Còn trang tin wearethemighty ngày 31.3 cho hay Việt Nam nằm trong số 59 nước có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Vậy ta nên hiểu vấn đề như thế nào?
Theo hãng tin TASS ngày 2.4, phát biểu tại cuộc họp báo nhân kết thúc Hội nghị an ninh hạt nhân thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh không để những “kẻ điên” có cơ hội nắm giữ nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông cũng biểu dương hai khu vực Trung Âu và Đông Nam Á những năm gần đây đang loại bỏ các nguyên liệu có thể dùng chế tạo vũ khí hạt nhân.
"Hiện tại, 14 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Argentina, Chile, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Việt Nam hoàn toàn loại bỏ uranium làm giàu và plutonium có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân… Nay Nam Mỹ cũng như vậy. Khi Ba Lan sẽ loại bỏ nguyên liệu có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong năm nay thì Trung Âu sẽ hoàn tất việc này. Ở Đông Nam Á còn Indonesia đang tiến hành loại bỏ”, Tổng thống Mỹ nói, theo TASS.
Trước đó ngày 31.3, trang tin wearethemighty có liệt kê 9 điểm quan trọng về tình hình vũ khí hạt nhân trên thế giới, có nhắc đến việc Việt Nam nằm trong nhóm 59 nước và lãnh thổ có khả năng tiến hành các chương trình vũ khí hạt nhân. Số nước có khả năng này gồm 9 nước trong “Câu lạc bộ hạt nhân” gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Và 50 nước và lãnh thổ còn lại có Việt Nam.
Thực ra thông tin này wearethemighty dẫn lại của website Globalzero, tổ chức kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Globalzero trong phần thông tin chung cho biết có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu nguyên liệu hạt nhân và có khả năng tiến hành các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Đi kèm là bản đồ vị trí 59 nước và lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Bản đồ 59 nước vàvùng lãnh thổ sở hữu nguyên liệu hạt nhân và có khả năng tiến hành các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân - Nguồn:Globalzero.org |
Lực lượng công an và quân đội được huy động đông đảo trong đợt vận chuyển và trao trả 106thanhuraniumtừ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho phía Nga vào ngày 2.7.2013 - Ảnh: IAEA |
Ngày 1.7.1968, Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty – NPT) ra đời. Việt Nam tham gia NPT vào ngày 14.6.1981 và ký hiệp định thanh sát đầy đủ với Cơ quan năng lượng nguyên tử thuộc LHQ (IAEA) vào năm 1990.
Hồi tháng 7.2013, Việt Nam đã vận chuyển và trao trả 106 thanh uranium từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho phía Nga, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của đại diện IAEA và hơn 40 chuyên gia hạt nhân của Mỹ, Nga. Đây là đợt 2 của dự án trao trả 141 thanh uranium (16 kg) cho Nga mà Việt Nam khởi động từ năm 2004.
Năm 2007, đợt 1 của dự án được thực hiện bằng việc trao trả cho Nga 35 thanh uranium có độ làm giàu cao chưa qua sử dụng. Đợt 2 này, Việt Nam trả cho phía Nga 106 thanh uranium (11 kg), theo đúng cam kết với IAEA.
Ngày 22.7.2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam. Thỏa thuận trên, được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10.2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, đã được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn hồi tháng 2.2014.
Khi đó một số nghị sĩ Mỹ lo ngại thỏa thuận trên không cấm Việt Nam tự làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ không ràng buộc về pháp lý với Mỹ rằng không có ý định tìm kiếm năng lực đó.
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Việt-Mỹ, còn được gọi là Hiệp định hợp tác hạt nhân 123, sẽ cho phép các công ty Mỹ thâm nhập vào thị trường đang mở rộng của Việt Nam về phát triển điện hạt nhân. Theo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ, thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ký với Việt Nam sẽ mở cửa thị trường Việt Nam cho các công ty của Mỹ, mang lại cho lĩnh vực xuất khẩu hạt nhân của Mỹ từ 10 - 20 tỉ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm mới cho Mỹ.
Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân (ĐHN), từ năm 2020 - 2030, Việt Nam dự kiến xây dựng và đưa vào vận hành trên 10 tổ máy ĐHN với tổng công suất khoảng 15.000 - 16.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống, theo Bộ Công thương Việt Nam.
Như vậy có thể nói rằng Việt Nam hoàn toàn không có và không muốn phát triển vũ khí hạt nhân, theo đúng những gì đã cam kết với quốc tế, và chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình.
Xem clip quá trình vận chuyển các thanh uranium từ Đà Lạt về Biên Hòa và lên máy bay sang Nga hồi tháng 7.2013 (nguồn: NNSA/IAEA):
Theo Thanh Niên