Thời điểm hiện tại, người dân Mỹ đã dần hiểu rõ thực trạng nguy hiểm của đại dịch virus corona chủng mới, sau khi chính quyền nước này liên tục đưa ra hàng loạt kế hoạch triển khai khẩn cấp không khác gì thời Thế chiến II để ngăn dịch. Một số chính trị gia được giao nhiệm vụ chống dịch còn so sánh đại dịch COVID-19 với đại dịch cúm năm 1918, cuộc Đại suy thoái và sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001.
Nhưng vẫn chưa rõ những thông điệp đáng sợ này có đến được với tất cả người dân Mỹ hay không, đặc biệt là người trẻ tuổi, nhóm người đóng vai trò quan trọng trong công tác chống lại một đại dịch đang lan nhanh như cháy rừng, và có thể đến một lúc nào đó khiến hệ thống y tế Mỹ bị quá tải.
Ở San Francisco là một ví dụ, người dân vẫn vô tư đi dạo, trượt patin và đi xe đạp trên phố - bất chấp khuyến cáo của chính quyền rằng mọi người nên ở trong nhà, hạn chế di chuyển tối đa, chỉ trừ lúc cần thiết. Giới chuyên gia cảnh báo, mặc dù những người trẻ tuổi ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn song họ vẫn có thể lây truyền virus corona cho những người lớn tuổi hơn hay các nhóm người dễ bị tổn thương khác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đang trong cuộc chiến cứu rỗi nền kinh tế Mỹ, đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về hậu quả có thể xảy đến nếu như Quốc hội không hành động: Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lên tới 20%. Viễn cảnh kinh hoàng như vậy sẽ vượt xa khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ lên mức đỉnh điểm là 9,9%.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã công bố gói kích thích trị giá 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch (Ảnh: Politico)
|
Trước nhiều tín hiệu cho thấy đại dịch virus corona còn có thể kéo dài, Nhà Trắng đang tìm mọi cách để ngăn nền kinh tế nước Mỹ rơi xuống vực thẳm. Một gói kích thích kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD – trong đó bao gồm kế hoạch chi cho phần lớn người dân Mỹ 1.000 USD – giờ còn lớn hơn Đạo luật Phục hồi (Recovery Act) từng giúp Mỹ thoát khỏi Đại suy thoái.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã dần hiểu rõ sự nghiêm trọng của đại dịch virus corona chủng mới, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mà họ chưa thể giải quyết nổi: Thiếu nguồn cung trang thiết bị cho đội ngũ y tế, thiếu máy thở, và thiếu giường bệnh để có thể tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn sắp tới.
Tổng thống Donald Trump giờ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất từ trước đến nay của nước Mỹ. Hiện nay, từng lời nói mà ông phát đi được lắng nghe rất kỹ để xem liệu ông có sẵn sàng đứng ra đương đầu với thách thức lớn này hay không.
“Chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù vô hình này” – ông Trump tuyên bố trong hôm 17/3, khi mà có thêm hơn 1.500 ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận, và số ca tử vong vượt mốc 100.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, nói rằng sẽ phải mất nhiều tuần lễ nữa mới có thể đánh giá xem liệu các biện pháp tự cách ly có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh hay không. Bình luận này là một hồi chuông báo động, bởi nó chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ có thể suy sụp trong vài tuần lễ, và khoảng thời gian mà tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
“Nền kinh tế Mỹ có thể sụp đổ”
Nhiều bang nước Mỹ đánh tiếng rằng các bệnh viện của họ sẽ không đủ giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Getty)
|
Hiện nay, ở nước Mỹ, chính quyền các bang đã bắt đầu chỉ thị đóng cửa hàng quán, nhà hàng, rạp chiếu phim. Nhiều hãng hàng không cắt giảm hoạt động. Nhiều chuỗi cửa hàng mua sắm chìm trong bóng tối, làm mất đi sinh khí của một nền kinh tế đang trong thời kỳ phát triển nóng.
“Chúng ta sắp phải chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia” – Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mnuchin đang vận động hành lang các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để thông qua một dự luật hỗ trợ trước khi đề nghị thông qua gói kích thích 1 nghìn tỷ USD.
“Đó là một con số lớn” – ông nói –“Đây là một tình trạng độc nhất của nền kinh tế”.
Tổng thống Trump trước đây từng tìm cách trấn an dư luận về sự nguy hiểm của đại dịch virus corona, thì nay cũng đã thay đổi giọng điệu.
“Tôi đã cảm thấy đây là một đại dịch từ trước khi nó được (WHO) công bố là đại dịch” – ông Trump nói về chủng virus mà trước ông từng mô tả là cũng giống như dịch cúm thường và sẽ sớm biến mất.
Trong lúc Nhà Trắng đang ra sức triển khai chương trình ứng phó dịch của họ - như xét nghiệm, công tác bảo vệ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch, kêu gọi tài trợ khẩu trang cho các nhân viên y tế - thì các nỗ lực dường như vẫn chưa đủ.
Thống đốc Rhode Island Gina Raimondo nói: “Chúng tôi vẫn chưa thấy có hành động gì. Chính quyền cần phải tăng cường phản ứng và cung cấp cho các bang thứ mà họ cần để chống lại cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận”.
Thống đốc New York Andrew Cuomo thì lên tiếng cảnh báo về khả năng thiếu giường trong bệnh viện. Ông nói bang New York sẽ cần tới 37.200 giường bệnh trong khu điều trị tích cực, trong khi hiện tại họ chỉ có 3.000. Ông cũng đề nghị các y tá và bác sĩ đã về hưu trở lại làm việc để hỗ trợ chính quyền và người dân.
Việc thiếu thốn giường bệnh cũng là một trong số những lý do khiến các nhà lãnh đạo ở Mỹ yêu cầu người dân tự cách ly để hạn chế chuỗi lây truyền từ người này sang người khác.
“Không khác gì lao vào một cuộc chiến tranh”
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden mô tả công tác chống dịch COVID-19 không khác gì lao vào một cuộc chiến (Ảnh: New York 1)
|
Tiến sĩ Fauci không dám chắc về việc liệu các biện pháp ngăn dịch hiện nay có hiệu quả hay không và khi nào thì đại dịch sẽ chấm dứt.
“Có lẽ phải mất thêm vài tuần nữa, có thể còn lâu hơn, chúng ta mới biết được các biện pháp hiện tại có hiệu quả hay không” – ông Fauci nói.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden – sau khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ mới đây ở Arizona, Illinois và Florida – cũng tập trung vào đại dịch virus corona.
“Các bạn biết đấy, ngăn chặn đại dịch này là tình trạng khẩn cấp quốc gia không khác gì tham gia vào một cuộc chiến tranh” – ông Biden nói – “Đây là thời khắc mà những quyết định, lựa chọn của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng lớn tới điều sẽ xảy ra”.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thì nhắc lại những sự kiện khủng hoảng lớn trong lịch sử để nói về mức độ nghiêm trọng của đại dịch hiện nay.
“Từng sống sót qua sự kiện ngày 11/9, sống sót qua cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng năm 2008, tôi nghĩ rằng người dân hiện nay còn lo lắng hơn về tương lai và sức khỏe của họ, về khả năng tài chính của họ, so với trong các cuộc khủng hoảng trước” – ông Schumer nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu