“Xin lỗi Trung Quốc, hải quân Nhật Bản mới mạnh nhất châu Á“

VietTimes -- Đó là bài phân tích trên National Interest của tác giả Kyle Mizokami - một chuyên gia về quốc phòng và an ninh ở San Francisco. Hải quân Nhật Bản với lực lượng hùng hậu, tính chuyên nghiệp cao có thể tiêu diệt tàu ngầm, chống lại quân xâm lược và bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương...
Dàn chiến hạm hùng mạnh của hải quân Nhật Bản
Dàn chiến hạm hùng mạnh của hải quân Nhật Bản

Hải quân Nhật Bản có tổng 114 chiến hạm và và 45,800 thủy binh. Nhật Bản sở hữu một hạm đội lớn gồm những tàu khu trục nhanh và mạnh, tàu ngầm tấn công chạy bằng điện và diesel hiện đại và tàu đổ bộ có thể chở xe tăng và các lực lượng chiến đấu trên mặt đất khác.

Về mặt kỹ thuật, lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản là lực lượng được xây dựng để khắc phục giới hạn thể chế về quân đội của Nhật Bản. Đó là lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á. Thành phần chính của hải quân Nhật Bản là hạm đội gồm 46 tàu khu trục, nhiều hơn số tàu của cả Anh và Pháp cộng lại. Được tổ chức thành các đội tàu hộ tống, hải quân Nhật Bản được xây dựng nhằm bảo vệ đất nước khỏi bị xâm lược, giúp tái chiếm lãnh thổ khi cần thiết và giữ cho các tuyến đường biển được tự do.

Những chiến hạm mạnh nhất của Nhật Bản bao gồm các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Kongo. Khu trục hạm lớp Kongo dựa trên thiết kể nguyên bản về hình dáng chung và trang bị vũ khí của tàu khu trục Flight I lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ. Giống như chiến hạm lớp Burke, trọng tâm của tàu Kongo là nằm ở hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng theo dõi và chống trả những đe dọa từ trên không. Hệ thống này cũng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo quốc gia cho cả Nhật Bản, chỉ với hai tàu Kongo có thể bảo vệ hầu hết cả đất nước.

Vũ khí trang bị cho tàu khu trục cũng chủ yếu mang tính phòng thủ với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng sử dụng đạn Mark 41, chia đều ở phía trước và sau boong tàu. Tàu Kongo mang được hai tên lửa phòng không SM-2MR và tên lửa đạn đánh chặn SM-3 Block IB, loại thứ hai sẽ sớm được thay thế bằng phiên bản Block IIA tối tân hơn. Tàu khu trục cũng có thể mang súng máy, 8 tên lửa chống tàu Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm và 2 hệ thống pháo 20mm Phalanx.

Một loại chiến hạm đáng gờm khác của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng lớp Izumo với lượng giãn nước 27.000 tấn, Izumo có boong tàu dài để kiểm soát hoạt động bay,có nhiều thang máy bay và một nhà chứa máy bay dọc thân tàu.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của hải quân Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo của hải quân Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Soyriu của hải quân Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Soryu của hải quân Nhật Bản

Dù trông giống như tàu sân bay truyền thống, Nhật Bản khăng khăng rằng đây là tàu khu trục chở trực thăng. Tàu Izumo có thể chở 14 chiếc máy bay trực thăng và hoàn toàn có thể xuất kích các chiến đấu cơ F-35 hạ cánh thẳng đứng mà Nhật Bản đã đặt mua của Mỹ. Những chiếc trực thăng này đa dạng từ chủng loại đến nhiệm vụ, từ tác chiến chống tàu ngầm đến tấn công trực thăng di động. Điều này khiến Izumo trở thành một công cụ linh hoạt có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Chiếc tàu thứ hai thuộc loại này là chiếc Kaga đang được xây dựng.

Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản là nhân tố quan trọng của hải quân nước này. Nhật Bản đang xây dựng lực lượng 22 tàu ngầm để tạo một lực lượng tin cậy đối phó với hải quân Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Hạm đội này sẽ bao gồm hai loại tàu ngầm lớp Oyashio đã cũ và loại mới hơn là lớp Soryu.

Tàu ngầm Soryu là loại tàu ngầm lớn nhất Nhật Bản kể từ lớp I-400 từ Thế chiến thứ II. Các tàu ngầm được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập Stirling có khả năng vận hành tàu ngầm rất êm dưới nước đến hai tuần liên tục.

Tàu ngầm Soryu được trang bị 6 ống bắn ngư lôi 533mm, bắn được cả ngư lôi hạng nặng loại 89 và tên lửa Sub-Harpoon do Mỹ chế tạo. Chúng cũng có thể đặt mìn để phong tỏa các eo biển mà quân xâm lược định chiếm giữ.

Cuối cùng , Nhật Bản có ba tàu chở xe tăng đổ bộ loại Osumi. Những tàu này giống như những tàu sân bay cỡ nhỏ với boong tàu dài 130m. Tuy nhiên, tàu Osumi thiếu thang máy bay và nhà chứa. Các tàu này được thiết kế để nhanh chóng di chuyển các xe tăng phòng vệ giữa các đảo chính của Nhật Bản, củng cố các đảo này chống lại quân xâm lược.

Tàu Osumi có thể chở 1.400 tấn hàng hoá, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90 và  chở được cả ngàn binh lính. Các tàu này cũng được trang bị sàn và tàu đệm khí LCAC của Mỹ thiết kế, cho phép chúng có thể làm nổi các thiết bị hạng nặng và chuyển vào bờ. Khả năng này đặc biệt hữu ích trong chiến lược quốc phòng năng động mới của Nhật Bản, chiến lược này kêu gọi lực lượng đổ bộ có khả năng giành lại các đảo nếu bị kẻ thù chiếm giữ.

Lí do cuối cùng theo chuyên gia Mizokami, tại sao hải quân Nhật Bản là hải quân mạnh nhất châu Á được thể hiện trong trận động đất lịch sử. Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản. Phó đô đốc Hiromi Takashima nắm quyền chỉ huy tạm thời của hải quân Nhật Bản đã ha lệnh tất cả các tàu có sẵn ở phía bắc tới khu vực động đất. Tàu đầu tiên rời đi chỉ trong 45 phút sau trận động đất, 17 tàu khác đóng gói hàng cứu trợ khởi hành chỉ trong vòng 18 tiếng, một vài tàu chỉ có một số thủy thủ. Khả năng nhanh chóng triển khai hạm đội đột xuất trong một thời gian gấp như vậy có lẽ đã nói lên tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hải quân Nhật Bản.