Chỉ số VN-Index lùi xuống dưới tham chiếu ngay đầu phiên giao dịch ngày 25/9 dưới áp lực giảm điểm của mã cổ phiếu VIC và nhiều cổ phiếu ngân hàng. Chỉ số đại diện cho sàn HOSE có thời điểm lấy lại được sắc xanh tăng điểm trong nửa sau của phiên giao dịch buổi sáng nhưng nhanh chóng quay đầu giảm khi áp lực bán gia tăng.
Đà giảm của VN-Index được nới rộng về cuối phiên chiều, khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 chìm trong sắc đỏ, đặc biệt, các cổ phiếu như VIC, SSI và SHB giảm sàn.
Chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch đầu tuần (từ 25 - 29/9) với mức giảm 39,85 điểm (3,34%) so với tham chiếu, lùi về mức 1.153,2 điểm, thấp nhất phiên. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 892 mã giảm trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM, cao gấp 3 lần số mã tăng điểm và tham chiếu, trong đó có 178 mã giảm sàn.
VIC là cổ phiếu gây nhiều áp lực nhất cho chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay khi giảm kịch biên độ, xuống mức 46.500 đồng/cp. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 11/2017.
Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu bất động sản, nổi bật là NVL, DIG, PDR, TCH, DXG, KBC, CEO...
Tương tự, gần như toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá, trừ VCB và SSB. Trong đó, có hai cổ phiếu ngân hàng đóng cửa ở mức giá sàn là EIB và SHB.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng lao dốc với nhiều mã giảm kịch biên độ như: SSI, VND, HCM, VCI, EVS, MBS, SHS, VIX, ORS...
Dù chỉ số VN-Index lao dốc, thanh khoản sàn HOSE duy trì ở mức trung bình, với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 21.600 tỉ đồng.
Khối ngoại là điểm sáng trong phiên giao dịch hôm nay khi họ đảo chiều mua ròng hơn 700 tỉ đồng trên HOSE, tập trung mua ròng chủ yếu ở các mã HPG (+109,4 tỉ đồng), SSI (+102,1 tỉ đồng), VHM (+83,3 tỉ đồng).
Chứng khoán lao dốc, vì đâu?
Trên trang cá nhân, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập FIDT - cho biết, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã chuyển trạng thái khá rõ khi quan ngại xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán đã kết thúc.
Theo ông Tuấn, điều này là khá dễ hiểu khi thị trường đã đi lên một chặng dài và tạo ra hiệu ứng 'tụ cung' (ám chỉ lượng cổ phiếu giá cao và chờ chốt lời lớn).
Khi đó, các thông tin mang tính tác động dòng tiền - kể như việc NHNN phát hành tín phiếu (SBV Bills) và quy định của Thông tư 06 liên quan đến mục đích sử dụng vốn vay của công ty chứng khoán - sẽ kích hoạt việc chốt lời và bán mạnh bằng lệnh thị trường (lệnh MP), từ đó gây tâm lý lo ngại.
Đối với việc NHNN phát hành tín phiếu, nhà sáng lập FIDT cho rằng, đây là hành động hãm đầu cơ tỷ giá và chưa có tác động tới nền lãi suất điều hành vì thanh khoản dư thừa của toàn bộ hệ thống. Ông Tuấn cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu, đồng thời khẳng định thị trường sẽ quen dần với việc này.
Trong khi đó, đối với Thông tư 06, ông Tuấn cho biết, thông lệ thường thấy của công ty chứng khoán là vay ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ an toàn sau đó có thể 'repo' hoặc bán ngược để lấy tiền cho vay ký quỹ (cho vay margin). Theo nhà sáng lập FIDT, việc rà soát lại vấn đề này để cảnh báo nhiều hơn là tác động thay đổi nhưng cũng đáng để ý và xem xét khi cần.
Thời gian qua, bên cạnh động thái 'hút' tiền của NHNN thông qua phát hành tín phiếu, các diễn đàn về tài chính và chứng khoán cũng rộ lên tin đồn cho hay, văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 06, nếu được giữ nguyên như ý tưởng ban đầu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đối với thị trường.
Nhiều ý kiến lo ngại Thông tư 06 sẽ hạn chế các công ty chứng khoán tiếp cận vốn vay, qua đó càng làm thị trường khó khăn hơn, bởi nó sẽ ảnh hưởng cực lớn đến nguồn margin trên toàn thị trường chứng khoán, và thị trường sẽ xấu trong một thời gian rất dài vì thiếu nguồn tiền./.