Xôn xao sự kiện Israel chi triệu USD mua vaccine Nga đổi lấy một người bị Syria bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vaccine COVID-19 đang trở thành mặt hàng “hot” hiện nay, tại một số quốc gia đã xuất hiện vaccine giả; nhưng ít ai ngờ vaccine còn trở thành thứ được dùng để đánh đổi tù nhân - sự kiện đang gây xôn xao dư luận.
Israel gây ganh cãi khi chi cả triệu USD để mua vaccine của Nga đổi lấy một phụ nữ bị Syria bắt giữ. TRong ảnh: lô vaccine Sputnik V được chuyển tới Israel (Ảnh: Đông Phương).
Israel gây ganh cãi khi chi cả triệu USD để mua vaccine của Nga đổi lấy một phụ nữ bị Syria bắt giữ. TRong ảnh: lô vaccine Sputnik V được chuyển tới Israel (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 22/2, mối quan hệ giữa hai quốc gia Trung Đông Israel và Syria từ trước đến nay luôn căng thẳng do các vấn đề như Cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm đóng. Tuy nhiên, mới đây truyền thông Israel đưa tin, chính phủ nước này đã bỏ số tiền lớn mua vaccine Sputnik V của Nga và chuyển đến Syria, đồng thời thả 3 người Syria để đổi lại việc phía Syria thả một phụ nữ được họ nói là “vô tình đi vào khu vực địa phương” của Syria.

Theo thông tin của báo chí, một phụ nữ Israel 25 tuổi đã vượt biên giới và vào khu vực núi Hermon (Mount Hermon) của Syria vào đầu tháng 2 này, sau đó cô bị chính quyền Syria bắt giữ. Chính phủ Israel tuyên bố rằng người phụ nữ này trước đó đã nhiều lần tìm cách vượt biên để tới Dải Gaza và Jordan, nhưng đều bị quân đội Israel chặn lại.

Theo báo cáo, phía Syria đã thông báo với Nga về việc người phụ nữ Israel vượt biên bị Syria bắt và phía Nga đã thông báo cho Israel các thông tin liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa Israel và Syria để trao đổi những người bị giam giữ. Theo báo cáo, theo thỏa thuận, Israel đã chi ra 1,2 triệu USD mua vaccine của Nga để cho người Syria sử dụng. Nước này cũng đã thả một tù nhân Syria và trao trả hai người chăn cừu Syria đã xâm nhập vào Israel trước đó, để đánh đổi việc người phụ nữ Israel nọ được trở về nhà. Được biết, người phụ nữ này đã trở về Israel bằng đường hàng không từ Nga vào thứ Sáu tuần trước (19/2).

Vaccine của Nga được Israel mua để đổi tù nhân (Ảnh: UDN).

Vaccine của Nga được Israel mua để đổi tù nhân (Ảnh: UDN).

Quân đội Israel lúc đầu cấm đưa tin về “điều khoản bí mật” liên quan đến vaccine, nhưng hôm thứ Bảy 20/2, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã đưa tin liên quan và lệnh cấm đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chính phủ Syria bác bỏ thông tin rằng Israel đã mua vaccine cho Syria, nói đây là một “mưu đồ của Israel nhằm khắc họa hình ảnh họ là một đất nước nhân đạo”. Theo phân tích của báo chí, Thủ tướng Israel Netanyahu lẽ ra nên giữ bí mật việc trao đổi vaccine lấy tù nhân vì người dân Israel không có ấn tượng tốt về Syria. Điều khoản trao đổi này có thể ảnh hưởng đến liên minh cầm quyền của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới đây. Ngược lại, chính phủ Syria lại có được một loại vaccine để làm dịu dịu tâm lý chống chính phủ trong nước.

Trang tin The Paper của Trung Quốc ngày 22/2 thông tin rõ thêm về vụ việc này, cho biết: theo tờ The Guardian của Anh ngày 20/2 dẫn nguồn tin của Israel, trong khuôn khổ thỏa thuận trao đổi tù nhân, Israel sẽ mua loại vaccine Sputnik V của Nga cho Syria. Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông Israel đã đưa tin về việc đổi vaccine lấy tù nhân. Nhà báo Israel Barak Lavid cho biết trên Twitter rằng theo thỏa thuận, Israel sẽ trả cho Nga 1,2 triệu USD để mua vaccine Sputnik V của Nga và cung cấp cho chính phủ Syria.

Việc giao vaccine được coi là “điều khoản bí mật” trong thỏa thuận trao đổi tù nhân. Một số cơ quan truyền thông Israel cho biết, chính Nga, nước vẫn đang tiêm vaccine cho công dân của mình, cũng yêu cầu điều khoản này phải được giữ bí mật. Tuy nhiên, báo chí nước ngoài đã bắt đầu đưa tin rộng rãi về vụ giao dịch bí mật này từ ngày 20/2.

Tờ Ha’aretz (Tổ quốc) của Israel phân tích cho rằng thỏa thuận trao đổi vaccine với Syria có thể gây áp lực lên chính phủ Netanyahu bởi vì các nhóm cực đoan như Hamas ở Dải Gaza cũng có thể sử dụng phương pháp tương tự để có được vaccine.

Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 19/2 chỉ thông báo một phụ nữ trẻ Israel vượt biên sang Syria sẽ trở về Israel, đổi lại, chính phủ Israel đã cho hồi hương hai người chăn cừu Syria đang bị giam giữ.

Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao người phụ nữ Israel vào Syria. Có nguồn tin cho rằng người này có thể là người của cơ quan tình báo.

Tuy nhiên, cơ quan truyền thông chính thức của Syria, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đã bác bỏ thông tin cho rằng vaccine được Israel dùng đổi tù nhân. SANA dẫn lời nguồn tin giấu tên nói rằng những thông tin này là “tin tức sai sự thật” và nhằm tuyên truyền Israel là một quốc gia nhân đạo và cố gắng cải thiện hình ảnh chính trị của họ. Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, cả quan chức chính phủ Syria và Israel đều không lên tiếng bình luận gì về sự kiện này.

Theo tin của trang tin Israel i24news, hôm thứ Bảy 20/2, ông Netanyahu đã phủ nhận việc Israel cung cấp vaccine cho Syria, chỉ nói rằng ông rất vui khi người phụ nữ Israel bị Syria bắt giữ đã trở về nhà an toàn. Syria cũng sử dụng hãng thông tấn nhà nước Syria Arab News Agency (SANA) để bác bỏ, nói thông tin này là bịa đặt.

Thủ tướng Israel Natanyahuphủ nhận việc chi cả triệu USD mua vaccine cho Syria để đổi một tù nhân (Ảnh: weareunited).

Thủ tướng Israel Natanyahuphủ nhận việc chi cả triệu USD mua vaccine cho Syria để đổi một tù nhân (Ảnh: weareunited).

Hiện tại, chính phủ Israel đã từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 4 triệu người Palestine sống trên lãnh thổ của mình, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ. Theo phân tích của Đài Al Jazeera, nếu tin tức về vụ “ngoại giao vaccine” này của Israel là sự thật, ngoài việc sẽ khiến người Palestine tức giận, điều này còn sẽ làm nổi bật việc phân phối vaccine không công bằng, nó cũng sẽ là hình ảnh thu nhỏ của các cường quốc theo đuổi mục tiêu chính trị của riêng họ và sử dụng cứu trợ nhân đạo, vật tư y tế như một thứ công cụ.

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), Israel hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dân số của Israel có khoảng 9 triệu người, theo báo cáo, tỷ lệ số người đã được tiêm chiếm khoảng 45,7% tổng dân số cả nước và khoảng 2,88 triệu người đã được tiêm hai liều vaccine Pfizer.

Theo báo cáo của Times of Israel, có khoảng 3 triệu người ở Israel không đủ điều kiện để tiêm vaccine Pfizer, bao gồm những trẻ em dưới 16 tuổi và những người bị nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế Israel hiện đã ra mắt ứng dụng có tên "Green Pass", những người sau khi hoàn thành việc tiêm chủng vaccine có thể được tự do lui tới các cửa hàng hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao với "Green Pass" (Chứng minh thư Xanh, an toàn).