Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra chiều nay (28/5) ở thủ đô Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và nước ngoài. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Trung Quốc động thổ xây dựng 2 hải đăng ở đá Gạc Ma và Châu Viên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động gây phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
Trước đó, hôm 26/5, báo chí chính thức của Trung Quốc ngang nhiên đưa ra thông báo, nước này sẽ xây dựng hai ngọn hải đăng cao 50m ở trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có những tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng nhiều bước đi, động thái đầy hung hăng và hiếu chiến.
Mới đây nhất, Trung Quốc lại đang thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông khi đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép trên khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Bất chấp làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng thế giới và các nước láng giềng xung quanh, giới chức Trung Quốc liên tục đưa ra những phát biểu vô lý rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của họ ở Biển Đông “đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế” bởi nó giúp cho công việc tìm kiếm, cứu hộ và bảo vệ môi trường của Trung Quốc.
Trên thực tế, nhiều công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông được cho là dùng cho mục đích quân sự. Nhiều nước tin rằng, việc Trung Quốc ra sức tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông là để phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông hiện nay là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”. Đây rõ ràng là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào bởi quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Trung Quốc ngang nhiên đến xây dựng trên đất của nước khác rồi lại trắng trợn tuyên bố đó là hành động “hợp pháp”. Động thái của Bắc Kinh vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế.
Theo: VnMedia