VPBank trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tài liệu ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến diễn ra ngày 29/4, HĐQT nhà băng này đề xuất thông qua phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng yếu kém.

VPBank trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng

Ngân hàng nào sẽ về với VPBank?

Dự thảo nghị quyết của ĐHĐCĐ VPBank có nội dung: Tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023; vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng.

Nhà băng này cho biết sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của VPBank.

vpbank.jpg
VPBank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Ảnh: VPBank.

Bốn ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu gồm: DongA Bank, OceanBank, CB, và GPBank. Hiện chưa có thông tin chính thức về việc ngân hàng nào sẽ được “gả” cho VPBank.

Tuy nhiên, thị trường lâu nay đã xuất hiện đồn đoán về việc VPBank sẽ nhận chuyển giao GPBank.

Theo nguồn tin, từ tháng 3/2024, NHNN đã thực hiện việc thanh kiểm tra đối với VPBank. Việc này là để chắc chắn rằng VPBank đã sẵn sàng nguồn lực để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

Năm thứ hai liên tiếp chia cổ tức bằng tiền mặt

Tại kỳ ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT VPBank trình các cổ đông thông qua kế hoạch năm 2024 với các chỉ tiêu như: Tổng tài sản hợp nhất 974.270 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2023); huy động vốn 598.864 tỷ đồng (tăng 22%), dư nợ tín dụng 752.104 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng (tăng 114%).

HĐQT cùng trình đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (01 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Mức chi cho việc chia cổ tức lên đến 7.934 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp cổ đông VPBank được nhận cổ tức bằng tiền mặt. Thời điểm chia cổ tức dự kiến quý 2 hoặc quý 3/2024.

VPBank cũng dự kiến phát hành thêm tối đa 30 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp.

HĐQT VPBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu quốc tế bền vững. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 hoặc quý 1/2025.

Mục đích phát hành trái phiếu quốc tế bền vững của VPBank là nhằm cấp tín dụng cho các dự án đáp ứng tiêu chí xanh đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của VPBank.