Câu chuyện xử lý chênh lệch thuế phí xăng dầu, dẫn tới thiệt thòi cho người tiêu dùng vừa qua được Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng trần tình trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra sáng nay.
Trước đó, dư luận đã hết sức bức xúc trước cơ chế tính thuế nhập khẩu xăng dầu bất hợp lý trong công thức tính giá cơ sở, khiến người dân phải trả "oan" hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Lỗ hổng này đã được xử lý sau đó phần nào, song đi kèm là một số phát ngôn cũng như văn bản qua lại về vấn đề trách nhiệm giữa 2 cơ quan có trách nhiệm quản lý là Bộ Công Thương và Tài chính.
Trao đổi trước Chính phủ sáng nay, ông Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua có dư luận cho rằng 2 bộ “đá” trách nhiệm cho nhau trong chính sách điều hành. "Nhưng chúng tôi sai thì chịu trách nhiệm. Và nhận là sửa chứ không đổ trách nhiệm cho nhau. Như thế không giải quyết được việc gì. Vấn đề là chúng ta phải khắc phục", Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận khó truy thu tiền doanh nghiệp hưởng lợi từ lỗ hổng chính sách xăng dầu. Ảnh: QD. |
Về khả năng truy thu số tiền hàng nghìn tỷ đồng các nhà buôn xăng hưởng lợi từ lỗ hổng chính sách này, Bộ trưởng Tài chính cho biết con số chênh lệch do lỗ hổng này là gần 3.500 tỷ đồng, nằm ở 23 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các đơn vị này có thể "bỏ túi" thấp hơn nhiều.
Cụ thể, doanh nghiệp phải nộp một phần (khoảng 10%) thuế VAT. Ngoài ra trong 23 doanh nghiệp có 11 đơn vị thuộc Nhà nước, nên về cơ bản ông Dũng cho rằng ngân sách không bị thiệt. "Khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp này sau khi trích lập các quỹ thì đã được nộp vào ngân sách theo Nghị quyết 78 của Quốc hội", ông Dũng nói.
Theo tính toán này, Bộ trưởng Tài chính cho rằng con số đề nghị truy thu về quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ còn 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân đầu mối. Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu song cũng thừa nhận "rất khó thu hồi" số này.
"Hiện Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính và cùng Bộ Công Thương thanh tra nhưng không thể trong thời gian ngắn. Xin Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu báo cáo rõ việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp cũng như việc xử lý khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước đúng theo Nghị quyết Quốc hội. "Còn lại 12 doanh nghiệp tư nhân, tổng số thực có 254 tỷ đồng thì phải điều tra làm rõ và công khai", ông nói.
Trước đó, một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận hiện chưa có phương án nào để truy thu khoản lãi mà doanh nghiệp được hưởng.
Trước mắt, Bộ Tài chính mới nêu phương án để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau bằng cách yêu cầu kiểm tra chặt xuất xứ C/O với các lô hàng nhập từ các nước ASEAN, Hàn Quốc. Tuy nhiên, biện pháp này mang ý nghĩa đảm bảo cạnh tranh và quyền lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn là khắc phục lỗ hổng gây thiệt hại của người dân.
Đại diện cấp Vụ thuộc Tổng cục Hải quan phụ trách quản lý việc thu nộp thuế của các doanh nghiệp xăng dầu cũng nói thêm, việc truy thu thuế với các đơn vị này phải theo quy định pháp luật chứ không thể "cứ thế là đòi".
Theo VnE