Sau khi tin tốt lành đưa ra, thị trường chứng khoán toàn cầu lập tức tăng điểm, thể hiện mong muốn của thế giới về hòa bình giữa Nga và Ukraine. Đã hơn một tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, dù là từ tình hình chiến trường, thái độ chính sách của hai bên hay những thông tin tích cực sau hòa đàm Istanbul đều cho thấy xung đột Nga-Ukraine đang ở một bước ngoặt chuyển từ chiến tranh sang hòa bình và có thể trông chờ bình minh của hòa bình.
Ông Arahamia, một thành viên của phái đoàn Ukraine trong cuộc đàm phán Nga-Ukraine và là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Công bộc Nhân dân Ukraine cầm quyền, ngày 30/3 cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ được nối lại vào ngày 1/4 dưới hình thức trực tuyến và một tuần sau đó phái đoàn hai bên sẽ xây dựng bản dự thảo chi tiết hơn về hiệp ước, đồng thời xúc tiến cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, qua những thông tin mà Nga và Ukraine đưa ra đều cho thấy ý muốn tiến tới hòa bình là có, nhưng con đường tiến tới hòa bình vẫn còn nhiều chông gai. Mặc dù vậy, nó đã mang lại cho thế giới hy vọng về một nền hòa bình.
Chiến tranh đã tàn phá nhiều thành phố ở Ukraine. |
Tín hiệu rõ ràng và toàn diện nhất về hòa hoãn
Những thành quả lớn nhất của cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine có thể được tóm tắt như sau: thứ nhất, Ukraine dùng vị thế quốc gia trung lập vĩnh viễn và phi hạt nhân để đổi lấy một đảm bảo an ninh quốc gia mạnh mẽ, và Nga không phản đối việc Ukraine gia nhập EU; thứ hai , hai bên đã tiến hành đàm phán về đồng ý về một gói các vấn đề, tổng thống của hai bên có thể gặp nhau để đàm phán; thứ ba, các vấn đề lãnh thổ ở khu vực Donbas và Bán đảo Crimea có thể được "thương lượng"; thứ tư, để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, Nga sẽ giảm thiểu mạnh mẽ hoạt động quân sự ở Kiev và khu vực Chernihiv.
Có thể nói, đây là tín hiệu toàn diện và rõ ràng nhất về việc giảm leo thang tình hình được các đoàn đàm phán của hai bên đưa ra kể từ sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Con đường đến với hòa bình có thể còn dài, nhưng ít nhất hai bên đã bắt đầu khởi hành con đường hòa bình. Có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Trước hết, trong vòng đàm phán ở Istanbul lần này, phía Nga không đề cập đến hai mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" nữa.
Đây là hai nhiệm vụ chính quan trọng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của quân đội Nga. Mặc dù phía Nga không nêu rõ nội dung cụ thể của hai mục tiêu này nhưng nhìn chung chắc chắn rằng chúng liên quan đến vấn đề địa vị của chính phủ và quân đội Ukraine.
Trong quá trình đàm phán lần này, hai vấn đề lớn này đã bị bỏ ra, đồng nghĩa với việc hai chính phủ Nga và Ukraine và hai nguyên thủ quốc gia sẽ đàm phán và thỏa hiệp bình đẳng.
Các phóng viên tập trung bên ngoài phòng đàm phán ở Istanbul. |
Tất nhiên, quân đội Nga cũng có sự mở đường. Ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu, trong đó liệt kê "kết quả chiến thắng" mà quân đội Nga đạt được là phá hủy lực lượng hải quân và không quân Ukraine. Nhiệm vụ của giai đoạn hai của Quân đội Nga là giải phóng vùng Donbas.
Thứ hai, quân đội Nga đã giảm mạnh các hoạt động quân sự ở các khu vực Kiev và Chernihiv.
Điều này là đáng tin cậy, nhưng vấn đề là đây có phải là sự khởi đầu của việc Nga rút quân khỏi Ukraine, hay chỉ là sự “thu nhỏ mặt trận” tập trung lực lượng vào khu vực Donbas? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thiên về khả năng thứ hai hơn, và cuộc chiến đấu của quân đội Ukraine ở các khu vực phía đông và phía nam vẫn chưa hề giảm bớt.
Xét về tình hình trên chiến trường, quân đội Nga đã có một mặt trận quá dài quá rộng trong một tháng qua và không đạt được chiến thắng mang ý nghĩa cột mốc nào. Cho dù là do cân nhắc rút quân hay thu hẹp mặt trận, việc quân đội Nga cắt giảm đáng kể các hoạt động quân sự ở khu vực này là điều sắp xảy ra.
Thứ ba, hai bên đã đạt được sự đồng thuận mang tính nguyên tắc về vấn đề "trung lập" của Ukraine.
Vấn đề địa vị của Ukraine là nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đó là vấn đề cốt lõi trong hai bài phát biểu dài trên truyền hình của Tổng thống Putin.
Nga không phản đối việc Ukraine gia nhập EU để đổi lấy việc Ukraine không gia nhập NATO. Điều này dường như đã tìm thấy một triển vọng có thể xảy ra cho câu hỏi hóc búa về thân phận nhà nước Ukraine.
Đương nhiên, sự "trung lập" của Ukraine là có điều kiện, tức là có được một bảo đảm an ninh rất rõ ràng và mạnh mẽ; cụ thể là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cung cấp đảm bảo an ninh giống như Điều 5 hiệp ước NATO. Nếu Ukraine bị tấn công, họ sẽ nhận được sự đảm bảo về an ninh của các quốc gia bảo lãnh.
Đây thực ra là kiểu trung lập của Ukraine. Ukraine có được đảm bảo an ninh thực sự và Nga có được một một nước Ukraine láng giềng trung lập.
Tổng thống Nga Putin. |
Muốn có hòa bình thực sự, hai "chiến trường" khác cũng phải đình chiến
Thực tế có tới ba chiến trường trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngoài chiến trường Ukraine mà mọi người đều nhìn thấy, còn có hai chiến trường nữa là chiến tranh kinh tế và chiến tranh dư luận.
Con đường đi đến hòa bình không chỉ đòi hỏi một cuộc ngừng bắn giữa Nga và Ukraine ở mặt trận, mà cũng phải “đình chiến” trên hai “chiến trường” khác, để đạt được một gói các thỏa thuận hòa bình và xây dựng một trật tự kinh tế và an ninh ổn định sau chiến tranh.
Thế thì, khi nào các lệnh trừng phạt đối với Nga được nới lỏng và dỡ bỏ?
Sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới và các kết nối thương mại, tài chính và công nghệ của Nga với thị trường thế giới về cơ bản đã bị cắt đứt hoặc đang bị cắt đứt.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt là: vùng Donbas sẽ trở thành khu vực quản lý chung của NATO, Nga và Ukraine; nhân sự hành chính sẽ gồm người của ba bên NATO, Nga và Ukraine; Nga sẽ bồi thường cho người tị nạn Ukraine; Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Những điều kiện này mới chỉ ở cấp độ NATO. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga không phải là hành động tập thể ở cấp độ Liên Hợp Quốc, mà là hành động của các quốc gia và các nhóm nhỏ. Kết quả tất yếu của việc này là khác với các điều kiện để dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, nhưng tiêu chuẩn cơ bản có thể dựa trên các điều kiện tạo nên các biện pháp trừng phạt để có thể dần dần đảo ngược.
Tổng thống Cộng hòa Chesnya Kadyrov. |
Ví dụ, nếu quân đội Nga rút về giới tuyến trước ngày 24/2, thì liệu có cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được thông qua sau ngày 24/2 hay không? Vì vậy, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay “đình chiến” kinh tế sẽ là một quá trình khá lâu dài và quanh co.
Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine còn liên quan đến mối quan hệ giữa NATO và Nga. Trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine lần này, Nga đã đưa ra ba yêu cầu cốt lõi đối với NATO và Mỹ: NATO không được tiếp tục mở rộng về phía đông, rút các vũ khí chiến lược của mình xung quanh Nga và đưa NATO trở lại biên giới năm 1997.
Để xây dựng một trật tự sau chiến tranh, NATO và Nga vẫn cần phải đàm phán. Dù Ukraine không gia nhập NATO nhưng Ukraine cần đạt được cam kết an ninh tương tự như Điều V của NATO do quốc tế trong đó có một số thành viên NATO đảm bảo.
Trên thực tế, xung đột Nga-Ukraine về bản chất cũng là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, NATO vũ trang cho Ukraine tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao với quân đội Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi NATO cung cấp máy bay, xe tăng và hệ thống phòng không nhưng không nhận được phản hồi, ý nghĩa của việc này cũng khiến người ta phải suy nghĩ. NATO chỉ "tiêu hao" Nga trong phạm vi Ukraine, nhưng không mở rộng chiến trường để dẫn đến một cuộc chiến trực diện giữa NATO và Nga.
Trong thời đại của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của dư luận xã hội cũng rất lớn, từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc chiến dư luận giữa hai bên diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngoài xung đột quân sự trên bộ, để đi đến hòa bình cuối cùng, cũng cần dập tắt cơn giận dữ của dư luận xã hội hai bên. Xét cho cùng, ngoài sự cân bằng quyền lực và an ninh, một cấu trúc hòa bình ổn định còn phải có một môi trường dư luận xã hội hòa bình.
Hiện nay, bình minh của hòa bình đã ló dạng ở phía chân trời, và mọi người mong muốn đám mây chiến tranh sớm tan biến.
Ông Kadyrov tuyên bố các cuộc đàm phán Nga-Ukraine hiện nay là hoàn toàn vô nghĩa, cần triệt để “phi phát xít hóa" quân đội Ukraine và chiếm được Kiev thì Nga mới thành công. |
Thủ lĩnh Chesnya Kadyrov phản đối đàm phán nói lên điều gì?
Vào ngày 29/3, nhà lãnh đạo Chechnya Kadyrov đã tuyên bố công khai với giới truyền thông rằng các cuộc đàm phán Nga-Ukraine hiện nay là hoàn toàn vô nghĩa; rằng chỉ sau khi triệt để “phi phát xít hóa" quân đội Ukraine và chiếm được Kiev, thì cuộc đàm phán Ukraine mới có hiệu lực và được đảm bảo tiếp theo. Vì vậy, Kadyrov đã yêu cầu ông Putin tiếp tục chiến đấu, chỉ sau khi quân đội Chechnya tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine và chiếm được Kiev thì các yêu cầu của Nga mới được thỏa mãn. Đồng thời, Kadyrov cũng nhấn mạnh cuộc đàm phán là vấn đề chính trị và ông chỉ bày tỏ quan điểm trên góc độ quân nhân thuần túy, quyết định cuối cùng vẫn do ông Putin đưa ra.
Giới quan sát cho rằng có 3 lý do khiến nhà lãnh đạo Chechnya Kadyrov đưa ra tuyên bố bày tỏ quan điểm phản đối đàm phán.
Thứ nhất, bản thân Kadyrov có tính cách nổi loạn, nhưng ông ta rất ngưỡng mộ Putin. Kadyrov trở thành nhà lãnh đạo của Chechnya sau khi kế thừa chức vụ của cha, mối quan hệ của ông với Tổng thống Nga Putin cũng rất thân thiết, Kadyrov coi Putin như thần tượng và sẵn sàng trở thành "người em trung thành". Từ lâu, người ta đã biết đến sự si mê của Kadyrov đối với ông Putin, và sức thu hút của Putin đã hoàn toàn chinh phục được nhà lãnh đạo “ngỗ ngược” Chechnya.
Chính vì mối quan hệ khác thường giữa Kadyrov và Putin mà thế giới bên ngoài đã suy đoán về ý nghĩa sâu xa của nhận xét của Kadyrov. Nó có thể là lời nói thật, cũng có thể là một quả bom khói được thả vào Ukraine.
Thứ hai, thể hiện quyết tâm của Nga. Nếu các tướng lĩnh khác trong quân đội Nga lên tiếng phản đối các cuộc đàm phán, điều đó sẽ làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Putin không có khả năng điều khiển quân đội Nga. Nhà lãnh đạo Chechnya Kadyrov bày tỏ quan điểm phản đối đàm phán sẽ chỉ khiến thế giới bên ngoài than thở rằng Kadyrov thực sự là một kẻ liều lĩnh. Thân phận đặc biệt của Kadyrov và quan hệ của ông ta với ông Putin khiến việc phản đối của ông hợp tình hợp lý.
Ngoài ra, Kadyrov đang chỉ huy quân Chechnya kịch chiến ở Mariupol, và thái độ với thế giới bên ngoài không khác gì những “người nổi tiếng trên mạng”, cho rằng đây là thể hiện sự trung thành đối với ông Putin.
Thứ ba, thể hiện lập trường của Nga. Nga đã đàm phán với Ukraine ở cấp độ ngoại giao, nhưng quân đội Nga vẫn rất khát khao chiến đấu và rất mong muốn một chiến thắng triệt để tại chiến trường Ukraine.
Mặc dù tiếng nói phản đối đàm phán của Kadyrov là ít ỏi ở Nga, cho Ukraine thấy Nga chủ trương vừa đánh vừa đàm, nhưng nó phản ánh một vấn đề thực tế là cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Ngay cả khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã đạt được sự đồng thuận nhất định, thì mục tiêu đạt được các yêu cầu của Nga vẫn còn xa vời.
Hiện Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu chưa có tuyên bố rõ ràng về đàm phán Nga-Ukraine. Trong trường hợp này, Nga cũng ý thức rõ ràng rằng ngay cả khi Ukraine chấp thuận các yêu cầu của Nga thì tình hình vẫn sẽ tái diễn. Vào lúc này, phát biểu của ông Kadyrov có thể là một đòn chiến tranh tâm lý do Nga phát động, đồng thời cũng cho thấy Nga đã có những bước chuẩn bị quân sự lâu dài để giải quyết xung đột với Ukraine.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu