Trong khi đó, trường hợp của Vietravel Airlines và Vinpearl Air đang được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả, còn KiteAir đang chờ thẩm định của Cục.
Như vậy nếu không có vấn đề về mặt hồ sơ pháp lý của các hãng này, ngành hàng không Việt Nam sẽ có tổng cộng 9 hãng trong thời gian tới. Điểm đáng nói là chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, các hãng hàng không mới đã liên tục xuất hiện trong bối cảnh triển vọng ngành có xu hướng chậm lại, trong khi hạ tầng hàng không đang ở tình trạng quá tải và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh thậm chí là cả an ninh quốc phòng.
Ngoài ra còn phải kể đến việc nhân lực ngành hàng không hiện cũng không đáp ứng được nhu cầu. Mỗi khi có một hãng hàng không mới ra đời, câu chuyện tuyển dụng, lôi kéo phi công giữa các hãng lại nóng lên. Vấn đề thiếu nhân lực hàng không dẫn đến chuyện lôi kéo phi công, ảnh hưởng đến đội bay của các hãng. Không chỉ thiếu nhân lực phi công, mà nhân lực của Cục Hàng không để giám sát hoạt động này cũng thiếu.
Với bối cảnh hạ tầng sân bay ngày càng xuống cấp và chật hẹp, cùng với nguồn nhân lực Việt Nam chưa tự chủ đào tạo hoàn toàn thì đây đang là bài toán hóc búa với cơ quan quản lý.
Theo NDH