Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, chiều ngày 21/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo giới một cách thẳng thắn, cởi mở về chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như thách thức mà ngành ngoại giao Việt Nam đối mặt trong quan hệ quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí chiều 21/8
Không thể lấy lịch sử để khẳng định chủ quyền
Thách thức rất lớn đối với ngoại giao Việt Nam hiện nay là vấn đề xung đột trên Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến nguyên trạng Biển Đông. Thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ có những bước đi thế nào liên quan đến tình hình này?
Trước diễn biến đang hết sức phức tạp của tình hình Biển Đông, chủ trương nhất quán của chúng ta là khẳng định chủ quyền nhưng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình: thương lượng, thỏa thuận giữa các bên liên quan và biện pháp pháp lý cũng là theo cách hòa bình. Chúng ta cũng đòi hỏi, mong muốn các nước phải giải quyết theo cách này, không sử dụng vũ lực.
Chúng ta hoàn toàn phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, đấu tranh bằng đối thoại hòa bình để mong muốn tránh xảy ra xung đột nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông phải phù hợp luật pháp quốc tế, chứ không thể lấy vấn đề lịch sử hàng nghìn năm để làm cơ sở khẳng định chủ quyền. Khi tôi trao đổi với nhiều nước về khía cạnh này, họ rất đồng tình vì nếu nói như vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ hay Ý có thể bao gồm toàn bộ châu Âu thời kỳ La Mã; Mông Cổ có thể bao trùm toàn bộ châu Á.
Với mục đích đó, Việt Nam đã đàm phán trực tiếp với các nước như Trung Quốc để phân định biên giới biển, cùng với ASEAN yêu cầu thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phó Thủ tướng vừa đề cập đến mong muốn của các nước ASEAN về việc sớm ký kết COC với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình đàm phán COC không được như mong đợi, và hai bên vẫn chưa thống nhất một mốc thời gian cụ thể để hoàn tất COC?
COC là bộ quy tắc về những nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi rất quan trọng để giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Thông qua COC, ASEAN mong muốn không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.
Tất cả các văn kiện của ASEAN đều nêu câu “sớm hoàn tất COC”. Việt Nam và ASEAN mong muốn COC được ký sớm nhất, có thể như trong năm nay chẳng hạn, nhưng điều này cần sự thống nhất của cả phía Trung Quốc. Do nhiều nước tham gia nên Việt Nam không thể quy định thời gian cho các nước khác. Các bên phải cùng nhau thống nhất, khi đã có nội hàm quy tắc ứng xử mới chuyển sang ký kết.
Tuy nhiên, năm nay có một điểm mới là ASEAN đã tiến từ trao đổi, tham vấn sang giai đoạn thương lượng, nghĩa là đã bắt đầu có văn bản và quá trình để hai bên thống nhất bằng văn bản cần có thêm thời gian.
Để thúc đẩy đàm phán COC, Việt Nam luôn tích cực trao đổi với các nước khác trong khu vực, trong đó có các quốc gia liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, để giúp tăng cường sự nhất quán của ASEAN trong đàm phán với phía Trung Quốc.
Cần có chủ trương đúng, linh hoạt để tránh bị "mặc cả" sau lưng
Có ý kiến cho rằng, việc tham gia một liên minh nào đó có thể giúp Việt Nam giải quyết tốt hơn vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông nghĩ sao về điều này?
Trên thế giới có nhiều trường phái về quan hệ quốc tế, có trường phái cho rằng, một liên minh sẽ đảm bảo được sự phòng vệ tập thể. Đối với chúng ta, kinh nghiệm lịch sử cho thấy với chủ trương độc lập tự chủ, chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp, không đi với nước này để chống nước kia mà quan hệ tốt với tất cả các nước để tạo môi trường hòa bình, ổn định. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải liên minh với nước khác.
Chúng ta cần tăng cường tạo dựng lòng tin chính trị để phát triển kinh tế và ngược lại. Các nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam thì họ sẽ phải bảo vệ lợi ích của họ ở Việt Nam.
Quan trọng nhất là chúng ta phải độc lập, và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Với phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, chúng ta cần làm sao thúc đẩy quan hệ với các nước trên cơ sở lợi ích chung tốt nhất; cần làm sao tăng cường điểm đồng, giảm bớt bất đồng.
Trong vấn đề Biển Đông, "dĩ bất biến" chính là việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia còn "ứng vạn biến" là cần tìm ra những biện pháp tăng cường hợp tác, không ảnh hưởng chủ quyền để giảm thiểu tranh chấp trên biển.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần “giải quyết sòng phẳng mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc theo nghĩa, họ đã giúp chúng ta những gì và họ đã làm những gì với chúng ta”. Phó Thủ tướng nghĩ sao về điều này?
Chúng ta là một trong những nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đối mặt với nhiều hành động thù địch, nhưng chủ trương của Việt Nam là gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, mạnh dạn nhìn về phía trước, quan hệ tốt với các nước để đảm bảo cho Việt Nam một môi trường hòa bình, ổn định.
Trong thực tế, nhiều nước dai dẳng với vấn đề quá khứ, không hướng tới tương lai, điều đó gây cản trở cho quan hệ của chính nước đó. Việt Nam mở rộng quan hệ với nhiều nước, thậm chí đã đưa quan hệ với những nước cựu thù đi vào khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược. Điều đó chứng tỏ chủ trương của chúng ta đúng.
Chúng ta đã xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và đối tác toàn diện với Mỹ. Với mỗi nước, chúng ta có mục tiêu hợp tác rất cụ thể trên cơ sở xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo ra sự tin cậy.
Thưa Phó Thủ tướng, trong lịch sử, nhiều lần nước lớn đã bắt tay, mặc cả sau lưng Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam như thế nào trong việc quan hệ với các nước lớn?
Các nước lớn bắt tay sau lưng nước nhỏ là tổng kết chung trong lịch sử quan hệ quốc tế. Điều này không phải ít vì trong quan hệ bang giao, bao giờ cũng có vấn đề song trùng lợi ích và khi các nước đạt lợi ích thì cũng có thỏa thuận ảnh hưởng tới nước khác.
Điều quan trọng là chúng phải đánh giá được tình hình, có chủ trương đúng, linh hoạt để tránh các nước có thể thỏa thuận những vấn đề bất lợi cho lợi ích của chúng ta. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực cạnh tranh quyết liệt của tất cả các nước, từ đó tạo ra thách thức đối lớn.
Trên thế giới, dễ thấy nước nào có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh sẽ có vai trò vị thế, tiếng nói lớn; nhưng có những nước tiềm lực kinh tế và quân sự không mạnh nhưng vẫn có tiếng nói vì họ có đóng góp vào công việc chung của thế giới, được các nước ghi nhận. Trong những năm qua, Việt Nam đã góp phần tạo sự hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, tạo vị thế cho chúng ta.
Trong hội nhập quốc tế, chúng ta phải tích cực đóng góp vào việc xây dựng luật chơi, các cơ chế chung của thế giới, chỉ có vậy mới đảm bảo được lợi ích quốc gia.
Không thể có xung đột biên giới Việt Nam-Campuchia
Bên cạnh tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề biên giới với Campuchia cũng đang nổi lên, ngoại giao Việt Nam sẽ ứng phó với những vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Việt Nam đã phân giới cắm mốc và xây dựng đường biên giới với Trung Quốc và cũng đã cắm mốc trên toàn bộ đường biên giới, và tôn dày các cột mốc với Lào.
Với Campuchia, chúng ta đã hoàn thành hơn 80% công tác phân giới cắm mốc và hai bên đang nỗ lực hoàn tất phần còn lại. Việc phân giới cắm mốc với Campuchia tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, theo đúng những văn bản thỏa thuận hai bên đã ký kết cũng như bản đồ được hai bên công nhận.
Hành động làm phức tạp tình hình biên giới hai nước của đảng đối lập Campuchia (CNRP) là hoàn toàn sai trái, phá hoại quan hệ Việt Nam - Campuchia. Chúng ta tin tưởng với sự phân chia công bằng hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, hai bên sẽ đảm bảo hoạt động phân giới cắm mốc dù bất cứ lực lượng nào muốn chống đối.
Gần đây, chính phủ Campuchia tuyên bố bản đồ Campuchia được Liên Hợp Quốc và Pháp cung cấp hoàn toàn là bản đồ đang sử dụng trong phân giới cắm mốc với Việt Nam. Đó là cơ sở rất quan trọng.
Chúng ta tin rằng không thể có xung đột trên biên giới vì chúng ta luôn xây dựng quan hệ Việt Nam - Campuchia tốt đẹp trên cơ sở quan hệ hai nước giải quyết các vấn đề. Vấn đề phân giới cắm mốc đang được triển khai, thì hoàn toàn không có xung đột.
Theo Dân trí