Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác định là điều đó sẽ phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước và sự công nhận nhu cầu tự vệ của Việt Nam.
Reuters dẫn lời bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: «Chúng tôi hoan nghênh Mỹ đẩy nhanh tiến độ của việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ…, thể hiện sự tin tưởng giữa hai nước».
Theo Reuteurs, tuyên bố trên của Việt Nam về một vấn đề vốn từ lâu nay là đầu mối bất đồng với Mỹ, được đưa ra một tuần lễ trước chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama, và vào lúc tranh luận đang diễn ra ở Washington về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí, từng được giảm nhẹ vào năm 2014.
Cấm vận vũ khí là chứng tích cuối cùng của thời chiến tranh Việt Nam. Mỹ chưa công khai là sẽ bỏ cấm vận và luôn nói rằng vấn đề này tùy thuộc vào Việt Nam có cho thấy tiến bộ trên mặt nhân quyền hay không.
Theo giới quan sát, việc bỏ cấm vận vũ khí sẽ đánh dấu một bước tiến chủ yếu trong quan hệ hai bên, sau 21 năm bình thường hóa bang giao. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/5 cũng rất hoan nghênh những tiếng nói ở Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Reuters nhận xét, Mỹ đã tăng tốc xích lại gần Việt Nam trong năm 2014. Nguyên nhân, theo nhiều nhà phân tích là Mỹ muốn tranh thủ sự kiện quan hệ xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc do tranh chấp ở Biển Đông.
Vẫn theo Reuteurs, Việt Nam trong tuần này đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về quốc phòng, có sự tham gia của các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing hay Lockheed Martin. Động thái trên diễn ra đúng lúc Washington đang cân nhắc việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Hà Nội. Cuộc hội thảo này đã được hết sức giữ bí mật.
Theo nhận định của Reuters, Việt Nam phải tăng tốc xây dựng một năng lực răn đe quân sự để đối phó với Trung Quốc đang đe dọa ngoài Biển Đông. Kết quả là Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí quan trọng thứ 8 trên thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI, tổng trị giá vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699% so với thời kỳ 2006-2010.
Cuộc hội thảo tại Hà Nội mở ra đúng vào lúc tranh luận bùng lên trong chính quyền Mỹ về việc có nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam hay không. Việc các nhà sản xuất vũ khí Mỹ có mặt tại Hà Nội được cho là có tác dụng khuyến khích chính quyền Obama chấp thuận việc sớm dỡ bỏ cấm vận, theo Reuteurs.
Việt Nam đã đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây và Mỹ trong nhiều năm nay để tìm phương tiện hiện đại hóa và phát triển các đội chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay tuần tra trên biển. Nhiều nguồn tin công nghiệp xác nhận với Reuters rằng Hà Nội rất chú ý đến vũ khí Mỹ.
Liên quan đến cuộc hội thảo đáng chú ý tại Hà Nội, tập đoàn Lockheed Martin đã xác nhận sự tham dự với Reuters. Một phát ngôn viên của tập đoàn Mỹ Boeing cũng vậy, đồng thời tỏ ý rất tin tưởng về ưu thế của mình trong việc đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về các phương tiện giám sát và trinh sát cơ động, có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam.
Theo Reuters, trong thời gian qua, Việt Nam đã hiện đại hóa các phương tiện quân sự của mình chủ yếu bằng vũ khí mua của Nga như tàu ngầm lớp Kilo được trang bị tên lửa hành trình Klub, các hệ thống tên lửa địa đối không S-300, hay là của Israel như súng Galil và hệ thống radar AD-STAR 2888.
Tuy nhiên Việt Nam cũng mong có được vũ khí Mỹ, mà hai phương tiện thường được nhắc đến là máy bay trinh sát P-3 và tên lửa. Hồi tháng 3/2016, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã phát biểu rằng quan hệ Việt-Mỹ còn thiếu mảng hợp tác công nghiệp quốc phòng, và Hà Nội muốn được Washington «cung cấp công nghệ hiện đại và thích hợp».
Ông Tim Huxley, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, cho biết lợi ích đối với Việt Nam trong việc được Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, không đơn thuần là việc được tiếp cận công nghệ Mỹ, mà còn cho phép Việt Nam mở rộng khả năng thương lượng.
«Việt Nam rất quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông và có nhu cầu tái cơ cấu quân đội và tái vũ trang, với sự nhấn mạnh nhiều hơn vào hải quân và không quân… Việt Nam muốn mở rộng quyền chọn lựa, với nhiều sự lựa chọn hơn trên thị trường quốc tế», ông Huxley nhận định.