Phân bổ tiền bồi thường vụ Formosa có thể thực hiện vào cuối tháng Chín

VietTimes – Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thêm 5 ngày, đến ngày 15/9 là hạn cuối để các địa phương báo cáo về mức độ thiệt hại của người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng vì cá chết hàng loạt. Việc phân bổ tiền bồi thường có thể thực hiện vào cuối tháng Chín
Gần 4.000 tấn hải sản tồn kho có thể bị tiêu hủy.
Gần 4.000 tấn hải sản tồn kho có thể bị tiêu hủy.

Trong phiên họp báo Chính phủ tối 31/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: "Bộ đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng đã kết luận đồng ý thời gian kéo dài tới 15/9”. Vì vậy, việc phân bổ tiền bồi thường qua đó có thể thực hiện vào cuối tháng Chín.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải báo cáo về thiệt hại của người dân vào ngày 10/9. 

Căn cứ chỉ đạo này,  cơ quan chức năng cùng với địa phương hiện đã triển khai các bước để thực hiện kê khai. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho hay, do có nhiều biểu mẫu và thủ tục nên khó hoàn thành đúng tiến độ. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đồng ý bổ sung các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ gồm: các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ bổ sung nhiều chính sách giúp người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống như sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm Y tế cho ngư dân trong thời gian 3 năm; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THPT…

Cũng theo ông Tám, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ tổng hợp báo cáo, "làm sao trong tuần cuối tháng Chín có thể ký quyết định phân bổ tiền bồi thường". Ông Tám cũng nhấn mạnh: “vấn đề không phải nhanh hay chậm trong phân bổ tiền bồi thường, mà phải đảm bảo đúng người, đúng tổ chức nhất là tổ chức, cá nhân trực tiếp chịu thiệt hại”. 

Được biết, ngày 27/8,  Fomusa đã chuyển đủ số tiền bồi thường 500 triệu USD theo cam kết với chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Hiện tại đang còn khoảng 4.000 tấn hải sản còn tồn kho sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ( Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm số hải sản tồn kho trên. Sản phẩm nào đảm bảo chất lượng sẽ được cấp giấy phép bán ra thị trường còn không đảm bảo sẽ bị tiêu hủy và được hỗ trợ 70% giá trị.