Những giải thưởng cao nhất đều là tranh “đạo”
Sau khi Giải Đặc biệt, 2 Giải Ba và nhiều giải khuyến khích tại cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” bị các họa sĩ “tố” đạo tranh, đại diện Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam và Đại học (ĐH) Mỹ thuật Công nghiệp đều đang chọn giải pháp im lặng. Toàn bộ các tác giả đoạt giải, tương tự như thế, vẫn chưa có bất cứ sự phản hồi nào.
Mới đây, nhiều họa sĩ tiếp tục đưa ra bằng chứng ngay cả tác phẩm đoạt Giải Nhất tại cuộc thi này cũng chỉ là "bản sao" của một tác phẩm đã có từ trước đó rất lâu.
Lật lại trình tự sự việc, hồi tháng 4/2019, CĐGD Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi "Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam". Đơn vị đăng cai tổ chức là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Cuộc thi thu hút 28 đơn vị tham gia với 306 tác phẩm. Hơn 2 tháng sau, Ban Giám khảo công bố 27 tác phẩm đoạt giải.
Giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau
|
Ngay sau khi các tác phẩm đoạt giải được trưng bày triển lãm đã bị nhiều họa sĩ bức xúc "tố" ít nhất có đến 7 tác phẩm đoạt giải là tranh “đạo”, gồm có: 1 Giải Đặc biệt, 2 Giải Ba, 4 Giải Khuyến khích.
Giải Đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội - bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau.
Mới đây nhất, các họa sĩ tiếp tục lan truyền bằng chứng tố cáo tác phẩm đoạt Giải Nhất - của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng Khoa Nhạc họa Thể dục Trường Cao đẳng Hải Dương – cũng chỉ là "bản sao" của hai tác phẩm khác.
Theo các họa sĩ phân tích, tác phẩm đoạt Giải Nhất đã lấy bố cục tác phẩm “Em là mầm non của Đảng” của tác giả Nguyễn Ngần, sáng tác nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hồng Vân đã lấy thêm các chi tiết trong tranh cổ động chào mừng đại hội Đảng của họa sĩ Trần Mai.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân đoạt Giải Nhất nhưng bị tố là sao chép từ tranh gốc "Em là mầm non của Đảng" của tác giả Nguyễn Ngần; bức tranh giải Ba của Nguyễn Thị Hồng Vân cũng bị tố là sao chép
|
Một cặp nhân vật xuất hiện trong 7 bức tranh
Nhiều người trong nghề cho rằng không nên đặt quan điểm vẽ tranh cổ động là một hình thức sáng tạo nghệ thuật, mà chỉ đơn thuần chỉ là tuyên truyền bằng ngôn ngữ hội họa hay đồ họa.
Có lẽ xuất phát từ quan điểm coi thường tranh cổ động này, nên các tác giả tham gia dự giải cứ việc vô tư “đạo”, nhái, sao chép từ các trường phái của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… cắt ghép tùm lum các nhân vật, cụm nhân vật, bối cảnh với nhau.
Thậm chí, tác phẩm dự giải được đưa lên trang thông tin của BTC, lập tức có nhiều người cùng cắt lấy cụm nhân vật “vừa mắt” để đưa vào “tác phẩm” của mình. Các họa sĩ cung cấp bằng chứng về một cặp nhân vật được copy từ bức tranh nguyên gốc “Thanh niên tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” đã xuất hiện trong 7 bức tranh sao chép, bức nào cũng còn nguyên chi tiết cái dây mũ vải quên chưa xóa, trong khi thực tế là nhân vật đã được “thay mũ” từ mũ vải của thanh niên sang chất liệu mũ sắt bảo hộ của người lao động.
Theo thông tin được khẳng định từ ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐGD Việt Nam, đại diện Ban tổ chức cuộc thi thì: “Tuy đây chỉ là cuộc thi với quy mô cấp ngành, giải thưởng chỉ mang tính biểu trưng, nhưng được tổ chức một cách nghiêm túc, quy chế chặt chẽ về bản quyền tác giả”.
Cũng theo thông tin từ ông Vũ Minh Đức, trong quá trình đăng công khai 90 tác phẩm này trên trang facebook của CĐGD Việt Nam, BTC đã nhận được một số phản hồi về các bức tranh vi phạm bản quyền nên đã loại bỏ khỏi vòng trưng bày.
“Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam” đã trở thành cuộc thi "kỷ lục" khi phát hiện gần như hầu hết các tác phẩm dự giải và đoạt giải, ở những giải thưởng cao nhất đều là tranh “đạo”.
Tất cả các họa sĩ khi được hỏi ý kiến đều bức xúc cho rằng tại cuộc thi này đã vi phạm nặng nề yếu tố được nhấn mạnh trong hai chữ đầu tiên của tiêu đề cuộc thi, đó là “sáng tác”. Họa sĩ Hoàng Duy nói về một bức “chép lại” tranh cổ động về bảo hiểm y tế, đã biến trẻ em và học sinh sinh viên (được cổ động tham gia bảo hiểm y tế) thành “người lao động”:
Họa sĩ Đỗ Văn Tăng đánh giá: “Chỉ là thói ăn cắp”. Họa sĩ Nguyễn Dzũng Art thẳng thắn nói: “Trơ trẽn!” Còn họa sĩ Lê Quang buồn bã than: “Một người thầy hỏng – hỏng nhiều thế hệ!”.
Họa sĩ Phan Niệm – giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế trao đổi với VietTimes: “Là người thầy, tôi không thể chấp nhận được chuyện nhái tác phẩm của người khác, đã vậy còn đem dự thi”.
Tranh sáng tác, không phân biệt thể loại, đều buộc phải là những ý tưởng cá nhân, được thể hiện bằng nét bút vật chất của từng người, không thể nào copy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà gọi đó là sáng tác.
Cũng như trong bất cứ một cuộc thi sáng tạo nào đều rất cần phải công bằng và đảm bảo không vi phạm bản quyền. Lẽ ra, tất cả các tác phẩm vi phạm bản quyền nhất thiết phải loại từ vòng đầu, nếu đã trao giải mà phát hiện là có vi phạm thì buộc phải thu hồi giải thưởng.