“Hố đen” lỗ - vận tải biển
Theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đơn vị “anh cả đỏ” trong lĩnh vực vận tải biển và khai thác cảng biển này vẫn đang trong hành trình “giảm lỗ” để có thể sớm trở về trạng thái dương.
Cụ thể, với doanh thu hơn 19.800 tỷ đồng trong năm 2014, Vinalines bị hụt khoảng 4% so với kết quả đạt được năm 2013. Hai chỉ tiêu kinh doanh chính khác là sản lượng hàng thông qua cảng và vận tải biển cũng chỉ tương đương năm 2013.
“Điểm tích cực là số lỗ đã giảm hơn 5.400 tỷ đồng so với trước đó, ở mức trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ hoạt động vận tải biển giảm 61% và cảng biển giảm 35% so với cùng kỳ”, ông Sơn cho biết.
Mặc dù đã tiến hành mạnh tay tái cơ cấu nhưng do diễn biến xấu của thị trường vận tải biển thế giới, cộng với những khó khăn nội tại, lĩnh vực vận tải biển vẫn tạo ra “lỗ đen thua lỗ” lớn nhất cho Vinalines.
Đứng đầu trong danh sách công ty thành viên kinh doanh khai thác tàu biển có khoản thua lỗ nặng nhất là Công ty TNHH MTV Biển Đông - doanh nghiệp được chuyển về Vinalines từ Vinashin cách đây 4 năm. Trong năm 2014, Biển Đông với 5 tàu container và 2 tàu dầu đã lỗ tới 572 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu chỉ vọn vẹn 755 tỷ đồng.
Khó khăn không chỉ bủa vây cựu công ty con của Vinashin, ngay một đơn vị truyền thống rất mạnh về vận tải biển của Vinalines là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) nếu không có các khoản thu từ việc bán tàu chắc chắn sẽ lỗ rất sâu trong năm 2014, thay vì có thể lãi 15 tỷ đồng.
“Cơ cấu đội tàu với nhiều tàu già được mua với giá cao trong giai đoạn 2008 -2009 đang gây ra những gánh nặng thực sự cho chúng tôi”, ông Sơn cho biết.
Tính đến cuối năm 2014, đội tàu biển của Vinalines bao gồm 109 chiếc, trong đó có tới 53 tàu (49%) trên 15 tuổi và 23 tàu (21%) từ 20 tuổi trở lên thường xuyên hư hỏng, thời gian nằm đà kéo dài, hiệu suất khai thác rất thấp.
Để có thể lấp đầy “hố đen thua lỗ” này, Vinalines cho biết sẽ thanh lý ít nhất 16 tàu với tổng trọng tải lên tới 230.000 DWT, chấp nhận đưa quy mô đội tàu xuống còn 2 triệu DWT, bằng 1/2 tổng trọng tải tại thời điểm đầu năm 2010 - giai đoạn cực thịnh của vận tải biển.
Trong khi đó, khối dịch vụ hàng hải - logistics là mảng duy nhất đem về lợi nhuận cho Tổng công ty dù chưa đáng kể sẽ được Vinalines ưu tiên nguồn lực đầu tư. Năm 2014, Công ty cổ phần Đại lý hàng hải (VOSA) báo lãi trước thuế hơn 54 tỷ đồng đã tạo ra một niềm hy vọng lớn, dù thị trường logistics đang diễn ra sự cạnh tranh hết sức quyết liệt.
Đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính
Mặc dù vẫn chưa thực sự “nổi”, nhưng trong năm 2014, tái cơ cấu tài chính của Vinalines đã tiến một bước dài khi số nợ giảm được trên 1.800 tỷ đồng. Dư nợ tính đến ngày 31/12/2014 còn khoảng 9.000 tỷ đồng.
Gần 1 năm trước, khi mới ngồi ghế nóng tại Vinalines, Tổng giám đốc Lê Anh Sơn thừa nhận: “Nếu không tái cơ cấu tài chính, con tàu này sẽ chìm”.
“Giờ nhìn lại, con tàu đã bớt chòng chành hơn dù sức khỏe của Vinalines hiện cũng như người mới ốm dậy”, ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch HĐTV Vinalines đánh giá.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, dù bức tranh toàn cảnh Vinalines vẫn nhiều mảng tối, cân đối tài chính còn mất cân bằng, song điều quan trọng là tiến trình tái cơ cấu đã hé lộ nhiều điểm sáng.
Ví dụ được người đứng đầu ngành giao thông dẫn ra để minh chứng cho nhận định này là số tiền hơn 500 tỷ đồng mà công ty mẹ thu về trong năm qua khi thoái vốn thành công tại 22 trong tổng số 27 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là tổng công ty có số đơn vị thành viên tiến hành cổ phần hóa nhiều nhất Bộ Giao thông - Vận tải khi góp đến 10 cái tên trong năm, chiếm hơn 20% toàn ngành.
Vinalines cũng có bước tiến dài trong công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cụ thể, Vinalines sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu đối với Công ty Mẹ - Vinalines trong quý I/2015, hoàn thành công tác chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong quý II/2015.
Ông Sơn cho biết, Tổng công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) để xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty và đang phối hợp cùng SSI thu thập thông tin, tài liệu xây dựng phương án cổ phần trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt.
Trước đó (ngày 31/12/2014), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2013 của Công ty mẹ Vinalines là 21.287,2 tỷ đồng; giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.
Dẫu vậy, điều khiến lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải chưa hài lòng là công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp đổi mới mô hình.
“Tôi rất khó hiểu khi cảng Hải Phòng với đầy đủ lợi thế chỉ tăng trưởng được 5%, trong khi lượng hàng hóa qua khu vực này tăng gần 20% kém xa các cảng trong vùng do tư nhân quản lý”, Bộ trưởng so sánh.
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho rằng, việc tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh còn chậm so với xử lý nợ và tiến trình cổ phần hóa. Bằng chứng là, trong năm 2014, hai yếu tố rất thuận lợi cho đội tàu của Vinalines hồi phục là giá dầu giảm sâu cộng với chủ trương siết chặt tải trọng đường bộ, nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt hết cơ hội.
“Dư địa tăng lợi nhuận của Vinalines vẫn rất rộng nếu lãnh đạo các đơn vị mạnh dạn thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội kinh doanh”, ông Thăng chỉ đạo.
Theo Báo Đầu tư