Wall Street Journal: Đòn không kích của Israel vào Iran làm tổn hại hình ảnh vũ khí Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc phá hủy các hệ thống chống tên lửa của Iran do Moscow cung cấp và việc Ukraine tấn công các hệ thống của Nga gây tổn hại uy tín của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, theo Wall Street Journal.

Một tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không ở miền Nam nước Nga vào năm 2020 (Ảnh: WSJ)
Một tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không ở miền Nam nước Nga vào năm 2020 (Ảnh: WSJ)

Cuộc không kích của Israel vào rạng sáng 26/10 không chỉ phá hủy một cơ sở quân sự trọng yếu của Iran mà còn giáng thêm một đòn nặng nề vào danh tiếng ngành công nghiệp vũ khí Nga, vốn đã bị tổn thất nhiều qua những lần thể hiện yếu kém trên chiến trường Ukraine, theo đánh giá của tờ Wall Street Journal (WSJ).

Theo các quan chức Mỹ và Israel, hệ thống phòng không của Iran, mặc dù được trang bị vũ khí của Nga, đã không thể ngăn chặn đợt tấn công quy mô lớn của Israel. Cuộc không kích này đã khiến Iran thiệt hại nặng nề, đặc biệt là 3 hệ thống phòng không S-300 do Nga cung cấp.

Không chỉ riêng Israel, Ukraine cũng đã từng liên tục đánh trúng và tiêu diệt các hệ thống phòng không S-300 của Nga, đồng thời gây thêm tổn thất cho Moscow trong các cuộc tấn công vào tháng 5, tháng 8, phá hủy và gây hư hỏng nghiêm trọng các hệ thống S-400 – được xem là tổ hợp phòng không tiên tiến nhất của Nga, sánh ngang với hệ thống Patriot của Mỹ.

Trong nhiều năm, các chuyên gia an ninh phương Tây từng lo ngại rằng hệ thống S-400 của Nga có thể làm suy giảm sức mạnh trên không của các quốc gia thuộc NATO và đồng minh. Hệ thống S-300 cũng đã trải qua nhiều lần nâng cấp từ khi được ra mắt vào cuối những năm 1970. Cả hai loại vũ khí này hiện đang được những đồng minh thân cận của Moscow sử dụng, cùng với các khách hàng lớn khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với một đối thủ có khả năng không kích mạnh mẽ như Israel. Hiệu quả của các cuộc tấn công gần đây của Israel nhằm vào hệ thống S-300 và cơ sở sản xuất tên lửa của Iran cho thấy Israel đã có sự thâm nhập tình báo sâu sắc vào quốc gia này. Điều này cũng từng được chứng minh qua vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Tehran vào tháng 8 và hàng loạt cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran trước đó.

Tất nhiên, không có hệ thống phòng thủ nào là bất khả xâm phạm. Trên thực tế, Nga đã từng thành công trong việc tấn công hệ thống Patriot tại Ukraine. Ngay cả Israel, dù sở hữu hệ thống phòng không thuộc loại hiện đại bậc nhất thế giới, vẫn không tránh khỏi các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ phía Iran và các đồng minh trong năm nay.

Theo WSJ, những minh chứng về hiệu quả của hệ thống vũ khí Nga có thể là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng cảm thấy thất vọng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm tới 52% trong năm ngoái so với năm 2022.

Ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định: “Cuộc chiến ở Ukraine đã giáng một đòn nặng nề vào hình ảnh của ngành công nghiệp quốc phòng Nga”.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, những khách hàng thân thiết của Nga sẽ không có nhiều lựa chọn thay thế trong ngắn hạn, và họ cần yêu cầu Moscow có các giải pháp cải thiện.

2.png
Một chiếc xe tải quân sự của Iran chở các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không trong cuộc duyệt binh ở Tehran vào tháng 9 (Ảnh: WSJ)

“Bạn sẽ cần đặt câu hỏi về hiệu quả thực tế và biện pháp cải thiện từ phía nhà cung cấp”, ông Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về An ninh ở London, cho biết.

Theo các chuyên gia, Hàn Quốc, Israel, Mỹ và Trung Quốc là những quốc gia có thể hưởng lợi từ thực trạng khó khăn mà Nga đang phải đối mặt.

Trong nhóm khách hàng lớn của Nga, đất nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Ấn Độ, địa điểm của hơn 1/3 lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2019-2023, theo SIPRI.

Ấn Độ đã nhận 3 hệ thống S-400, triển khai chúng dọc theo biên giới với Pakistan và Trung Quốc, theo các quan chức an ninh. Quốc gia này cũng đang chờ Nga hoàn tất việc vận chuyển hai hệ thống còn lại trong đơn hàng vào cuối năm tới.

Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ không xem cuộc tấn công của Israel vào Iran như một lời cảnh báo đối với mình.

“Hệ thống S-400 là một trong những hệ thống phòng không vượt trội nhất thế giới”, một quan chức an ninh Ấn Độ nhận định. “Những gì Iran đang sở hữu chỉ là phiên bản kém hơn rất nhiều. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ và khả năng của S-400”.

Đối với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, Ấn Độ sử dụng S-400; trong khi với các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung, nước này ưu tiên phát triển trong nước và hợp tác với Israel.

Ấn Độ cũng đang nghiên cứu một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa có tầm bắn tương tự S-400, theo nguồn tin từ giới chức an ninh nước này.