Tờ Nikkei Shimbun ngày 11/4 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, Mỹ đã đặt lên bàn tất cả các phương án ứng phó với vấn đề Triều Tiên. Dưới đây là 3 phương án có thể xảy ra:
Đầu tiên là không sử dụng vũ lực, tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Thương mại với Trung Quốc chiếm gần 90% toàn bộ thương mại của Triều Tiên, tăng cường trừng phạt sẽ không thể thiếu sự hợp tác của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không phối hợp thực sự thì hiệu quả trừng phạt kinh tế sẽ có hạn.Trong trường hợp này, có thể cân nhắc tiến hành tấn công hạn chế, nhưng mức độ không đến mức làm sụp đổ thể chế cầm quyền.
Hành động tấn công quân sự thực sự sẽ giáng một đòn nặng đối với nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-ul, qua đó làm cho ông từ bỏ ý định tiếp tục nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Nhưng, ngoài khoảng 1 triệu quân của lực lượng mặt đất, Triều Tiên còn sở hữu tên lửa đã tăng độ chính xác và tầm với cũng như vũ khí hạt nhân đang nghiên cứu phát triển.
Một khi Triều Tiên tiến hành đáp trả, không cần nói đến láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có thể bị vạ lây. Phó giáo sư Ken Jimbo, Đại học Keio, Nhật Bản cho rằng: "Xét đến khả năng đáp trả của Triều Tiên, không thể sơ suất trong vấn đề sử dụng vũ lực, thực hiện tấn công hạn chế hoàn toàn không phải là việc dễ dàng".
Bài báo cho rằng, việc "ám sát nhà lãnh đạo" cũng là một phương án được Mỹ - Hàn tính đến. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn bắt đầu diễn ra vào tháng 3/2017 đã có lực lượng đặc nhiệm Navy Seals của Hải quân Mỹ tham gia. Lực lượng này phụ trách hành động ám sát.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng "giới hạn đỏ" tiến hành tấn công quân sự của quân đội Mỹ sẽ là Triều Tiên phóng tên lửa xuyên lục địa với tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ".
Nếu Triều Tiên nghiên cứu phát triển thành công và có dấu hiệu phóng tên lửa xuyên lục địa thì sẽ "không thể tránh khỏi xảy ra biến cố ở bán đảo Triều Tiên".
Mặt khác, vị lãnh đạo này còn nhấn mạnh: "Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là chuyên gia trong lĩnh vực an ninh, sẽ không triển khai hành động quân sự ngu xuẩn dẫn đến bị Triều Tiên đáp trả".
Theo tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản ngày 11/4, Mỹ điều cụm tấn công tàu sân bay đến vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên và trong nước Mỹ xuất hiện phương án tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, được báo chí Mỹ đưa tin.
Mỹ đề xuất cung cấp "ô bảo vệ hạt nhân" cho Hàn Quốc, một mặt gây sức ép với Triều Tiên, mặt khác để kiềm chế những quan điểm vũ trang hạt nhân độc lập tồn tại từ lâu ở Hàn Quốc. Nhưng, điều này chắc chắn sẽ bị các nước liên quan phản đối, khả năng thực hiện không lớn.
Tờ Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ) ngày 10/4 cho rằng ông Donald Trump muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên - triển khai hành động độc lập trong trường hợp cần thiết.
Nhưng Triều Tiên đã "lừa gạt" được nhiều vị Tổng thống Mỹ. Các đại diện của cựu Tổng thống Bill Clinton và George Walker Bush đã tiến hành đàm phán nhiều năm với người Triều Tiên, nhưng đều không đạt được mục tiêu.
Kho vũ khí của Triều Tiên đã mở rộng nhanh chóng và năng lực đã được tăng cường, hoạt động thử hạt nhân cũng thường xuyên hơn và có uy lực lớn hơn.
Sự lựa chọn của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không nhiều hơn người tiền nhiệm. Nhưng xét tới khả năng quân sự của Triều Tiên chưa rõ ràng, đặc biệt là hậu quả đối với các đồng minh Đông Á của Mỹ, việc Mỹ phát động tấn công đối với Triều Tiên sẽ rất nguy hiểm.
Mặc dù có thể làm thay đổi nhanh chóng chế độ ở Triều Tiên và không gây ra tổn thất liên đới gì to lớn, nhưng Mỹ sẽ đối mặt với rủi ro lâu dài: Liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với đồng minh Hàn Quốc và quan hệ với Trung Quốc. Điều Bắc Kinh lo ngại nhất là tiếp giáp với một nước mà Mỹ có thể đóng quân.
Vì vậy, điều có thể lựa chọn còn lại chính là phương án ngoại giao. Nhưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên King Jong-ul điều gì? Đến nay, ông Kim Jong-ul chưa từng đưa ra điều kiện có thể đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.