Hòa Kỳ và các nước láng giềng với Bắc Triều Tiên, bao gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, đều đã lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi đây là sự thách thức không thể chấp nhận cho nền an ninh toàn cầu, đòi hỏi truy cứu trách nhiệm của Bình Nhưỡng.
Trong khi, Nga và Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Triều Tiên kiềm chế hành động có thể gây mất ổn định khu vực.
Phân tích tình hình, chuyên gia Konstantin Asmolov, đến từ Viện nghiên cứu Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga đưa ra bình luận: “Moskva và Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế phóng tên lửa, bao gồm cả những nghi ngại rơi vệ tinh và các sự cố khác có thể xảy ra. Dù cho những lo ngại này đã không thành hiện thực, nhưng trong động thái và tuyên bố của Nga và Trung Quốc hôm nay có thể nhận thấy họ đang khó chịu vì sự thiếu thiện chí của Bắc Triều Tiên.”
“Không có gì phải bất ngờ nếu Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ tìm cách lợi dụng tình hình, để lôi kéo hai nước này tham gia ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên”, Asmolov đánh giá.
Tuy nhiên, theo chuyên gia người Nga, cũng cần phải nói rằng, chưa thể kết luận hành động của Bắc Triều Tiên là hung hăng và mang thái độ thù địch, bởi lẽ xét cho cùng thì tất cả các quốc gia đều có quyền thăm dò không gian một cách hòa bình.
“Tình hình căng thẳng xung quanh Bắc Triều Tiên một phần xuất phát từ chính các động thái của chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng cũng có một phần không nhỏ là do chủ trương bất xây dựng của Mỹ và các đồng minh của Mỹ”, Konstantin Asmolov lý giải.
Ông dẫn chứng: “Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không ngừng lên tiếng khiêu khích thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên. Hải quân Mỹ và các phương tiện quân sự Mỹ đã liên tục được triển khai, tuần tra dọc bán đảo Triều Tiên, và thậm chí là nhằm vào Bắc Triều Tiên trước cả khi nước này khởi động chương trình hạt nhân.
Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn thường xuyên được tổ chức với mục đích chính cũng là đề nhằm vào lãnh thổ phía Bắc. Người Bắc Triều Tiên kiên trì đề nghị hủy bỏ những cuộc diễn tập này và thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo. Nhưng Mỹ bỏ ngoài tai mọi sáng kiến cùng với đề xuất của Bắc Triều Tiên về ký kết hiệp ước hòa bình, tuyên bố đó là hành động thiếu tính xây dựng hoặc mị dân”.
Và trên thực tế, ngay lúc này, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đang muốn đàm phán để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên bán đảo Triều Tiên với lý do đưa ra là mối đe dọa gia tăng, tất nhiên cũng là từ vụ phóng tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên.
Dù hành động này của Bình Nhưỡng có làm Moskva và Bắc Kinh khó chịu. Tuy nhiên, hai “ông lớn” này vẫn bảo lưu quan điểm, rằng trừng phạt không phải là biện pháp có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.
“Đảm bảo chắc chắn về an ninh mới là giải pháp duy nhất có thể buộc Bắc Triều Tiên từ chối các chương trình hạt nhân và tên lửa”, Asmolov kết luận.
Nhược Sơn (Theo Sputnik)