Sự xuất hiện của ChatGPT đã khiến cho cả thế giới bất ngờ về tiềm năng của AI. Trong 6 tháng qua, thế giới đang chạy đua với xu thế tạo ra các hệ thống AI tạo sinh (generative AI) tương tự như ChatGPT. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Ít nhất có 3 tập đoàn lớn của Việt Nam đang nghiên cứu các nền tảng AI tạo sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, mặc dù việc triển khai nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định tại các doanh nghiệp trong thời gian qua, nhưng nhìn chung tốc độ triển khai còn chậm so với thế giới.
Làm thế nào để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển rất nhanh của lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo là một câu hỏi đặt ra cho nhà nước và doanh nghiệp.
Vị trí của Việt Nam trên bản đồ Trí tuệ nhân tạo thế giới
Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada công bố ngày 22/2/2023, chỉ số sẵn sàng cho Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đạt 51,82/100, tăng 14 bậc so với năm trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Theo ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2022, Việt Nam được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về "Chỉ số Đổi mới sáng tạo" (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn.
Còn theo Tiến sĩ Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam xếp hạng về Trí tuệ nhân tạo thứ 5/10 trong ASEAN, thứ 13 châu Á và thứ 47 trên thế giới.
Ông Tú cho biết, theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số doanh nghiệp lớn đã chú ý và quan tâm đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo (15 doanh nghiệp đã đầu tư và 40 doanh nghiệp dự kiến đầu tư). Hơn 50 trường Đại học đã có các khóa học, chương trình học liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, trong đó có gần 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về AI.
Theo ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, công ty FPT Smart Cloud, tùy thuộc vào lĩnh vực ngành nghề mà sự ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo là khác nhau. Chẳng hạn trong ngành tài chính ngân hàng, hầu hết các công nghệ Trí tuệ nhân tạo mới nhất đều đã được áp dụng hoặc đang được áp dụng song hành với các ngân hàng trên thế giới, từ các ứng dụng front office đến back office. Hoặc trong ngành Y tế thì đã áp dụng AI - thị giác máy tính trong tiền chuẩn đoán các bệnh lý. Trong lĩnh vực sản xuất thì AI camera đang được sử dụng rất rộng rãi. Còn trong những lĩnh vực khác, sự chấp thuận Trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp còn chậm, cần nhiều nỗ lực đột phá hơn nữa.
Thực tế thì Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế khiến cho việc triển khai Trí tuệ nhân tạo chưa được sâu rộng. Theo tiến sĩ Trần Anh Tú, Việt Nam chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp khu vực và thế giới; Chưa có cơ sở nghiên cứu cấp quốc gia về Trí tuệ nhân tạo; Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo còn hạn chế; Cơ chế đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực còn yếu kém; Việc hình thành các cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, hệ thống dữ liệu mở còn hạn chế.
Các chính sách mở đường cho Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Thực tế thì trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã xác định rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, là dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển AI, dữ liệu lớn, Blockchain, điện toán đám mây, IoT, thiết kế và sản xuất chip) là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.
Ngày 26 tháng 1 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 127/QĐ-TTg, ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu là đưa Trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tú, Nhà nước đã đầu tư cho nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia như KC-01, KC 4.0, NAFOSTED (gần 100 nhiệm vụ liên quan đến AI).
4 trụ cột quan trọng để triển khai thành công Trí tuệ nhân tạo
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để triển khai AI thành công tại Việt Nam, nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý đến 4 trụ cột chính:
Thứ nhất là Nguồn nhân lực, trong đó phân ra 2 nhóm nhân lực. Nhóm thứ nhất là Chuyên gia AI, nguồn lực đến từ các trường Đại học. Thứ trưởng nói rằng AI đang là ngành học "hot", điểm số tuyển sinh ngành AI hiện nay cao nhất Việt Nam, cao hơn cả điểm xét tuyển ngành Y. Lương khởi điểm cho sinh viên AI ra trường là 6000 USD. Nhóm thứ hai là kỹ năng về công nghiệp số và trí tuệ nhân tạo cho toàn xã hội.
Trụ cột thứ hai là Hạ tầng tính toán. Các hạ tầng tính toán hiệu năng cao ở Việt Nam hiện nay đang đặt rời rạc và chưa có một trung tâm tính toán lớn. Các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, Vingroup, Viện Hàn lâm đều đã có những trung tâm dữ liệu lớn, nhưng cả chính phủ và doanh nghiệp đều chưa có đủ năng lực để đầu tư một hệ thống tính toán lớn để có thể chạy mô hình ngôn ngữ như GPT-3. Số tiền để chạy một hệ thống GPT-3 trong 3 tháng có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng.
Trụ cột thứ ba là Dữ liệu. Chúng ta đã có nhiều dự án chuyển đổi số, chẳng hạn như Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử). Tuy nhiên nếu triển khai AI, chúng ta lại cần dữ liệu sạch, dữ liệu được gắn nhãn.
Trụ cột thứ tư là các quy định về thể chế và đạo đức. Các ứng dụng như ChatGPT, hệ thống deepfake, xử lý video, tạo sinh hình ảnh đặt ra vấn đề về các quy định quản lý việc xây dựng và sử dụng Trí tuệ nhân tạo để hạn chế tối đa các mặt tiêu cực của nó. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các chuyên gia Australia xây dựng các quy định cho một hệ thống "Responsible AI", tức là hệ thống AI có trách nhiệm với người sử dụng.
Mục tiêu đến năm 2030
Đảng và Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Xây dựng được 10 thương hiệu Trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực.
Việt Nam phấn đấu có ít nhất 1 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về Trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; Hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về Trí tuệ nhân tạo.
Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.