WeWork: Từ 'siêu kỳ lân' từng được định giá 40 tỉ USD đến bờ vực phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – WeWork, siêu kỳ lân từng được định giá 40 tỉ USD và cũng có hoạt động ở Việt Nam, vừa cảnh báo về nguy cơ phá sản.

4 năm trước, WeWork đang chuẩn bị cho một vụ IPO bom tấn. Giờ đây, công ty này đang đưa ra cảnh báo về nguy cơ phá sản.

“Các khoản lỗ và dòng tiền âm từ các hoạt động kinh doanh làm dấy lên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty", WeWork cho biết trong một văn bản trình lên Uỷ ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 8/8.

2023-08-09_152503.png

Thực tế, khả năng về một vụ phá sản của 'siêu kỳ lân' từng được SoftBank định giá ở mức 40 tỉ USD đã được nhắc đến từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, động thái mới của WeWork vẫn gây ngạc nhiên.

Đại dịch Covid 19 khiến nhiều công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng, chuyển sang mô hình làm việc từ xa kết hợp với tình trạng kinh tế suy thoái được cho là nguyên nhân khiến cho WeWork rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và gặp khó khăn để tạo ra doanh thu.

“Nếu không thể cải thiện được trạng thái thanh khoản và khả năng sinh lời, công ty có thể phải cân nhắc tất cả các phương án chiến lược, bao gồm tái cấu trúc, tìm nguồn vốn mới từ vay nợ hoặc vốn cổ phần, giảm thiểu hoặc trì hoãn hoạt động kinh doanh và các sáng kiến chiến lược, hoặc thậm chí bán tài sản, thực hiện các giao dịch chiến lược và/hoặc các biện pháp khác, bao gồm xin được giảm nợ theo Đạo luật Phá sản Mỹ”, WeWork cho hay.

Cổ phiếu của WeWork đã giao dịch dưới 1 USD kể từ giữa tháng 3/2023. Trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 8/8, giá cổ phiếu WeWork lao dốc 26% xuống chỉ còn 15 xu/cổ phiếu. Hiện vốn hoá thị trường của công ty chỉ còn ở mức dưới 500 triệu USD.

Công ty đã lỗ ròng 700 triệu USD trong nửa đầu năm sau khi lỗ 2,3 tỉ USD vào năm 2022. Tính đến ngày 30/62023, công ty có 205 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương và tổng thanh khoản là 680 triệu USD. Dư nợ dài hạn hiện tại của WeWork là 2,91 tỉ USD.

WeWork cho biết, quý 2 năm 2023 doanh thu của họ chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% ở Mỹ, nơi chiếm 41% doanh thu.

Tình hình kinh tế khiến nhiều khách hàng có thẻ thành viên rời đi, làm giảm doanh thu và dòng tiền. Ngay cả SoftBank - nhà đầu tư chính của nền tảng cho thuê văn phòng, cũng đã chi ít tiền hơn cho WeWork. Theo báo cáo tài chính, SoftBank chỉ đóng góp 6 triệu USD doanh thu cho WeWork so với 10 triệu USD cùng kỳ năm 2022.

3 thành viên hội đồng quản trị WeWork đã từ chức vào tuần trước vì “bất đồng quan trọng liên quan đến quản trị Hội đồng quản trị và định hướng chiến lược của công ty".

Quá khứ vinh quang

WeWork được xây dựng dựa trên chủ nghĩa lý tưởng và sức hút của nhà sáng lập Adam Neumann, người đã bắt đầu kinh doanh vào năm 2010 cùng với nhà thiết kế Miguel McKelvey.

2023-08-09_152529.png
Nhà sáng lập WeWork Adam Neumann với Miguel McKelvey vào năm 2021 (Ảnh: Bloomberg)

WeWork phát triển với tốc độ chóng mặt, được thúc đẩy bởi môi trường lãi suất bằng 0, mà ở đó các nhà đầu tư mạo hiểm rót cả đống tiền vào các công ty khởi nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng, hơn là khả năng sinh lời.

Đến năm 2019, WeWork là công ty tư nhân sở hữu nhiều diện tích văn phòng nhất ở Manhattan, quản lý hàng triệu mét vuông văn phòng ở hàng chục quốc gia.

Nhận được sự hậu thuẫn lớn, WeWork tìm cách IPO vào năm 2019, nhưng nỗ lực chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã thất bại khi các nhà đầu tư phát hiện ra thói chi tiêu hoang phí và tính cách lập dị của Adam Neumann.

Khi kế hoạch IPO không bao giờ được thực hiện, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Masayoshi Son gọi khoản đầu tư của mình vào WeWork là “ngu ngốc” và công ty của ông đã nắm quyền kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh với gói đầu tư trị giá 5 tỉ USD.

Neumann bị sa thải vào cuối năm 2019 và sau hàng nghìn lần sa thải nhân viên cũng như nhận được gói viện trợ từ SoftBank, công ty đã bổ nhiệm Sandeep Mathrani làm Giám đốc điều hành với hy vọng về một sự thay đổi. Mathrani tiếp quản vào tháng 2/2020, hứa hẹn sẽ ngăn chặn tình trạng mất cân đối tài chính của WeWork và khôi phục trật tự.

Tuy nhiên, Mathrani không gặp may. Gần như trùng thời điểm ông tiếp nhận vị trí CEO tại WeWork, đại dịch Covid 19 đã khiến các văn phòng trên toàn thế giới phải đóng cửa. Chỉ sau một đêm, tỷ lệ lấp đầy giảm xuống mức thấp nhất là 46%.

Quá trình phục hồi diễn ra chậm và phải mất hơn hai năm trước khi các văn phòng của WeWork đông kín người như trước đây vào cuối năm 2019. Trong thời gian đó, Mathrani đã thử những cách khác để duy trì hoạt động kinh doanh.

Vào năm 2021, ông đã tạo dựng một vụ sáp nhập bằng SPAC để đưa WeWork lên sàn. Ông giám sát việc tạo ra một công cụ công nghệ mà chủ nhà có thể mua để sử dụng phần mềm WeWork trong các tòa nhà của chính họ và phát triển các cách tự phát hơn, theo yêu cầu để khách hàng sử dụng văn phòng WeWork.

WeWork dường như đã đạt được một cột mốc quan trọng vào tháng 3 khi đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ lớn nhất và SoftBank để cắt giảm khoản nợ khoảng 1,5 tỉ USD và gia hạn các kỳ hạn khác.

Nhưng rồi vào tháng 5/2023, sau ba năm làm việc, Mathrani đột ngột từ chức để chuyển sang làm việc tại Sycamore Partners và WeWork lâm vào tình trạng không có nhà lãnh đạo thay thế trong một khoảng thời gian kéo dài./.

Nguồn tham khảo: CNBC, Bloomberg