Hiệu quả của tam giác Nga, Iran và Saudi Arabia

Trang mạng "Eurasiareview" có bài viết của tác giả Afifeh Abedi phân tích về chính sách của Nga đối với các nước khu vực Trung Đông.
Nga muốn làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Ảnh: EPA
Nga muốn làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Ảnh: EPA

Theo tác giả, động thái mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thể hiện sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia có thể được coi như một phần mở rộng của chính sách Trung Đông mới của Nga.

Chính sách này ra đời kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu nhậm chức và Điện Kremlin khi đó đã có ba sự lựa chọn để hình thành cách tiếp cận chính đối với khu vực Trung Đông. Một là, bỏ qua khu vực Trung Đông. Hai là, thiết lập quan hệ với cả hai phía trong khu vực với một bên là đồng minh của Mỹ và bên còn lại gồm nhiều quốc gia có quan điểm chống Mỹ. Ba là, lập đồng minh chiến lược với một hoặc một số quốc gia trong khu vực giống như thời Liên Xô trước đây.

Tính đến trước thời điểm xảy ra việc một số chính quyền Arab sụp đổ theo kiểu hiệu ứng dây chuyền bắt đầu vào năm 2011, Tổng thống Putin khi ấy có thể kiểm soát được các mối quan hệ một cách phù hợp với cả những nước chống Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, các diễn biến "Mùa xuân Arab" đã đặt ra cả cơ hội và thách thức cho nước Nga. Trong một thỏa thuận với Mỹ, Nga đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Lybia và thậm chí đã không phản đối chính sách của Saudi Arabia và Mỹ đối với Bahrain và Yemen. Tuy nhiên đến khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu diễn ra, Nga nhận thấy những lợi ích của mình bị đe dọa. 

Vì vậy, để bảo vệ chính quyền ở Syria, Nga đã tăng cường tối đa sự hiện diện quân sự ở quốc gia Trung Đông này. Xét về mặt kỹ thuật, khi so sánh cách tiếp cận của Nga và Mỹ đối với vấn đề Syria, có thể thấy cách tiếp cận của Nga cho đến nay đã mang lại lợi thế cho Nga là tạo ra một khoảng cách lớn giữa Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như Nga đã thu hút được sự chú ý hơn từ tất cả các bên. Tuy nhiên, vai trò mới được xác lập của Nga trong khu vực lại gây ra những hạn chế cho Nga. 

Thứ nhất, dù Mỹ là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất Trung Đông không muốn tiếp tục vai trò như trước đây của mình thì Nga cũng chưa có đủ điều kiện để lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh khu vực này rất phức tạp. Hơn nữa, mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ với Saudi Arabia và các đồng minh khác chưa hoàn toàn bị đổ vỡ. 

Thứ hai, Nga can thiệp quân sự vào Syria hiệu quả là nhờ có mối quan hệ từ lâu với Syria cũng như có sự ủng hộ từ Iran và lực lượng Hezbollah. Dù Nga có thể không xem Iran và Hezbollah như là các đồng minh chiến lược thì hai lực lượng này cũng là hai quân bài quan trọng của Nga tại Syria. 

Nói cách khác, nhận xét gần đây của Ngoại trưởng Lavrov có thể được coi như là một thủ thuật ngoại giao khi Nga biết rằng nước này vẫn thiếu đòn bẩy và điều kiện cần thiết để làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Tuy nhiên, chủ đề này có thể được xem như là một tín hiệu bật đèn xanh của Điện Kremlin đối với các quốc gia Arab. Trong suốt hai năm qua, các nhà lãnh đạo các nước Arab đã cố gắng nhượng bộ Nga để đạt được các mục đích. Một mặt các quốc gia Arab này muốn gây rạn nứt giữa Iran và Nga liên quan đến vấn đề Syria. Mặt khác, họ muốn gửi đi một tín hiệu tiêu cực tới Mỹ kiểu như "nếu anh bỏ chúng tôi một mình, chúng tôi sẽ tìm một đồng minh mới". 

Dù vậy, Nga cũng cần cân nhắc vai trò của mình trong quan hệ Iran - Saudi Arabia vì đối đầu giữa hai nước không phù hợp với lợi ích của Nga. Thứ nhất, nó sẽ làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan và bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông, có nguy cơ lây lan tới biên giới Nga. Thứ hai, chính nước Mỹ chứ không phải Nga mới là tác nhân duy nhất có thể tạo ra hầu hết những khác biệt đang tồn tại giữa Iran và Saudi Arabia.

Theo Tin tức