Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bình quân các gói hỗ trợ kinh tế của các nước trên thế giới chiếm khoảng 16% GDP, còn những nước đang phát triển như Việt Nam là 7,7% GDP. Trong đó, tài khóa luôn là chủ yếu, chiếm khoảng 50-60%, tiền tệ chiếm khoảng 30-40%. Một số nước chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, vì họ tư duy có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế.
“Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ này không phải thực thi một cách bừa bãi mà đi kèm với lộ trình và sự kiểm soát rất chặt chẽ”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc giãn, hoãn thuế của các nước khác rất ít mà tập trung vào bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy định về quản lý nợ công không cho phép Chính phủ bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ quốc tế có cả ngắn hạn và dài hạn, còn Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn.
Mặt khác, trong 18 tháng qua, nợ công toàn cầu tăng 20 điểm phần trăm, thâm hụt ngân sách tăng 7 điểm phần trăm. Vì vậy, theo ông Cấn Văn Lực, trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam có thể chấp nhận nới lỏng, sau đó có lộ trình kiểm soát và củng cố tài khóa lâu dài.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa, đồng thời khơi thông “điểm nghẽn” về phân bổ và huy động nguồn lực, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực sao cho hợp lý, đúng đối tượng.
Vị chuyên gia này cho rằng cần mạnh dạn chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn hiện nay khi dư địa chính sách vẫn còn và tốt hơn nhiều so với trước đây.
Điều này thể hiện qua lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Cùng với đó, bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cao gấp 4-5 lần so với 10 năm trước.
Theo Báo Pháp luật TP HCM (PLO), tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 4 (5/10), các Ủy viên Trung ương dành trọn buổi sáng thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội 2021, dự kiến kế hoạch 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2021 và dự toán 2022, kế hoạch tài chính – ngân sách 2022-2024.
Dẫn thông tin từ hội nghị, tờ báo này cho hay Chính phủ có đặt vấn đề xin chủ trương một gói kích thích kinh tế lớn. "Nhiều khả năng, nếu Trung ương đồng thuận, ủng hộ thì Chính phủ sẽ hoàn thiện phương án để trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp cuối năm, dự kiến khai mạc 20-10 tới", tờ này viết.
PLO cũng dẫn lời một Ủy viên Trung ương, nói rằng gói kích thích kinh tế này chỉ có thể xây dựng nếu Quốc hội tới đây nới trần nợ công, cân nhắc chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tín dụng, tài khóa. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới hình thành từng gói nhỏ, chẳng hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số…
Ngoài ra, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất./.