Assad liệu sẽ tiếp tục được tại vị?

Hiện đang tồn tại một số giả thiết cho rằng Nga và phương Tây đã đạt được một thỏa thuận nào đó về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và dường như Nga đã chấp nhận để ông Assad ra đi.
Tổng thống Syria al-Assad.
Tổng thống Syria al-Assad.

Tuy nhiên, một loạt diễn biến gần đây cho thấy có thể Assad sẽ vẫn tại vị.

Theo các thông tin của các hãng truyền thông, trước khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch không kích IS ở Syria, Tổng thống Nga V.Putin đã đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo phương Tây (trong đó có ông Obama) về tương lai của ông Assad.

Theo thỏa thuận này, phương Tây đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ để ông Assad tại vị một thời gian nhất định. Trong khi đó, Nga và Iran cho biết sẽ không phản đối khả năng ông Assad tự nguyện ra đi “sau một khoảng thời gian nào đó”.

Trong khi đó, một nhà báo của Bloomberg cho rằng vẫn có những ý kiến phản đối khả năng ông Assad không còn giữ chức vụ Tổng thống Syria. Theo thông tin này, ông Putin đã thẳng thừng tuyên bố với Tổng thống Mỹ rằng ông Al-Assad sẽ có thể tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Syria.

Theo khẳng định của Tổng thống Nga, không ai có quyền cấm một người nào đó tự tham gia ứng cử. Phương Tây tất nhiên phản đối khả năng này và luôn đòi hỏi ông Assad phải tự nguyện từ bỏ chức vụ Tổng thống Syria.

Thông tin này của nhà báo Bloomberg đang gây ra nhiều hoài nghi. Những phát biểu của các nhà lãnh đạo chống và ủng hộ ông Assad trước khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự cho thấy dường như đã có một sự thỏa hiệp chính trị: Mỹ và châu Âu đồng ý để ông Assad tại vị trong một thời gian nào đó, còn Iran và Nga không phản đối khả năng Assad tự nguyện từ chức trước bầu cử.

Hình thức này làm thỏa mãn cả phương Tây và Nga. Việc Assad từ chức trước bầu cử cũng giúp cho phương Tây “có được lý do” để rút khỏi Syria sau khi đã giành thắng lợi, dù chỉ là hình thức.

Đáng chú ý, trong thời gian xảy ra các cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” đã từng đàm phán để thay đổi một chính phủ. Sự kiện này đã diễn ra ở Libya sau khi liên quân phương Tây trong vài tháng đầu tiên không thể phá vỡ tuyến phòng thủ của các bộ lạc Kaddafi, còn phe đối lập Libya lại không thể đưa ra được nhân vật nào có năng lực và đủ độ tin cậy.

Khi đó, vấn đề được đề cập đến là Kaddafi cần tự nguyện từ chức trong danh dự (trao cho Kaddafi một chức danh khác, có thể là ở Liên đoàn châu Phi), đồng thời chuyển giao quyền lực cho con trai cả Seif-Islam. Tuy nhiên, dự án này đã thất bại vì phe đối lập Libya kết hợp với các “nhà tài trợ” Trung Đông phá hỏng và Kaddafi bị lật đổ.

Tuy nhiên so với ở Libya, phe đối lập Syria tỏ ra yếu thế hơn, nhất là trong bối cảnh Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự ở nước này, trong khi đó các nhà tài trợ lại phong tỏa các nguồn cung cấp tài chính cho IS.

Về phía Nga, Moscow thực chất chỉ quan tâm đến việc bất cứ phương án nào buộc Assad phải ra đi đều phải hợp lệ. Nguyên nhân không chỉ dừng lại ở mong muốn “không giao nộp Assad” mà còn do Moscow kiên quyết không để tạo ra tiền lệ phải thay đổi chính quyền dưới áp lực nào đó.

Phương án này cũng là quan điểm của Iran. Cả Nga và Iran đều muốn biến Syria trở thành rào cản để ngăn chặn khả năng Mỹ xuất khẩu công nghệ lật đổ chính quyền sang các nước khác.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad

Nếu tin vào giả thiết của nhà báo hãng Bloomberg thì sẽ có hai kịch bản xảy ra.

Thứ nhất, trên thực tế không có bất cứ thỏa thuận nào. Chỉ trong vòng vài tháng, Tổng thống Nga Putin đã khiến châu Âu và Mỹ chấp thuận giữ nguyên chế độ hiện nay ở Syria. Xét từ quan điểm này, tất cả những tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây về việc “Assad có thể không phải ra đi ngay thời điểm hiện tại” có thể sẽ chỉ là bước đi đầu tiên để chuẩn bị đưa ra tuyên bố “Assad có thể không ra đi”.

Tuy nhiên, hy vọng về việc phương Tây hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định của chế độ Assad là khá mong manh. Một chế độ “độc tài” ở Syria sẽ kiềm chế các phần tử Hồi giáo cực đoan và đảm bảo an ninh cho Jordan và Israel.

Tuy vậy, châu Âu và Mỹ cần đến một chiến thắng vì đã “đánh cược danh dự” của mình. Chiến thắng này sẽ được đảm bảo  bằng việc lật đổ chế độ Assad hoặc Assad tự nguyện ra đi.

Thứ hai, Putin trên thực tế đã tiến hành thỏa thuận với phương Tây nhưng đã quyết định thay đổi thỏa thuận này vì Nga đã giành được nhiều lợi thế quan trọng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria. Các máy bay Nga đang ngày càng trấn áp được các phần tử phiến quân, Quân đội Syria đang tiếp tục tấn công đẩy lùi IS, cũng như Nga đã đạt được các thỏa hiệp với cộng đồng người Kurd.

Do đó, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng “Chỉ có người dân Syria mới có quyền xác định ai sẽ là người lãnh đạo họ theo các tiêu chuẩn và các nguyên tắc nào”.

Theo giới phân tích, rõ ràng những tuyên bố này của ông Putin cho thấy ông đang nỗ lực ép châu Âu và Mỹ có quan điểm tích cực hơn trong việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Syria.

Nếu như Mỹ chấp nhận các điều kiện của ông Putin thì Mỹ sẽ phải tích cực giúp đỡ (hoặc không cản trở) chính quyền Syria thực hiện các nỗ lực giải phóng đất nước. Nguyên nhân là do nếu như các cuộc bầu cử ở Syria chỉ diễn ra ở khu vực phía Tây, nơi luôn coi Assad như vị anh hùng, thì Assad sẽ cầm chắc chiến thắng.

Nhưng nếu như bầu cử diễn ra trên toàn Syria thì ở các tỉnh phía Đông và một số khu vực khác, nơi không ủng hộ Assad và đảng cầm quyền của Assad, thì khả năng Assad tại vị sẽ vẫn là dấu hỏi lớn.

Tổng thống Nga Putin luôn coi chiến dịch quân sự ở Syria là biện pháp để nâng cao uy tín của Nga, qua đó có thể đối thoại một cách bình đẳng với phương Tây.

Chính hai mục đích này khiến ông Putin sẽ khó có thể để xảy ra kịch bản ông Assad vì lý do nào đó không còn nắm giữ chức vụ Tổng thống Syria bởi khi đó, uy tín của nước Nga với tư cách cường quốc hùng mạnh, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo Expert, Infonet