Xác thực khuôn mặt có giúp chống chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Từ 1/7, các giao dịch trên 10 triệu đồng/lượt và trên 20 triệu đồng/ngày sẽ yêu cầu người chuyển tiền xác thực khuôn mặt. Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Phần trao đổi của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nói về các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (video: Đăng Khoa)

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7, các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ phải kiểm tra sinh trắc học đối với chủ thể giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lượt hoặc trên 20 triệu đồng/ngày.

Việc này đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng phần mềm, bổ sung thiết bị, nhân lực để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trước những băn khoăn về khả năng đáp ứng của các ngân hàng khi thời hạn 1/7 đến gần, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết các ngân hàng đã xúc tiến công tác nghiệp vụ để đáp ứng tiến độ. Việc xác thực sinh trắc học các giao dịch trên 10 triệu đồng theo đúng thời hạn là việc làm buộc.

Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay có khoảng 30 triệu giao dịch qua hệ thống ngân hàng mỗi ngày. Trong đó, giao dịch dân sự dưới 1 triệu đồng chiếm khoảng 70%, số giao dịch trên 10 triệu đồng khoảng dưới 1%. Như vậy, các giao dịch cần đến xác thực khuôn mặt sẽ không nhiều.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, tuy số lượng giao dịch trên 10 triệu đồng mỗi ngày không nhiều, nhưng giá trị của các giao dịch đó lại rất lớn. Hiện tại hệ thống thanh toán quốc gia chuyên xử lý các giao dịch trên 500 triệu đồng, một ngày có thể xử lý 700 nghìn tỉ đồng, đáp ứng được mọi yêu cầu nghiệp vụ ngân hàng.

Ông Dũng nói rằng nếu người dân bị lừa chuyển tiền vào tài khoản kẻ xấu, thì khi kẻ xấu muốn chuyển sang một tài khoản khác, chúng sẽ phải đưa khuôn mặt vào hệ thống, và đó là cơ sở để ngân hàng báo cáo cơ quan chức năng.

"Rất nhiều công ty công nghệ đang làm việc với ngân hàng và tôi tin việc triển khai xác thực sinh trắc học vào ngày 1/7 là hoàn toàn khả thi", ông Dũng nói.

Làm sạch dữ liệu

Vào 4/2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký Kế hoạch 01 với 11 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ làm sạch dữ liệu trước đây mà ngành ngân hàng đã mở tài khoản. Việc này giúp chuẩn hóa và minh bạch hóa thông tin chủ tài khoản; ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng; phòng chống rửa tiền.

Bộ Công an đã thống nhất chọn phương án kết nối offline để làm sạch hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hàng tháng. Đến nay, hai bên đã hoàn thành 4 đợt rà soát, đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng trên tổng số 51 triệu hồ sơ.

vt_pham tien dung 2.jpg

Sau khi dữ liệu đã được làm sạch và tới đây bổ sung thêm phương pháp xác thực sinh trắc học (khuôn mặt) đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng, sẽ hạn chế được tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng như rửa tiền.

Ngoài ra, thông tin của những người từng mua bán tài khoản sẽ được ngân hàng đưa vào một danh sách riêng. Khi họ thực hiện giao dịch, các ngân hàng sẽ nhận được cảnh báo để tăng cường xác thực đối với những người dùng này.

Riêng đối với khách hàng là người nước ngoài, việc xác thực sinh trắc học chưa thể áp dụng trực tuyến mà họ phải giao dịch trực tiếp tại các chi nhánh, quầy giao dịch của ngân hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản thanh toán. Số lượng giao dịch xử lý trên kênh số của nhiều ngân hàng đạt 95%, chỉ 5% giao dịch tại quầy. Năm 2023, có xấp xỉ 11 tỉ giao dịch thanh toán không tiền mặt, tăng 50% so với 2022.