Theo đó, Hội đồng quản trị HVN đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch số lượng khách vận chuyển từ 24,9 triệu xuống chỉ còn 23,4 triệu khách hàng, tương ứng với mức điều chỉnh giảm 6,02%. Tương tự, số lượng hàng hóa vận chuyển theo kế hoạch cũng được điều chỉnh giảm nhẹ 4,42%, xuống mức 357 nghìn tấn hàng hóa.
Bên cạnh đó, HVN cũng điều chỉnh giảm mức doanh thu thuần hợp nhất từ 111.729 tỷ đồng, xuống mức 104.593 tỷ đồng, tương đương mức giảm 6,39%.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua trước đó.
Như vậy, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HVN vẫn ở mức 3.362 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu kế hoạch này, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HVN sẽ phải cải thiện hơn so với trước.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông của HVN đã thông qua kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; thông qua chủ trương bán 5 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2004 - 2005 và đầu tư dự án mua 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025.
Vietnam Airlines điều chỉnh giảm tại nhiều chỉ tiêu kế hoạch (Nguồn: HVN)
|
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 15/8/2019 vừa qua, HVN đã công bố Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 (đã được soát xét) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế đạt 1.381,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản trích trước chênh lệch tỷ giá hối đoái dự kiến phát sinh.
Cụ thể, hãng kiểm toán cho biết HVN đã trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái với số tiền khoảng 170 tỷ đồng dựa trên những ước tính của Ban Giám đốc về sự suy giảm giá trị của Đồng Việt Nam (VND) so với các ngoại tệ đến cuối năm 2019.
“Việc ghi nhận chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá dự kiến phát sinh trong tương lai là chưa phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái cũng nhưng Thông tư số 200/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam” - đơn vị này cho biết.
Cũng theo hãng kiểm toán này, nếu HVN ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo các quy định hiện hành, khoản mục “Chi phí tài chính” và “Lợi nhuận sau thuế thu nhập” sẽ giảm và tăng số tiền khoảng 170 tỷ và 136 tỷ đồng trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ cho kỳ hoạt động 6 tháng (kết thúc ngày 30/6/2019).
Giải trình ý kiến của hãng kiểm toán, HVN cho biết đã trích trước một khoản chi phí về lỗ chênh lệc tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ đối với các khoản nợ phải trả là 170 tỷ đồng, tương đương với biến động suy giảm về tỷ giá VND xấp xỉ hơn 2% cho cả năm 2019.
HVN cho biết đã áp dụng phương án trích trước số chênh lệch tỷ giá đánh giá số dư cuối kỳ từ BCTC bán niên năm 2016 và các công ty kiểm toán độc lập cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ tương tự./.