Bài viết này xem xét tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã dẫn đến việc hiện đại hóa chưa từng thấy các lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam như thế nào. Diễn biến này được đặt trong sự phát triển có tính lịch sử của quan hệ Trung-Việt từ tình trạng thù địch trong suốt cuộc xung đột Campuchia thành bạn bè hữu nghị.
Mặc dù tranh chấp lãnh thổ Biển Đông là điều khó chịu chính trong quan hệ song phương, nó đã không ngăn cản hai nước phát triển những gì họ gọi là một “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Việt Nam cố gắng duy trì quyền tự chủ của mình thông qua một chính sách hợp tác chính trị và kinh tế với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà lợi ích quốc gia của họ hội tụ và bằng việc đấu tranh chống lại hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai năm sau khi Việt Nam thống nhất, nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Campuchia. Tháng 12/1978 Việt Nam đã ra quyết định định mệnh là can thiệp vào nước láng giềng của mình và lật đổ Khmer Đỏ, một chế độ đã liên minh với Trung Quốc. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách xâm nhập miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để “dạy cho Việt Nam một bài học” vì thách thức Trung Quốc.
Trong thập kỷ sau đó, trong khi các lực lượng quân sự Việt Nam ổn định tình hình ở Campuchia, Trung Quốc duy trì căng thẳng biên giới phía Bắc bằng việc pháo kích lặp đi lặp lại và các đe dọa phát động một cuộc tấn công trừng phạt khác. Việt Nam đã triển khai tới 250.000 quân đến các tỉnh miền Bắc của mình để bảo vệ trước một cuộc xâm lược thứ hai của Trung Quốc.
Đến năm 1987, như là hệ quả của sự tan băng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô, các triển vọng cho việc đảm bảo một dàn xếp chính trị tại Campuchia đã trở thành thực tế và tình hình dọc theo biên giới Trung-Việt dần dần ổn định. Trong tháng 9/1989, Việt Nam đã hoàn thành việc rút tất cả các lực lượng quân sự của mình từ Campuchia về và căng thẳng với Trung Quốc giảm xuống.
Tháng 9/1990, các quan chức cấp cao Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức một cuộc gặp cấp cao tại thành phố Thành Đô ở miền Nam Trung Quốc và vạch ra con đường dẫn đến bình thường hóa. Tháng 6/1991, dự tính về mối quan hệ được cải thiện với Trung Quốc, Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Đường lối chỉ đạo chính sách kêu gọi Việt Nam “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với tất cả các nước và các tổ chức kinh tế… không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau”.
Tháng 10/1991, một dàn xếp chính trị toàn diện về cuộc xung đột Campuchia đã đạt được bằng một hội nghị quốc tế họp tại Paris. Việt Nam đã đáp ứng hai yêu cầu chính của Trung Quốc: rút toàn bộ lực lượng quân sự Việt Nam khỏi Campuchia và một dàn xếp chính trị trong đó bao gồm cả đồng minh của Trung Quốc là Khmer Đỏ.
Tháng tiếp sau đó, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bình thường hóa các quan hệ ngoại giao sau thời kỳ 13 năm lạnh nhạt. Trong 4 năm tiếp sau, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong việc đáp ứng các mục tiêu do Đại hội toàn quốc lần thứ VII đã đặt ra, đến năm 1995 Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và Nhật Bản cũng như Liên minh châu Âu đều đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế của họ và nối lại viện trợ phát triển. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Vào tháng 3/1999, một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo đảng Trung Quốc và Việt Nam đã thông qua một phương châm mười sáu chữ kêu gọi “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Một tuyên bố chung được đưa ra vào năm sau đó đã thiết lập khuôn khổ cho các mối quan hệ dài hạn giữa hai nhà nước. Trung Quốc và Việt Nam đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận phân định biên giới trên bộ và phân định ranh giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ, mà ở đó một vùng đánh cá chung đã được thiết lập.
Tại Đại hội IX của Đảng năm 2001, một Đường lối chỉ đạo chính sách mới đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển quan hệ với “các nước hữu nghị truyền thống, các nước láng giềng và các nước xã hội chủ nghĩa”, ám chỉ Trung Quốc, Lào, Campuchia và Nga. Tháng 7 năm sau, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 3 “Về chiến lược an ninh quốc gia”. Nghị quyết này tuyên bố rằng Trung Quốc là một trong số bạn bè của Việt Nam. Đại hội IX cũng tuyên bố rằng “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia”.
Trong tháng 7/2003, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 8, “Chiến lược Quốc phòng trong tình hình mới”, nhằm giải quyết bài toán hóc búa này. Nghị quyết 8 đã đặt các lợi ích quốc gia thực tế lên trên các vấn đề đã lỗi thời. Việt Nam sẽ hợp tác với các quốc gia khác ở chỗ lợi ích quốc gia hội tụ; nhưng Việt Nam sẽ đấu tranh chống lại các quốc gia nào làm tổn hại lợi ích quốc gia của Việt Nam. Nghị quyết 8 đã đưa ra các khái niệm biện chứng về “đối tượng hợp tác” (Đối tác) và “đối tượng đấu tranh” (Đối tượng) để biện giải cho định hướng mới này.
Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc nên được đặt trong khuôn khổ chính sách mở cửa của Việt Nam là đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại của mình. Từ năm 2001, Việt Nam đã theo đuổi một chiến lược lớn phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; các nước lớn chủ yếu ở Đông Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á; và châu Âu thông qua các thỏa thuận hợp tác chiến lược chính thức. Việt Nam đã đàm phán thỏa thuận đối tác chiến lược đầu tiên của mình với Liên bang Nga vào năm 2001. Sau đó nước này đạt được các thỏa thuận đối tác chiến lược với Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Pháp, Italy, Thái Lan, Indonesia và Singapore (2013).
Năm 2006, Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập Ủy ban chỉ đạo chung về hợp tác song phương ở cấp Phó thủ tướng để điều phối tất cả các khía cạnh trong quan hệ song phương hai nước. Tháng 6/2008, Việt Nam và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược sau hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh. Quan hệ song phương đã tiếp tục được nâng cấp thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trong năm sau đó. Trong khuôn khổ này, Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển một mạng lưới các cơ cấu đảng, nhà nước, quốc phòng và đa phương để quản lý các mối quan hệ song phương của họ. Việt Nam và Trung Quốc hiện nay miêu tả quan hệ song phương của họ như là một quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Trước khi Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, vấn đề Biển Đông nổi bật lên trong hai dịp. Đầu tiên, vào tháng 1/1974, một đội tàu hải quân Trung Quốc đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực từ tay Việt Nam Cộng hòa. Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn còn bị chia cắt giữa miền Bắc và miền Nam. Lần thứ hai, tháng 3/1988, trong khi Việt Nam vẫn đang bận tham chiến ở Campuchia, hải quân Trung Quốc đã tấn công các kỹ sư quân sự Việt Nam trên các cấu trúc ở Biển Đông và chiếm các bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross) và đá Gạc Ma (Johnson South).
Năm 1992, ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai bên đã bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu về quyền thăm dò dầu tại vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam. Sau đó vào những năm 1990, một tranh cãi khác đã nổ ra khi Trung Quốc trao quyền thăm dò dầu cho Crestone Oil, một công ty Mỹ, tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là một phần Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.
Va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã nổ ra năm 2007 khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông phía trên 12 vĩ độ Bắc. Trung Quốc áp dụng lệnh cấm này bằng cách lên các tàu Việt Nam và thu giữ cá đã đánh bắt được của họ và máy thông tin liên lạc. Trong một số trường hợp, các tàu Trung Quốc đã đâm tàu Việt Nam. Một số bị đánh chìm và đã có những người chết. Sau đó Trung Quốc bắt giữ các ngư dân Việt Nam và giữ họ cho đến khi họ trả những khoản tiền phạt lớn. Cũng trong năm 2007, Trung Quốc bắt đầu gây áp lực buộc các công ty dầu mỏ nước ngoài hoặc phải dừng các hoạt động của họ trong vùng biển của Việt Nam hoặc phải đối mặt với những khó khăn trong các hoạt động của họ ở Trung Quốc.
Một bước ngoặt lớn trong tranh chấp ở Biển Đông xảy đến khi Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa đặt thời hạn chót vào tháng 5/2009 cho việc đệ trình các tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý. Trung Quốc, lần đầu tiên, chính thức đệ trình bản đồ “đường 9 đoạn” trên Biển Đông một cách trắng trợn, ngang ngược và tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc ở bên trong đường này, bao gồm cả các vùng biển lân cận.
“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Khu vực chồng lấn này nhanh chóng trở thành một khu vực tranh cãi khi các tàu chấp pháp biển Trung Quốc cố gắng thực thi chủ quyền. Chẳng hạn, các tàu dân sự Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam. Đã có một vài sự cố công khai, trong đó tàu Trung Quốc hoặc là quấy rối hoặc cắt cáp của các tàu thuyền nước ngoài đang tiến hành khảo sát địa chấn trong EEZ của Việt Nam. Năm 2012 khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam vạch ra ranh giới biển của mình, Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đã đáp lại bằng cách đưa các lô thăm dò chồng lấn với EEZ của Việt Nam ra đấu thầu quốc tế.
Va chạm thường xuyên về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục cho đến ngày nay. Không có sự cố nào lại nghiêm trọng hơn việc hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc, Hải Dương- 981, trong vùng EEZ của vn từ tháng 5-7/2014. Hải Dương-981 được hộ tống bởi một đội tàu hỗn hợp của Trung Quốc gồm hơn 80 tàu chiến của hải quân, các tàu cảnh sát biển, tàu kéo và tàu đánh cá. Con số này đã lên đến hơn 100 vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Máy bay quân sự của Trung Quốc bay trên bầu trời.
Việt Nam đã phản ứng bằng cách cử các tàu của Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư để phản đối hành vi vi phạm quyền chủ quyền đó của Trung Quốc. Điều này dẫn đến những cuộc đối đầu hàng ngày bao gồm cả việc va chạm có chủ ý của cả hai bên và các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng áp lực cao nhắm vào buồng lái và các cột ăng-ten thông tin của tàu thuyền Việt Nam. Việt Nam tuyên bố rằng trong tháng 5 đã đưa ra hơn 30 phản kháng ngoại giao với Trung Quốc, bao gồm cả các nỗ lực kích hoạt đường dây nóng mà không có kết quả. Cuộc khủng hoảng này đã đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ Chiến tranh biên giới Trung-Việt hồi năm 1979.
Cuộc đối đầu xung quanh việc triển khai Hải Dương-981 đã chấm dứt cũng đột ngột như khi nó bắt đầu. Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan này đã hoàn thành các hoạt động của mình và rút nó khỏi khu vực. Trung Quốc sau đó đã tiếp một đặc phái viên đại diện cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và một phái đoàn gồm 13 tướng lĩnh cấp cao Việt Nam bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng. Hai bên đã đồng ý thiết lập quan hệ song phương trở lại như đã đạt được trước khi có cuộc khủng hoảng Hải Dương-981. Họ cũng nhất trí rằng các tranh chấp Biển Đông không nên gây tổn hại quan hệ song phương nói chung. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tháng 5-7/2014 đã làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin chiến lược giữa hai đối tác hợp tác chiến lược toàn diện này.
Các sự kiện có liên quan đến Biển Đông ở trên hình thành bối cảnh cho quyết định của Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng hải quân và không quân của mình cho các hoạt động ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Cho đến giữa những năm 1990, hải quân Việt Nam vẫn chỉ là một lực lượng hải quân ven bờ. Từ giữa những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu mua các tàu hộ tống lớp Tarantul từ Liên Xô có trang bị tên lửa chống hạm. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam. Kể từ năm 2008, hải quân Việt Nam đã được giao 1 tàu hộ tống BPS-500, 2 tàu hộ vệ tàng hình trang bị tên lửa dẫn đường lớp Gepard 3.9 (các tên lửa chống hạm Uran 3M24), các tàu ngầm Varshavyanka tức tàu ngầm truyền thống cải tiến lớp Kilo (được vũ trang bằng tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình đối đất), 4 tàu hộ tống trang bị tên lửa dẫn đường Tarantul V, 5 khinh hạm hạng nhẹ lớp Petya, và 6 tàu tấn công nhanh lớp Svetlyak (trang bị tên lửa chống hạm). Việt Nam đã nhận được thêm 2 khinh hạm Gepard và nhận đủ 6 tàu ngầm lớp Kilo trước cuối năm 2016.
Được biết Việt Nam đã ký hợp đồng mua ít nhất hai tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan (được trang bị các tên lửa chống hạm Exocet có tầm bắn mở rộng).
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua 11 máy bay Su-27 và 23 máy bay phản lực đa năng Su-30. Năm 2013 Việt Nam đã thông báo rằng họ tiến hành các cuộc tuần tra bằng không quân trên Biển Đông.
Robert Farley, một chuyên gia an ninh tại Đại học Kentucky, đưa ra đánh giá đầy kích động rằng có 5 loại vũ khí Việt Nam mà Trung Quốc nên sợ: máy bay chiến đấu Sukhoi, tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa hành trình P-800 Onyx, tên lửa đất-đối-không (SAM) S-300, và chính lãnh thổ của Việt Nam. Tên lửa hành trình P-800 Onyx “có thể phóng được từ máy bay, từ các tàu nổi, từ các tàu ngầm và từ các tổ hợp đặt trên bờ” và tấn công các tàu Trung Quốc từ nhiều hướng bất ngờ và áp đảo các hệ thống phòng không của hải quân quân đội Trung Quốc (PLAN).
Hệ thống tên lửa S-300 là một trong những hệ thống phòng không tinh vi và tích hợp nhất trên thế giới. Theo Farley, “nó có thể truy lùng và tiếp cận hàng chục mục tiêu trong tầm hoạt động lên đến 75 dặm… Được sử dụng kết hợp với các máy bay chiến đấu của VPAF (Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam), mạng lưới SAM sẽ khiến việc thực hiện một chiến dịch không quân phối hợp chống lại Việt Nam với chi phí chấp nhận được trở nên rất khó khăn. “Hệ thống S-300 có thể được sử dụng để bảo vệ Vịnh Cam Ranh và các căn cứ hải quân có tính sống còn khác của Việt Nam”. Và cuối cùng, Farley lưu ý Việt Nam “có lợi thế về không gian”, có nghĩa là “địa hình khắc nghiệt”, thứ sẽ ngăn không cho Trung Quốc phát động một cuộc xâm lược trên đất liền.
Gary Li, một chuyên gia an ninh hàng hải làm việc cho IHS Maritime tại Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí địa lý Việt Nam đối với Biển Đông. Việt Nam sở hữu nhiều đảo nhất và các hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc “phải đi từ rất xa để tới được cuối vùng yêu sách của mình”, trong khi “Việt Nam, mặt khác, đang tranh một vùng biển ngay ngưỡng cửa của mình. Hạm đội tàu hộ tống hạng nhẹ và tàu ngầm trang bị tên lửa của họ có thể tấn công và rút lui vào các cảng nhà của họ theo ý muốn, trong khi một hạm đội Trung Quốc bị tiến đánh sẽ ít nhiều bị tổn thất’.
Li kết luận rằng khi các lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam được tích hợp với các lực lượng pháo binh và tên lửa ven biển được triển khai dọc bờ biển kéo dài của họ, các cách tiếp cận hải quân của Việt Nam đã được chuyển đổi thành một dạng “bãi tập bắn” nào đó. Cần lưu ý rằng Việt Nam đang vận động hành lang Nga và Ấn Độ để có được các tên lửa hành trình tấn công mặt đất BrahMos.
Brian Benedictus, một nhà phân tích chính trị-quân sự Đông Á tại Washington, lập luận rằng việc Việt Nam mua các tàu hộ vệ lớp Gepard, các tàu hộ tống lớp Molniya (Tarantul) và tàu ngầm lớp Kilo (Varshavyanka) được nâng cấp “có khả năng cho phép Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn hơn khi triển khai sức mạnh của mình đối với các tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông”. Theo Benedictus, các khinh hạm và tàu hộ tống của Việt Nam “tất cả đều có khả năng là tàu tấn công nhanh trong một kịch bản xung đột ở gần Biển Đông và có khả năng ra đòn đánh tàn khốc đối với các tàu đối phương, một điều gì đó mà Bắc Kinh nhất thiết phải tính đến trước khi ra quyết định tiến tới giao tranh với hải quân Việt Nam”.
Các tàu ngầm thông thường mới của Việt Nam bổ sung những khả năng mới nào cho các khả năng chiến lược của mình? Các quan sát viên ngoại giao tại Hà Nội đã báo cáo rằng tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam đã tiến hành tuần tra dọc bờ biển nước này. Ngoài ra, thủy thủ đoàn Việt Nam hiện đang được đào tạo học thuyết và chiến thuật tác chiến dưới biển tại trung tâm tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ. Những diễn biến này đã khiến các nhà phân tích an ninh và quốc phòng nước ngoài phải cân nhắc xem Việt Nam có thể tiếp nhận các loại vũ khí mới của mình và xây dựng một lực lượng hải quân đáng tin cậy có thể hoạt động ở Biển Đông nhanh tới mức nào.
Collin Koh, từ Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore, cho rằng Việt Nam sẽ sử dụng các tàu ngầm của mình trong các hoạt động ngăn chặn xâm nhập khu vực ngoài khơi bờ biển và trong quần đảo Trường Sa một khi chúng vận hành hoàn toàn. Theo Koh, “ngăn chặn xâm nhập biển nghĩa là tạo ra một sự răn đe về tâm lý bằng cách đảm bảo một đối thủ hải quân mạnh mẽ hơn không bao giờ thực sự biết nơi các tàu ngầm của bạn có thể hiện diện. Đó là cách tác chiến bất đối xứng kinh điển được kẻ yếu sử dụng chống lại kẻ mạnh và tôi nghĩ rằng Việt Nam hiểu rất rõ điều này. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể hoàn thiện nó ở dưới mặt nước hay không mà thôi”.
Theo Benedictus, “Việt Nam nằm gần tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, hòn đảo là bến cảng đối với Hạm đội Nam Thái Bình Dương của PLAN. Điều này đủ đáng lo ngại đối với Bắc Kinh khi xét rằng các tàu cập ở cảng có thể là con mồi dễ dàng đối với các tàu ngầm bên ngoài bờ biển của hòn đảo, nếu xung đột xảy ra; triển vọng Việt Nam một ngày nào đó có khả năng tấn công mặt đất tích hợp với hạm đội tàu ngầm của mình sẽ là một nguồn quan ngại nghiêm trọng”. Benedictus kết luận rằng các tàu ngầm lớp Varshavyanka của Việt Nam “có khả năng tiêu diệt các tàu đối phương trong một cuộc xung đột quân sự bằng nhiều cách khác nhau”, đặc biệt do PLAN yếu kém trong tác chiến chống ngầm.
Theo Lyle Goldstein, một giáo sư tại Trường Cao đẳng chiến tranh Hải quân Mỹ, người đã tham khảo các ý kiến đánh giá của Trung Quốc về quân đội Việt Nam, nhận định rằng các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc quan sát “cực kỳ chặt chẽ” các chương trình hiện đại hóa của Việt Nam và có “sự tôn trọng rất lớn... đối với Việt Nam nói chung’, bao gồm cả không quân Việt Nam.
Theo Goldstein, các tàu ngầm lớp Varshavyanka của Việt Nam “có thể ra đòn chết chóc hoặc bằng ngư lôi hoặc bằng các tên lửa hành trình đối hạm”. Tuy nhiên, Goldstein báo cáo rằng các nhà phân tích Trung Quốc đã xác định được hai điểm yếu chính trong chiến lược quân sự của Việt Nam: thiếu kinh nghiệm chủ yếu trong việc vận hành các hệ thống các vũ khí phức tạp và “giám sát, nhắm mục tiêu và quản lý trận đánh”. Những điểm yếu này đã khiến các quan chức quốc phòng của Trung Quốc chủ quan cho rằng “Trung Quốc có thể chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào” với Việt Nam. Goldstein kết luận “chiến lược hứa hẹn nhất của Việt Nam đấu với Trung Quốc là hy vọng rằng họ có thể có đủ lực lượng để răn đe, trong khi vẫn đồng thời theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết các tranh chấp”.
Siemon Wezeman, một nhà phân tích làm việc tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, lập luận rằng theo quan điểm của Trung Quốc thì sự răn đe của Việt Nam đã là một thực tế. Theo Wezeman, “người Việt Nam đã làm thay đổi toàn bộ kịch bản – họ đã có các tàu ngầm, họ có các thủy thủ đoàn và họ dường như đã có các loại vũ khí, khả năng và kinh nghiệm của họ sẽ lớn dần từ thời điểm này. Theo quan điểm các giả định của Trung Quốc, sự răn đe của Việt Nam đã đạt tới điểm mà nó hẳn phải có thực”.
Khi tất cả các vụ mua sắm vũ khí hiện tại và tương lai của Việt Nam được tính đến, rõ ràng là Việt Nam đã có những bước tiến lớn để phát triển một năng lực mạnh mẽ nhằm chống lại sự can thiệp hải quân của một cường quốc thù địch. Điều này đã hình thành dưới dạng phát triển một chiến lược chống tiếp cận tích hợp các hệ thống pháo và tên lửa trên bờ; các máy bay chiến đấu đa năng Su-30; các tàu tấn công nhanh, các tàu hộ tống và khinh hạm trang bị tên lửa chống hạm; và các tàu ngầm lớp Varshavyanka.
Các hệ thống vũ khí này sẽ cho phép Việt Nam khiến cho việc tiến hành các hoạt động hải quân của Trung Quốc trở nên cực kỳ tốn kém trong một dải biển 200-300 hải lý dọc theo bờ biển của Việt Nam từ biên giới Việt-Trung ở phía Đông Bắc tới Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, nếu như không tiếp tục tiến xa hơn về phía Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng có khả năng tấn công căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc gần Tam Á trên đảo Hải Nam và các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm từ hệ thống tên lửa hành trình Bastion trên bờ hoặc từ tên lửa hành trình tấn công mặt đất trên các tàu ngầm lớp Kilo.
Như Farley kết luận một cách đúng đắn, “Việt Nam không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc… Đặc biệt Việt Nam không muốn tiến tới đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tốn kém tiền bạc và công nghệ có thể tiêu hao đi những thiết bị đắt tiền mà Quân đội Việt Nam đã mua. Tuy nhiên, Trung Quốc nhất định phải đánh giá rằng Việt Nam có thể đánh trả.
Quân đội Việt Nam, trong cơ cấu hiện tại của mình, được thiết kế để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc”. Tóm lại, chiến lược quốc phòng của Việt Nam không được thiết kế để đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc xung đột kéo dài. Thay vào đó, nó nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở vị trí cuối trong phổ xung đột, bằng cách gây rủi ro cho các tàu chiến của PLAN nếu như chúng tính chuyện can thiệp để hỗ trợ cho các tàu thực thi pháp luật dân sự hoặc cố đánh chiếm một trong những hòn đảo do Việt Nam chiếm giữ ở Biển Đông.
Việc hiện đại hóa lực lượng của Việt Nam đem lại cho nước này các phương tiện để “đấu tranh chống lại” Trung Quốc khi Trung Quốc đe dọa lợi ích quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, chiến lược chính của Việt Nam là “hợp tác” với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực bao gồm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của họ.
* Tác giả Carlyle A. Thayer là Giáo sư Danh dự về Chính trị, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc. Bài viết được đăng tại trang Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Chennai, Ấn Độ.