Trung tướng Nguyễn Minh Chính nói về khả năng thu hồi các khoản tiền bị lừa qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục A05, nếu người dân báo cáo ngay cho cơ quan chức năng thì công an có thể phối hợp với các đơn vị thu hồi tài sản. Nhưng cũng có trường hợp thu hồi rất khó khăn.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nói về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Tại hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng", Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết đối tượng lừa đảo trực tuyến hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội.

Cầm đầu thường là người nước ngoài, thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như: Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam.

Trong năm 2023 các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án, với hơn 500 bị can góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, răn đe trấn áp các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Minh Chính bên lề hội thảo xung quanh việc đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến.

- Cuối năm 2023, đầu năm 2024 có nhiều vụ tấn công và lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại lớn cho các cơ quan, tổ chức. Thiệt hại là rất lớn khi làm gián đoạn dịch vụ, hoạt động. Điều này dường như cho thấy mức độ quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho an ninh mạng là chưa tương xứng.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Đúng là thời gian gần đây liên tiếp có các vụ tấn công mạng của nhiều nhóm tội phạm mang tính quốc tế đã tấn công vào các tổ chức tài chính, ngân hàng, chứng khoán ở Việt Nam. Có những cuộc tấn công để đòi tiền chuộc. Việc trả tiền chuộc cho các đối tượng đó sẽ kích hoạt thêm những hoạt động tấn công khác.

Vì thế tôi khuyến nghị tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tài chính cần tăng cường khả năng phòng thủ của mình, chủ động ứng phó trước những cuộc tấn công mạng. Phải đầu tư trang bị về giải pháp công nghệ, nguồn nhân lực và chủ động phòng ngừa là chính chứ khi bị tấn công rồi thì lúc đó rất khó để chống đỡ được.

Thứ hai là các tổ chức, doanh nghiệp cần hợp tác với Cục A05 để phối hợp điều tra, xử lý, đấu tranh với các loại tội phạm. Nếu chúng ta cứ trả tiền chuộc như vậy thì sẽ rất khó khăn trong công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm.

- Theo ông, những vấn đề "nóng" trong lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay là gì?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Về an ninh mạng, có 3 vấn đề chính mà Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đang rất quan tâm. Thứ nhất là các hoạt động tấn công vào các hệ thống hạ tầng trọng yếu quốc gia, tấn công vào các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đòi tiền chuộc.

Thứ hai là vấn đề tin giả, tin xấu độc, sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vấn đề thứ ba là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

- Bộ Công an và Hiệp hội An ninh mạng định hướng gì để giải quyết các vấn đề an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi hoạt động trên môi trường mạng?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Bộ Công an, đặc biệt là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) kết hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia để xây dựng một thế trận an ninh nhân dân trên môi trường mạng, đặc biệt là phòng, chống lừa đảo. Có rất nhiều nhóm giải pháp. Đầu tiên là nâng cao nhận thức cho người dân để cảnh giác, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tấn công trên không gian mạng, đặc biệt liên quan đến hoạt động lừa đảo, từ đó tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa, chống lại các hoạt động lừa đảo đó.

Thứ hai ở là chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ để xây dựng các cơ sở pháp lý. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên không gian mạng, Nghị định quy định về các điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng. Trước đó, chúng tôi cũng đã có Luật An ninh mạng, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng, có Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chấp hành theo quy định này.

Thứ ba, cần phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng nhằm tăng cường quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, cùng chung tay thì chúng ta mới có thể chống lại các loại tội phạm trên mạng, vì chúng là những tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới.

vt_nguyen minh chinh.jpg
Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại Hội thảo Phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thứ tư là lực lượng công an làm nòng cốt đấu tranh, điều tra, xác minh, xử lý trước pháp luật những đối tượng có hoạt động tấn công mạng, lừa đảo trên không gian mạng. Chúng ta cũng phải đào tạo, huấn luyện cho lực lượng chức năng, cho người dân để hiểu và có các kỹ năng về đảm bảo an ninh mạng. Các tổ chức cũng phải chung tay để có những giải pháp về mặt kỹ thuật để giúp cho người dân có thể phòng ngừa, giảm bớt những thiệt hại liên quan đến lĩnh vực này.

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến hợp tác quốc tế, bởi vì công cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm như thế này thì không một quốc gia nào có thể chống lại được, mà cần phải có sự hợp tác quốc tế.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước phải kết nối với các doanh nghiệp để cùng chia sẻ dữ liệu, cùng xây dựng các giải pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm này trong thời gian tới.

- Thời gian qua, Bộ Công an rất tích cực trong việc xây dựng và quản lý dữ liệu dân cư. Vậy việc sử dụng và đồng bộ dữ liệu này giữa các cơ quan, tổ chức sẽ giúp nâng cao khả năng đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao dịch của người dân trên không gian mạng như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Chính phủ đã ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và đang xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Người dân nên yên tâm khi cung cấp dữ liệu này cho cơ quan chức năng để phục vụ công việc. Chính phủ cũng đã có Đề án 06 triển khai kết nối dữ liệu tất cả các bộ, ngành. Việc kết nối và sử dụng dữ liệu sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tạo ra môi trường minh bạch để người dân cung cấp dữ liệu. Nếu người dân cung cấp dữ liệu cho những tổ chức, cá nhân khác thì rất dễ dễ bị lừa đảo.

Người dân phải hiểu đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi phối hợp cùng với Nhà nước cung cấp dữ liệu cho Đề án 06.

CNC-1.jpg
Lực lượng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện biện pháp nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa tội phạm. Ảnh: B.C.

- Khi Hiệp hội An ninh mạng quốc gia ra mắt cách đây nửa năm, người dân và các doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng Hiệp hội có những hoạt động cụ thể để đấu tranh và phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Sắp tới, Hiệp hội sẽ cung cấp phần mềm giúp người dân phòng ngừa lừa đảo trực tuyến. Ngoài phần mềm này thì Hiệp hội có kế hoạch hay biện pháp cụ thể nào để giúp người dân, doanh nghiệp an toàn hơn khi hoạt động trên không gian mạng?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Hiệp hội An ninh mạng quốc gia ra mắt từ tháng 9/2023. Chúng tôi đã có các kế hoạch và thực hiện các chương trình để kết nối cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp cũng như người dân trong lĩnh vực an ninh mạng.

Mặc dù đội ngũ nhân sự của Hiệp hội còn mỏng nhưng chúng tôi đã cố gắng để tổ chức các hội thảo để phổ biến, tuyên truyền đến mọi người về các hành vi, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Chúng tôi đã xây dựng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trực tuyến trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên mạng xã hội để người dân có thể tiếp cận, nâng cao nhận thức và các kỹ năng của mình.

Ngoài ra, Hiệp hội đang xây dựng các giải pháp kỹ thuật để phổ biến miễn phí cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Họ có thể sử dụng những sản phẩm như thế này để bảo vệ. Chúng tôi cũng còn một số sản phẩm khác, trong thời gian tới sẽ giới thiệu với các bạn.

- Thời gian qua có nhiều trường hợp kẻ xấu mạo danh cán bộ công an gọi điện đến dọa nạt người dân, nói rằng họ đang bị điều tra và yêu cầu phải chuyển khoản để xác minh số tiền đang có. Nhiều nạn nhân đã bị lừa, chuyển khoản vài tỉ đồng, thậm chí có trường hợp lên đến cả trăm tỉ đồng. Theo ông, vì sao nhiều người dân vẫn bị “mắc bẫy” chiêu lừa quen thuộc này?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Chúng ta tuyên truyền rất nhiều lần nhưng có lẽ là nhiều người dân chưa tiếp cận được những thông tin như vậy, hoặc có tiếp cận rồi nhưng cuối cùng vẫn bị lừa. Người dân lưu ý là cán bộ công an, cán bộ thực thi pháp luật không bao giờ làm việc trên mạng xã hội, không bao giờ làm việc qua điện thoại mà chúng tôi có trụ sở, có những con người hết sức cụ thể.

Khi được ai đó yêu cầu làm việc qua điện thoại, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất để thông báo, tố giác tội phạm, hoặc đến để hỏi về các văn bản, giấy tờ chính thức, không nên nghe theo kẻ xấu yêu cầu qua điện thoại rồi chuyển tiền cho chúng. Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều lần nhưng nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo.

- Khả năng thu hồi các khoản tiền bị lừa đảo có cao không, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Minh Chính: Khả năng thu hồi số tiền bị lừa đảo sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp người dân báo cáo ngay cho cơ quan chức năng thì chúng tôi có thể phối hợp với các đơn vị để thu hồi được. Nhưng cũng có trường hợp thu hồi rất khó khăn.

Đây là cuộc chiến của cả hệ thống chính trị, của tất cả người dân cũng như lực lượng công an và các cơ quan phối hợp khác. Cho nên nếu người dân phát hiện mình bị lừa đảo, phải nhanh chóng báo cáo cho cơ quan công an gần nhất hoặc báo cáo cho Cục A05 thì mới hy vọng chúng ta sẽ đấu tranh có hiệu quả hơn đối với hành vi lừa đảo trực tuyến.

-Xin cảm ơn ông!

Thống kê của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiếm 44,7%; Phát tán các mã độc, tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo chiếm 17,3%; Gọi điện giả danh lực lượng chức năng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng, viễn thông... chiếm 11,6%; Tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán chiếm 13,2%; Giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền chiếm 8,5%; Một số hình thức lừa đảo khác chiếm 4,7%.