Tái hiện bi kịch xưa nhưng không cũ
King Lear là một vở bi kịch của William Shakespeare, truyền đi thông điệp về nhân tính. Tuổi tác đã cao, vua Lear quyết định rời bỏ ngai vàng và phân chia vương quốc của mình cho ba cô con gái. Vua Lear tuyên bố ai nói cho ông biết mình yêu thương cha nhiều hơn thì ông sẽ phân chia phần lãnh thổ nhiều hơn cho tương xứng. Hai cô con gái lớn dùng những lời lẽ thật mỹ miều để lấy lòng cha. Thích thú với những lời lẽ ngọt ngào mỹ miều của họ, vua Lear hào hứng công bố chia cho họ những phần lãnh thổ rộng lớn.
Vua Lear yêu thương cô con gái út Cordelia nhất nên ông chờ đợi Cordelia nói với ông những lời ngọt ngào mỹ miều. Thế nhưng, với bản chất trung thực, cô con gái út không nói những lời giả dối để mua lòng cha như hai người chị. Cordelia chỉ nói đơn giản rằng cô sẽ yêu thương cha theo đúng bổn phận của một người con để đền đáp lại công ơn sinh thành dưỡng dục.
King Lear phiên bản mới trình diễn tối 14/12/2018
|
Vua Lear tuyên bố phần lãnh thổ còn lại chia đều cho hai cô con gái lớn và cô con gái út Cordelia không nhận được gì trong việc phân chia tài sản này. Sau khi nhận tài sản, hai cô con gái luân phiên nuôi cha mỗi người một tháng. Ngay trong tháng đầu tiên, họ than phiền và yêu cầu cha sa thải hiệp sĩ, ra lệnh cho người hầu chống đối và xử sự thô lỗ với vua Lear và những thuộc hạ của ông, nói những lời tệ bạc khiến người cha già hết sức đau lòng. Vua Lear hóa điên băng mình bỏ đi giữa trời mưa bão…
Phiên bản giản lược của King Lear gây xúc động
|
Vở kịch Jane Eyre được dàn dựng từ tiểu thuyết của nhà văn nữ người Anh Charlotte Bronte. Cô gái trẻ Jane Eyre mồ côi cha mẹ, ở với họ hàng, bị ức hiếp, ngược đãi đủ điều. Tuổi thơ của Jane Eyre trôi qua trong trường nội trú dành cho trẻ mồ côi, chịu đựng đói lạnh, thiếu thốn, khổ sở và sự hà khắc tàn nhẫn của giáo viên và những người có quyền lực trong một trường học mang danh nghĩa từ thiện.
Lớn lên, Jane Eyre đi làm gia sư cho một gia đình giàu có, từ đó nảy sinh tình yêu giữa cô và Edward Rochester, người chủ tòa lâu đài có phần bí hiểm. Trong lễ cưới, cô gái trẻ đột ngột phát hiện một bí mật động trời. Jane Eyre buộc phải rời bỏ Edward Rochester trong đau khổ khi biết Edward Rochester đã có vợ là một phụ nữ điên loạn bị nhốt kín ở một nơi trong lâu đài của ông.
Trải qua nhiều năm tháng, Jane Eyre và Edward Rochester bất ngờ trùng phùng khi người vợ điên của Edward Rochester đã nổi lửa đốt tòa lâu đài và chết trong đám cháy, còn Edward Rochester lang thang trong mù lòa và thương tật.
Những cảnh đời của Jane Eyre được tái hiện
|
Hiện đại hóa kịch cổ điển
Không phải những bài học khô cứng thông thường, chương trình sân khấu học đường của thầy và trò lớp Văn học Anh (Đại học mở TP.HCM) nhằm mục đích thực hiện cải cách phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời mở rộng kỹ năng cho sinh viên, học viên.
Tạo ra một phiên bản giản lược của vở diễn, diễn viên King Lear mặc âu phục hiện đại, không mặc cổ trang thời vua chúa phong kiến, tạo ra phiên bản phục trang hiện đại cho vở kịch cổ điển. Việc làm tương tự đã được các đoàn diễn chuyên nghiệp hoặc các nhóm diễn bán chuyên nghiệp, nghiệp dư ở nước ngoài thực hiện. Vở diễn cũng sử dụng phiên bản lời thoại (bằng tiếng Anh) đã được chuyển sang ngôn ngữ hiện đại, không dùng phiên bản gốc với ngôn ngữ cổ thế kỷ 16-17.
Giây phút xúc động Jane Eyre và Edward Rochester bất ngờ trùng phùng
|
Nội dung các câu chuyện đi vào chiều sâu tâm lý con người và sự việc một cách phong phú thực sự lôi cuốn khán giả. Nhiều mùa diễn của thầy trò Đại học Mở đều được sự hỗ trợ tận tình, chỉ đạo diễn xuất từ đạo diễn-diễn viên Khánh Hoàng (nguyên giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM) và diễn viên Huỳnh Tấn (diễn viên của Nhà hát kịch TP.HCM).
Giảng viên Lê Quang Trực, thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh, tốt nghiệp đại học Sydney (Austraylia) và giảng viên Dương Đoàn Hoàng Trúc, thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh, tốt nghiệp đại học York (Anh) là hai giáo viên dẫn dắt toàn bộ chương trình từ hàng chục năm nay.
Thầy Robert Goldberg, giáo viên người Mỹ hài lòng theo dõi các vở kịch trên hàng ghế khán giả
|
Các vở kịch còn được sự hỗ trợ từ thầy Robert Goldberg, giáo viên người Mỹ và cô Lê Đình Bạch Mai, người Anh gốc Việt; tình cờ được xem chương trình diễn ở Nhà hát kịch TP.HCM hồi năm 2016, cô đã tình nguyện đến hỗ trợ mùa diễn 2017 và 2018.