắt, lẽ dĩ nhiên Trung Quốc xem sự xuất hiện của quân Mỹ tại khu vực là mối đe dọa. Trước thềm Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ vòng thứ 8, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, phát ngôn viên chính thức của Trung Quốc thúc giục: “Thực tế Mỹ không có chủ quyền ở Biển Đông, vì thế chúng tôi hy vọng Mỹ tuân thủ nguyên tắc, không đứng trên lập trường là đồng minh mà can dự vào”.
Nếu chính sách của Trump được áp dụng trong thực tế thì Trung Quốc sẽ tự tung tự tác trong tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Quan trọng hơn là mục tiêu 60% sức mạnh hải quân Mỹ tập trung ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị “cỗ máy hành chính Trump” phá hỏng vì chủ trương rút quân Mỹ ra khỏi các khu vực trên thế giới của Trump. Nếu thế, Trung Quốc sẽ trở thành “cảnh sát thế giới” số một tại khu vực quan trọng hàng đầu: khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chuyên gia Đinh Học Lương nhận định.
Vì vậy mà Nhật báo Thế giới (Đức) đã lên tiếng: “Việc ông Trump phản đối chính quyền Mỹ chi viện cho chính quyền nước khác về quân sự khiến những phần tử tôn sùng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang mừng thầm, họ có thêm niềm hy vọng để Trung Quốc có thể trở thành thủ lĩnh châu Á, thách thức Mỹ trong vai trò bá chủ thế giới”..
Viễn cảnh “giấc mộng Trung Hoa”
Ông Đinh Học Lương nhận xét, từ sau Thế chiến thứ Hai, nước Mỹ vào vai “cảnh sát thế giới” kiểm soát hơn một nửa địa bàn thế giới, nhưng thời điểm đó còn có Liên Xô làm “cảnh sát khu vực” kiểm soát khoảng một phần ba địa bàn thế giới. Nhưng từ khi kết thúc chiến tranh lạnh vào đầu thập niên 90, nước Mỹ trở thành bá chủ duy nhất, thành cái gai trong mắt những nước từng đóng vai “cảnh sát khu vực” tại các khu vực khác nhau trên thế giới.
Theo Đinh Học Lương, trở thành “cảnh sát thế giới” là mong muốn thường tình của con người (vì cảnh sát có quyền hành và lợi ích rất lớn), cũng là mục tiêu của những nước lớn, tình cảnh này gợi nhớ đến câu “Hoàng đế thay nhau làm, nay cần đến lượt ta!” của hảo hán Lương Sơn Bạc trong tác phẩm văn học cổ điển Thủy hử của Trung Quốc. Dựa vào đâu mà nước Mỹ lại cai quản nhiều nơi như thế mà ta (Trung Quốc) lại không được quản?
Nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ, nếu sau khi làm tổng thống ông ta thực hiện đúng như chính sách ngoại giao đã đề ra thì cục diện chính trị thế giới sẽ có thay đổi lớn, vai trò quốc tế trong “giấc mộng Trung Hoa” có thể thực hiện được thuận lợi. Về vấn đề này, ngày 31/5, bài bình luận “President Trump Would Hand the World to China” của DavidIgnatius trên Washington Post đã chỉ ra: “Nếu Trump trở thành tổng thống thì ông ta sẽ dâng thế giới này cho Trung Quốc”. Đây không phải viễn cảnh trong “giấc mộng Trung Hoa” thì là gì?, Đinh Học Lương đặt câu hỏi.