Việt Nam lên đời “ngựa thồ” AN-2: Đúng xu thế

Chuyên gia Nga cho rằng các máy bay turbine cánh quạt hạng nhẹ thường thích hợp để hành động trong điều kiện xung đột cường độ thấp hơn là các máy bay phản lực hiện đại, hơn nữa giá cả và chi phí khai thác thấp hơn hàng chục lần. Vì thế, quân đội Việt Nam đang đi đúng xu thế.
Máy bay AN-2 của không quân Việt Nam
Máy bay AN-2 của không quân Việt Nam

Việt Nam đang đàm phán với Viện Nghiên cứu hàng không Siberia (SibNIA) về việc hiện đại hóa đội máy bay vận tải AN-2 được cung cấp cho Việt Nam từ thời Liên Xô. Các máy bay sẽ có động cơ, vỏ và thiết bị điện tử hàng không mới, cho phép biến các máy bay cũ kỹ thành những máy bay hiện đại.

SibNIA cho hay, hiện chưa có thời hạn chính xác bắt đầu hiện đại hóa các máy bay AN-2 của Việt Nam bởi vì việc đàm phán còn chưa kết thúc, nhưng ở đây nói đến một lô khá lớn tới mấy chục chiếc.

Giám đốc Tài chính của SibNIA, ông Igor Shubin cho biết, các quan chức Việt Nam đến dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập SibNIA đã tỏ ra quan tâm đến hợp tác nâng cấp các máy bay AN-2 hiện có trong trang bị của Không quân Việt Nam với số lượng lên đến 40 chiếc. Sau đó, Việt Nam đã gửi cho SibNA đề xuất hợp tác. Hiện nay, đang xem xét khả năng hiện đại hóa một phần các máy bay tại các nhà máy của Nga, song song đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam, còn sau đó là cung cấp các bộ linh kiện sang Việt Nam.

Theo quan chức của SibNIA, máy bay sẽ được hiện đại hóa, một phần bằng cách thay thế một phần vỏ nhôm bằng vỏ composite nhẹ hơn, cũng như lắp động cơ turbine cánh quạt mạnh và gọn hơn thay cho động cơ piston cũ. Kích cỡ nhỏ của động cơ mới đã cho phép các công trình sư giấu nó vào phần mũi thuôn hơn, giúp cải thiện đặc tính khí động của máy bay.

Sau khi thực hiện tất cả các cải tiến, máy bay sẽ có thể bay xa hơn 2 lần AN-2 cũ - đến 3.000 km bằng một thùng nhiên liệu, cũng như có tốc độ cao hơn và cất cánh từ đường băng ngắn. Ngoài ra, chiếc máy bay huyền thoại sẽ còn bền bỉ và rẻ hơn trong khai thác.

Các máy bay AN-2 được Liên Xô cung cấp trong thập niên 1950-1960 từng là những con ngựa thồ trong chiến tranh Việt Nam. Chúng đã không chỉ vận chuyển hàng hóa cho du kích và bộ đội chủ lực Bắc Việt mà còn đóng vai trò cường kích đánh đêm giống như các máy bay tiền bối của mình trong thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. An-2 thường mang mỗi máy bay 2-4 bệ phóng rocket và khiến đối phương rất đau đầu, buộc Mỹ phải tung đến Việt Nam các máy bay đánh chặn ban đêm F-106, nhưng chúng cũng không thể đối phó nổi các máy bay bé nhỏ, độ bộc lộ thấp và chạy êm này. Mỹ còn tìm cách sử dụng trực thăng để săn lùng AN-2 (Tại trụ sở AN-2 có treo một bức tranh miêu tả một trận đánh như vậy), nhưng vô hiệu.

Igor Shubin cho biết thêm là gần đây có sự quan tâm đáng kể đến việc nâng cấp AN-2 từ phía các nước châu Á khác như Trung Quốc, Mông Cổ và Indonesia bởi vì chúng cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong đội máy bay của họ.

Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov cho biết, các máy bay AN-2 hoàn toàn xứng đáng với sự yêu mến của quân đội Việt Nam và việc hiện đại hóa chúng là bước đi logic.

Ông Lavrov giải thích, AN-2 là máy bay độc đáo về sự kết hợp tốc độ, cơ động và đặc tính hạ cánh, nó không thể thay thế trong điều kiện thiếu sân bay thực sự, kể cả trong rừng rậm và vùng núi. Sau khi được nâng cấp, Việt Nam thực tế sẽ nhận được một máy bay mới có các đặc tính độc đáo của AN-2 và dự trữ làm việc rất lớn.

Theo ông Lavrov, trên thế giới đang có xu hướng chế tạo cường kích hạng nhẹ trên cơ sở các máy bay dân sự.

Ông nói: "Các máy bay turbine cánh quạt hạng nhẹ thường thích hợp để hành động trong điều kiện xung đột cường độ thấp hơn là các máy bay phản lực hiện đại, hơn nữa, giá cả và chi phí khai thác thấp hơn hàng chục lần. Vì thế, quân đội Việt Nam đang đi đúng xu thế. Ví dụ mới nhất kiểu này là việc biến “máy kéo bay” AT-802 từ một máy bay phục vụ nông nghiệp thành máy bay tiến công và đưa vào trang bị cho không quân Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Yemen và Colombia".

Chuyên gia Viện Các nghiên cứu chiến lược Anton Tsvetov cho rằng, Nga vẫn là đối tác chủ chốt của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. "Các vũ khí trang bị mới của Nga có ý nghĩa trọng yếu đối với Việt Nam và khả năng quốc phòng của nước này, nhưng việc hiện đại hóa các mẫu vũ khí trang bị đã cung cấp cũng quan trọng không kém. Dĩ nhiên là do lịch sử quan hệ đồng minh lâu đời, đa số vũ khí trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam là các mẫu của Liên Xô mà nay có thể nâng cấp lên các tiêu chuẩn hiện đại", ông Tsvetov nhận định.

Theo ông Tsvetov, về mặt hiện đại hóa nền tảng công nghiệp và kỹ thuật, Nga có vị thế rất mạnh ở Việt Nam. Phía Việt Nam luôn quan tâm đến khả năng sản xuất vũ khí trang bị trên lãnh thổ của mình và chuyển giao công nghệ. Về mặt này, Liên bang Nga luôn đưa ra cho đối tác các đề xuất rất có lợi. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn, tại một xưởng đóng tàu Việt Nam đã tiến hành lắp ráp theo giấy phép các tàu tên lửa Molnya.

Theo VND