Mỹ “xoay trục” mạnh hơn nếu Trung Quốc leo thang Biển Đông

VietTimes -- Nếu Trung Quốc leo thang, Mỹ sẽ càng can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông và sẽ triển khai các biện pháp đáp trả mạnh hơn. Sự hung hăng của Trung Quốc sẽ chỉ càng khiến Mỹ đẩy mạnh chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Các nước càng hợp tác chặt chẽ về Biển Đông, Nikkei Review nhận định.
Tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn của Mỹ vừa có mặt tại Biển Đông
Tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn của Mỹ vừa có mặt tại Biển Đông

Không có gì bất ngờ khi các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ hoan nghênh phán quyết nhưng cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ dành cho Trung Quốc không gian. Washington sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích mới nào của Trung Quốc, nhưng cố gắng tránh làm Trung Quốc hiểu rằng những hành động của họ mang tính khiêu khích.

Phán quyết gây ngạc nhiên ngày 12/7 của PCA chống lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là một sự hỗ trợ cho chính sách lâu dài của Mỹ trên vùng biển tranh chấp và đã vượt trên sự mong đợi của Washington. PCA đã kiên quyết bác bỏ "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc dùng để đánh dấu yêu sách, khẳng định đường này không có cơ sở pháp lý. Phán quyết này đã củng cố lập luận của Mỹ rằng tất cả các tranh chấp biển ở châu Á phải được giải quyết đa phương và bằng biện pháp hòa bình. Phán quyết cũng tạo cơ sở pháp lý cho các chiến dịch bảo vệ quyền tự do đi lại, trong đó các tàu của Mỹ đã đi lại gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.

Tuy nhiên, thất bại pháp lý của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra nhiều lo lắng và tức giận ở nước này và làm gia tăng lo ngại về những gì xảy ra tiếp theo. Chính phủ Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách leo thang đáng kể hoạt động của họ ở Biển Đông, dẫn đến các tình huống đối đầu nguy hiểm với các lực lượng của Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh hoành hành ở Trung Đông, Liên minh châu Âu (EU) trên bờ vực tan rã, mối đe dọa liên tục từ Nga và mối đe dọa khủng bố lan rộng toàn cầu, giờ đây Mỹ không hề muốn có một cuộc khủng hoảng an ninh thực sự ở Biển Đông.

Do đó, sẽ không có gì bất ngờ khi các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ hoan nghênh phán quyết nhưng cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ dành cho Trung Quốc không gian. Không nghi ngờ gì nữa, Washington sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích mới nào của Trung Quốc, nhưng nước Mỹ sẽ cố gắng tránh làm Trung Quốc hiểu rằng những hành động của họ mang tính khiêu khích. Tuy nhiên, về lâu dài, phán quyết sẽ có lợi cho Mỹ và các đồng minh của nước này. Với logic kiên quyết nhưng rõ ràng, phán quyết của PCA là cái cớ cho Mỹ thực hiện chiến lược hiện nay đối với Đông Á.

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ lập luận rằng chính Mỹ chơi trò đạo đức giả. Mỹ trước đây đã bác bỏ nhiều phán quyết của các tòa án quốc tế và nước này đã không phê chuẩn UNCLOS năm 1982, văn bản quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên các đại dương. Nhưng điều đó không đáng bận tâm. Phán quyết của PCA sẽ có tác động lớn đến việc các nước khác trên thế giới nhận thức về các vấn đề ở Biển Đông.

Quan trọng nhất, phán quyết đã tạo ra một tình thế khó xử đối với Trung Quốc. Các nhân vật theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh dường như đang biện luận cho hành động quyết đoán để chứng minh rằng tòa này không có năng lực và không thể thi hành phán quyết của họ. Cũng có các suy đoán liên quan đến việc thiết lập một vùng Nhận dạng phòng không, trong đó Trung Quốc sẽ yêu cầu các máy bay hoạt động trên Biển Đông phải thông báo trước cho nhà chức trách nước này hay việc phong tỏa biển hoặc một cái gì đó tồi tệ hơn. Những biện pháp này sẽ chỉ làm tăng động lực cho những nước khác chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc có thể tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không như đã làm tại biển Hoa Đông năm 2013
Trung Quốc có thể tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không như đã làm tại biển Hoa Đông năm 2013

Nếu Trung Quốc leo thang, Mỹ sẽ ngày càng can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông và sẽ triển khai các biện pháp đáp trả mạnh hơn. Sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ chỉ càng khiến Mỹ đẩy mạnh chính sách xoay trục về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ có nhiều lý do để hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề Biển Đông, cũng như an ninh châu Á nói chung. Mặt khác, nếu Trung Quốc lùi bước ở Biển Đông, khi đó tất cả mọi thứ sẽ ổn. Trong trường hợp đó, phán quyết của PCA sẽ giúp khôi phục sự ổn định cho vùng biển này.

Ngay cả khi căng thẳng gia tăng, quan điểm của chính giới Mỹ cho rằng chiến tranh vẫn không thể xảy ra. Theo quan điểm của Lầu Năm Góc, tham vọng chiến lược của Trung Quốc là chia sẻ quyền lực với Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh không muốn đẩy Mỹ hoàn toàn ra khỏi đây, nhưng nước này thực sự muốn tạo ra một khu vực chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, bao trọn Biển Đông - điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Washington. Quan trọng hơn, Trung Quốc tin rằng nước này chỉ có thể đạt được mục tiêu trên nếu họ tránh xung đột với Mỹ và nói rộng hơn là với các đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng bằng các biện pháp khác ngoài việc sử dụng vũ lực, với các chiến thuật mà chúng ta đã trở nên rất quen thuộc, bao gồm xây dựng đảo nhân tạo và việc sử dụng các tàu dân sự. Nhưng chiến tranh khó có thể xảy ra vì điều đó sẽ là một rủi ro quá mức có thể làm suy yếu chế độ Bắc Kinh (nếu tình hình trở nên xấu đi). Và tính toán này sẽ không thay đổi sau phán quyết, bất chấp những lời lẽ "lên gân" của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc càng hung hăng leo thang, Mỹ sẽ càng can thiệp mạnh hơn vào Biển Đông. Ảnh: Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Trung Quốc càng hung hăng leo thang, Mỹ sẽ càng can thiệp mạnh hơn vào Biển Đông. Ảnh: Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông

Các vấn đề lớn hơn Mỹ phải đối mặt liên quan đến tương lai trật tự quốc tế. Phán quyết của PCA sẽ bị một số người Trung Quốc viện đến để biện luận rằng hệ thống luật pháp quốc tế đã bị thao túng có lợi cho phương Tây. Họ sẽ nói rằng các luật lệ quốc tế bảo vệ các cường quốc và được sử dụng để kìm nén những cường quốc mới nổi không phải phương Tây.

Họ cũng có thể tìm được đồng minh tại Mátxcơva. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích mạnh mẽ trật tự do Mỹ dẫn đầu còn hơn cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Putin cho rằng trật tự này là tấm bình phong để che giấu và biện minh cho lợi ích địa chính trị của Mỹ. Có khả năng sẽ xảy ra các cuộc khủng hoảng và tất cả các bên đều cần giữ "cái đầu lạnh". Nhưng không nghi ngờ gì nữa, phán quyết của PCA mang lại lợi ích cho những nước ủng hộ sự can dự mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.

* Bài viết trên Nikkei Review của tác giả Thomas Wright là Giám đốc Dự án nghiên cứu Chiến lược và Trật tự quốc tế tại Viện Nghiên cứu Brookings của Mỹ.