Việt Nam là cửa ngõ để Nga tiến vào Đông Nam Á

Nga sẽ trở thành cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận với thị trường trong không gian hậu Xô Viết, còn Việt Nam sẽ là cầu nối cho Nga tiến tới thị trường Đông Nam Á.
Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov (ngoài cùng bên trái) trả lời phỏng vấn trong buổi họp báo "Tổng kết quan hệ Nga - Việt Nam 2015" được tổ chức ở Hà Nội, ngày 18/12/2015.
Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov (ngoài cùng bên trái) trả lời phỏng vấn trong buổi họp báo "Tổng kết quan hệ Nga - Việt Nam 2015" được tổ chức ở Hà Nội, ngày 18/12/2015.

Đó là nhận định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga Konstantin Vnukov ở Việt Nam trong buổi họp báo tổng kết quan hệ Nga – Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội.

Theo đại sứ Vnukov, trong năm 2015, Nga và Việt Nam đã có rất nhiều bước tiến trong việc thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nga coi Việt Nam là bạn bè lâu đời và đáng tin cậy. Dựa trên cơ sở Học thuyết đối ngoại đã được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sẽ vẫn là một trong những hướng đi quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của Moscow tại châu Á – Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Nga có cơ sở để xem Việt Nam là một mắt xích vững chắc trong việc đẩy mạnh hợp tác theo đường các tổ chức và liên kết khu vực. Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á – Âu và Việt Nam đã được kỳ vọng trở thành một công cụ quan trọng bậc nhất để đạt được mục tiêu này.

Kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ nhận quyền tiếp cận vào một thị trường to lớn và có triển vọng của 5 nước thuộc không gian hậu Xô Viết: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia, với số lượng người tiêu dùng gần 200 triệu.

Ở phía đối diện, dưới sự hỗ trợ của Việt Nam, cùng với việc Moscow tích cực đẩy mạnh quan hệ đối tác song phương với ASEAN, Nga hy vọng sẽ có quyền tiếp cận với thị trường các quốc gia Đông Nam Á có hơn 600 triệu dân. Khi bình luận về quan hệ đối tác hai chiều này, Đại sứ Nga Konstantin Vnukov cho biết: “Việt Nam có kinh nghiệm phong phú trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi không có kinh nghiệm đó nên đàm phán đối với chúng tôi khá phức tạp… Và kết quả của những buổi nói chuyện thẳng thắn, cởi mở đã giúp chúng ta cởi bỏ được các bất đồng”.

Để hiện thực hóa hy vọng này, Việt Nam và Nga thành lập cơ quan điều phối chính cùng phối hợp hành động về kinh tế là Ủy ban Liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật, dẫn đầu là Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Liên bang Nga Igor Shuvalov và Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải. Trong tháng 12/2015, tại Hà Nội, hai vị lãnh đạo đã gặp gỡ, thảo luận và phân tích hiện trạng toàn bộ tổ hợp trong sự phối hợp hành động song phương trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Nga cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN trong các ngày từ 19-20/5/2016 tại thành phố Sochi. Tổng thống Vladimir Putin đã gửi giấy mời tham dự hội nghị tới tất cả thành viên ASEAN, phía Việt Nam đã nhận lời.

Trong những năm gần đây, dù cục diện không thuận lợi trên các thị trường thế giới, khối lượng thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam vẫn giữ ở mức khá cao: 3,75 tỷ USD trong năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm 2015 đã đạt 2,74 tỷ USD. Các công ty Nga đang tham gia thực hiện 113 dự án với tổng số vốn là 2 tỷ USD tại 24 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam. Trên lãnh thổ Liên bang Nga đã có 18 dự án được đăng ký với sự tham gia góp vốn của Việt Nam với số tiền là 2,5 tỷ USD.

Cả hai nước tin rằng, những chỉ số này chưa đáp ứng được những khả năng và nhu cầu của cả hai bên. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam đặt nhiệm vụ gia tăng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD đến năm 2020.

Cũng theo Đại sứ Nga, ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong thời gian tới là phát triển kinh tế và kỹ thuật, văn hóa và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa người dân hai nước. 

Theo Infonet